Fan Argentina cáu tiết, ném thẳng tivi khỏi tầng 2 vì thua Pháp
Nếu bạn hỏi người Argentina về bài hát "Đừng khóc cho tôi, Argentina" thì có lẽ không ai phải lắc đầu vì không biết. Bởi đó là ca khúc đã đi đâu vào lòng, hằn trong tâm trí mỗi người dân Argentina. Đặc biệt là mỗi khi đội bóng của họ thất bại trước đối thủ, điệu tango rộn ràng không thể vang lên thì thay vào đó là những giai điệu buồn như bài hát "Don’t cry for me, Argentina". Vì sao vậy? Vì bóng đá không chỉ đơn thuần là một môn thể thao mà nó còn là niềm tự hào của nhiều quốc gia trên thế giới và Argentina cũng là một trong số đó. Đội bóng của họ đã có không ít lần vô địch thế giới, vô địch Nam Mỹ, vô địch Olympic và luôn khao khát được đứng trên đỉnh vinh quanh, chạm tay vào cúp vàng trong những giải đấu lớn như World Cup.
Bài hát đã trở nên quen thuộc đến nỗi mà cứ mỗi lần Argentina thua trận, truyền thông và cả fan bóng đá đều muốn cất lên những lời cảm thán rằng: "Đừng khóc cho Argentina", "Đừng khóc cho Messi", "Đừng khóc cho tôi, Argentina".
Trong mùa World Cup 2018, một lần nữa nhiều giọt nước mắt của người Argentina lại rơi xuống, Messi và đồng đội của anh lại tiếp tục lặp lại hình ảnh buồn thảm như nhiều lần khác. Điệu tango vui nhộn lại không thể vang lên, thay vào đó là những giai điệu day dứt của bài "Don’t cry for me, Argentina" bất hủ từng khiến cả thế giới nhỏ lệ xót thương phu nhân Eva Peron, người phụ nữ xinh đẹp và quyền lực bậc nhất nhưng bạc mệnh trong lịch sử Argentina.
Năm 1978, hai nghệ sĩ người Anh tên Andrew Lloyd Weber và Tim Rice đã cho ra đời vở nhạc kịch về người vợ thứ hai của Tổng thống Argentina Juan Peron. Họ gọi nó là "Evita".
Năm 1997, bộ phim được chuyển thể từ vở nhạc kịch Evita với sự góp mặt của nữ hoàng nhạc pop Madonna đã thành công vang dội, giành được nhiều giải thưởng cao quý và trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới. Bài hát "Don’t cry for me, Argentina" cũng từ đó trở thành "bài hát quốc dân" của Argentina mà đến nay người ta vẫn bồi bồi xúc động và thương nhớ về người phụ nữ ấy mỗi khi giai điệu bài hát vang lên.
Tuổi thơ cơ cực
Eva Maria Duarte, còn được biết đến với cái tên Evita, sinh ngày 7/5/1919 tại thị trấn nhỏ Los Toldos (Argentina). Từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, bà đã không được may mắn như những đứa trẻ khác có một gia đình trọn vẹn yêu thương, Evita phải sống những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực. Bố đẻ của bà, ông Juan Duarte, không cho mẹ của bà một danh phận rõ ràng, bởi ông đã có một gia đình ở thị trấn khác. Mẹ của Evita, bà Juana Ibarguren, đã gặp ông Juan khi bà mới 15 tuổi. Sau đó bà trở thành tình nhân rồi sinh cho ông liền 5 đứa con, trong đó Evita là con út.
Khi Evita mới được 1 tuổi, cha của bà đã bỏ rơi 6 mẹ con bà để quay về với vợ, khiến họ rơi vào cuộc sống nghèo khổ cùng cực. Bà Juana phải đưa các con di chuyển từ căn nhà thoải mái đến một ngôi nhà nhỏ xíu chỉ có 2 phòng trong khu ổ chuột của thị trấn Los Toldos. Những tin đồn cứ thế truyền đi trong suốt cuộc đời Evita rằng mẹ bà khi đó đã phải làm gái mại dâm để có tiền nuôi các con. Trong cuốn tự truyện của mình, Evita đã đặc biệt nhấn mạnh đến những năm tháng thơ ấu đầy cay đắng của mình.
Để nuôi được đàn con thơ nheo nhóc, mẹ của Evita đã phải lao động cực nhọc. "Trong ký ức tuổi thơ của tôi, tiếng máy may của mẹ hầu như chưa bao giờ ngừng một chút", Evita từng hồi tưởng lại. Cũng chính vì cái nghèo mà cả 5 chị em Evita bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Evita gầy còm, yếu ớt với mái tóc dài màu đen và đôi mắt nâu to tròn. Đến 8 tuổi, Evita mới được đến học ở một ngôi trường của địa phương nhưng cô bé thường xuyên nghỉ học vì ốm yếu.
Không có cha ở bên cạnh chở che đã là một thiệt thòi to lớn rồi nhưng Evita và các anh chị của bà còn thường xuyên phải chịu những lời miệt thị từ bạn bè rằng họ là "đồ con hoang". Khi nghe tin ông Juan mất, mẹ của Evita còn dẫn theo các con đến chịu tang nhưng mấy mẹ con bà bị đuổi thẳng thừng và phải nhận những lời lẽ cay nghiệt.
Lúc đó, Evita đã thề rằng: "Tôi sẽ trở thành một người khiến tất cả mọi người phải nhìn bằng con mắt khác". Những người chứng kiến đều cho rằng đó chỉ là lời nói bồng bột, ngây thơ nhất thời của một đứa trẻ bởi ai mà tin được cô bé nghèo đói, ốm yếu đó có thể làm nên chuyện lớn. Ngay từ khi còn nhỏ, Evita đã có tham vọng lớn lao thay vì cứ tìm được một công việc ở thị trấn nhỏ rồi kết hôn như những cô gái khác. Bà khao khát trở thành một diễn viên như thần tượng của mình, Norma Shearer.
Bước ngoặt cuộc đời
Khi Evita 15 tuổi bà gặp ca sĩ tango Agustin Magaldi khi ông đến quê bà biểu diễn. Evita như "chết đuối vớ được cọc", bà nhanh chóng đồng ý theo Magaldi đến Buenos Aires để bắt đầu sự nghiệp dưới ánh đèn sân khấu. Trong vở nhạc kịch Evita, người ta có thể thấy Agustin Mgaldi đã "quyến rũ" được cô gái trẻ xinh đẹp Evita bằng câu nói: "Vào đêm nay, giữa muôn ngàn vì sao, anh xin phép được đưa em đến cánh cửa thiên đường, nơi mà tiếng đàn guitar của tình yêu cứ vang lên mãi mãi".
Tuy nhiên, có tài liệu ghi chép lại rằng năm Evita 15 tuổi bà nhất quyết đến chốn đô thành Buenos Aires để tìm hướng "đổi đời". Mẹ của Evita cũng theo con gái lên thành phố, họ phải đi khắp các đài phát thanh để cầu xin người ta nhận Evita vào làm. Sau đó bà Juana phải gửi lại Evita cho một vài người bạn để về quê gấp. Vậy là cô bé 15 tuổi một thân một mình với chiếc vali ở lại cùng giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thời đó, Buenos Aires là thành phố lớn thứ 3 ở châu Mỹ, sau New York và Chicago, nên có nhiều cơ hội việc làm cho Evita, bà có thể làm bất cứ việc gì để có tiền bám trụ lại nơi đó. Nhưng vài năm tiếp theo, mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nghề diễn viên vốn đã chẳng phải dễ dàng đối với bất kỳ ai, và vào những năm 1930, nó lại khó khăn hơn bội phần. Các nhà hát không có đoàn kịch đến biểu diễn, các diễn viên rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, đến mức không còn một xu dính túi nếu chương trình không có khán giả xem. Rất nhiều lần, Evita phải nhẫn nhịn lắm mới xin được diễn một vai nhỏ. Nhưng thời gian trôi đi, bà đã tích lũy được những kỹ năng cần thiết để gây dựng tên tuổi. Bà quanh quẩn làm việc chăm chỉ ở văn phòng tạp chí phim Sintonia (tạp chí mà bà rất mê hồi nhỏ) và kết bạn với các nhà văn để được góp mặt trong vài trang viết của họ. Sau một vài năm Evita đã thành lập được công ty của riêng mình với sự giúp đỡ của anh trai.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Đến năm 1944, khi Evita gặp Juan Peron, bà đã kiếm được khoảng 6.000 peso mỗi tháng. Thời điểm đó, ông là một đại tá trong quân đội Argentia đồng thời là Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Chiến tranh sau khi quân đội chiếm quyền kiểm soát chính phủ năm 1943. Juan Peron đã bước sang tuổi 48, gấp đôi tuổi của Evita. Ông không có con, người vợ đầu tiên của ông đã chết vì ung thư cổ tử cung 6 năm trước đó.
Đầu năm 1944, một trận động đất làm rung chuyển thị trấn nhỏ San Juan dưới chân dãy núi Andes khiến hơn 6.000 người thiệt mạng. Ông Peron nảy ra ý định tổ chức một lễ hội nghệ thuật để gây quỹ cho các nạn nhân. Evita đã tham dự buổi biểu diễn với một người bạn thân.
Trước đám đông, Đại tá Juan Perón phát biểu hùng hồn trong phòng khách, mạnh mẽ lên án môi trường chính trị hiện thời, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lan rộng, thái độ hờ hững của những người giàu mà bất nhân, phê phán mạnh mẽ thói tham lam của họ. Evita đã bị ấn tượng với những lỡi lẽ quyết liệt của vị đại tá quân đội và mạnh dạn tiến về phía trước để gặp ông. Bà tin rằng đây mới chính là người đàn ông thực sự của đời mình. Đó là người đó có thể cứu vớt dân nghèo khổ của Argentina.
Cũng năm đó, người ta được nhìn thấy hình ảnh cô gái tóc vàng xinh đẹp lần đầu tiên được nhận một vai diễn trong bộ phim mà ông Juan tài trợ kinh phí. Khi đã có chỗ đứng, Evita thành lập hẳn một liên minh dành cho các diễn viên mới bước chân vào nghề do bà làm chủ tịch. Chẳng bao lâu sau, Evita lại làm thêm cả chương trình phát thanh về chính trị mang tên "Hướng tới một ngày mai tốt hơn", nội dung chương trình xoay quanh việc quảng bá hình ảnh của ông Juan. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ đời thường giản dị nhất, lôi cuốn tầng lớp lao động, Evita muốn truyền đạt những gì cô muốn mọi người tin về ông Juan Peron. Bà cũng tham gia những cuộc họp của Juan với những người ủng hộ ông để tự nâng cao trình độ hiểu biết chính trị của mình. Bà cứ ngồi yên lặng, không nói và tiếp thu mọi ý kiến.
Năm 1945, Juan Peron trở thành Phó Tổng thống Argentina, nhưng cũng vì sự nổi tiếng đó mà ông có nhiều kẻ thù hơn. Người ta lan truyền tin đồn rằng Evita từng làm gái mại dâm để có tiền trang trải cuộc sống. Tin đồn truyền đi đã dấy lên một làn sóng lớn trong xã hội thượng lưu ở Argentina. Người ta ghé tai nhau rằng một gái lầu xanh như vậy lại có thể bước chân vào giới thượng lưu. Và giống như các cặp vợ chồng quyền lực khác, người ta cũng nghĩ rằng đó là tham vọng, không phải là tình yêu giữ họ lại với nhau.
Vào ngày 9 tháng 10 năm 1945, Phó tổng thống Juan Peron bị buộc phải từ chức và bị bắt. Evita vẫn giữ được bình tĩnh, bà đã đi khắp nơi tranh cử, kêu gọi sự ủng hộ của người dân. Bà nói: "Vì tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh giống như mọi người, nên tôi hiểu được nỗi khổ của mọi người! Nỗi cơ cực của mọi người, tôi từng nếm trải qua, cái nghèo khó của mọi người, tôi từng chịu đựng. Ông Juan Peron đã cứu vớt tôi, và sẽ cứu vớt mọi người. Juan Peron sẽ ủng hộ những người nghèo, yêu thương những người nghèo, nếu không phải như vậy, thì không có cớ gì ông ấy lại yêu thương tôi như vậy".
Lời diễn thuyết của bà đã cảm hóa được vô số người dân nghèo đang trong cảnh thất nghiệp và lòng dâng đầy oán hận. Các cuộc biểu tình quần chúng của các tổ chức công đoàn nổ ra khắp nơi đòi trả tự do cho ông Juan. Đến ngày 17/10, không chịu được sức ép từ đám đông, phe đối thủ đã phải thả ông Juan ra.
Bốn ngày sau khi ông Juan Peron được thả, ông và bà Evita đã kết hôn. Ngay sau đó ông lập tức lên kế hoạch tranh cử chức tổng thống. Và để thận trọng trong mọi việc, các tài liệu liên quan đến sự nghiệp diễn viên của bà Evita biến mất, bộ phim cuối cùng của bà cũng không được phát hành. Bà đã là vợ của một ứng cử viên tổng thống, không có quá khứ, mà chỉ có một tương lai lấp lánh.
Đệ nhất phu nhân được triệu người dân tôn kính
Trong quá trình ông Juan Peron ra tranh cử, Evita luôn là người đứng sau theo sát, ủng hộ và hỗ trợ đắc lực cho chồng. Thậm chí, khi Juan bị bệnh không thể đứng trước đám đông diễn thuyết, bà sẵn sàng đứng ra kêu gọi sự ủng hộ của người dân. Và chỉ trong vài tháng, tất cả đã thay đổi.
Trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 24 tháng 2 năm 1946, ông Juan đã giành được 52% phiếu bầu và nghiễm nhiên trở thành tân Tổng thống Argentina còn Evita trở thành đệ nhất phu nhân khi mới 26 tuổi.
Khi đã trở thành "mẫu nghi thiên hạ", Evita không quên những trách nhiệm trọng đại của mình. Bà luôn mưu cầu phúc lợi cho người dân nghèo, trẻ nhỏ cùng người già, đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Bà còn thành lập hội ngân sách "đệ nhất phu nhân" và trung tâm cứu trợ những người nghèo khổ.
Sau khi trở thành đệ nhất phu nhân, bà bắt đầu làm việc 3 ngày một tuần trong một văn phòng tại Bộ Lao động Argentina. Mọi người đến gặp bà để đề nghị ủng hộ hoặc hỗ trợ tài chính. Evita sẽ lắng nghe những vấn đề của họ và lập tức đưa ra hành động. Cô thư ký Lilliane Guardo, người có 4 đứa con, đã phải lên tiếng kêu than khi mà cô không còn thời gian nghỉ ngơi, dành cho các con và gia đình khi theo sát lịch trình làm việc với khối lượng công việc khổng lồ của Evita.
Mỗi ngày, bà đều làm việc đến 3 giờ sáng, chỉ được chợp mắt trong chốc lát và lại đến văn phòng vào 7 giờ sáng. Bà đến thăm các nhà máy và những khu phố nghèo để xem người dân đang phải sống như thế nào. Có lần, trong thời gian 48 giờ đồng hồ, bà đứng trên bục diễn thuyết liên tục 7 lần. Bác sĩ khuyên bà hãy chú ý nghỉ ngơi thì nhận được câu trả lời rằng: "Tôi nguyện hiến dâng tính mạng của mình cho những người nghèo".
Cũng giống như Công nương Diana, bà không ngại khi đến gần, ân cần hỏi han những người bị bệnh phong, ôm hôn người lao động nghèo khổ, rách rưới, bệnh tật... Cũng vào năm 1947, Evita bắt đầu hành trình được gọi là Rainbow Tour of Europe, đi thăm các nước châu Âu bao gồm Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Thụy Sĩ và Monaco. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà trên cương vị là vợ của Tổng thống Argentina. Khi Evita đặt chân đến Tây Ban Nha, hơn 3 triệu người đứng trên khắp các nẻo đường chào đón bà.
Ngày 9/1/1949, án tử đột nhiên giáng xuống người phụ nữ ấy, Evita bị ngất xỉu trong một sự kiện. Bác sĩ chuẩn đoán bà bị ung thư cổ tử cung. Đến 8h 25 phút tối ngày 24/7/1949, bà trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho hàng triệu người dân trên khắp đất nước Argentina.
Đêm đó, truyền hình Argentina nghẹn ngào tuyên bố với người dân cả nước: "Linh hồn của đất nước chúng ta, người lãnh đạo tinh thần của dân tộc chúng ta đã qua đời". Nhà lãnh đạo Argentina quyết định tổ chức tang lễ cho bà theo nghi thức quốc tang. Tất cả các hàng quán, cửa hiệu, rạp chiếu phim, giao thông đều đóng cửa, hàng triệu người dân đổ về tỏ lòng xót thương và mong muốn được nhìn thấy bà một lần cuối cùng. Một lễ quốc tang mà phải đến năm 1997 người ta mới lại được chứng kiến lần nữa khi Công nương Diana (Anh quốc) qua đời.
Trước khi bà qua đời, Quốc hội Argentina đã trao cho Evita danh hiệu chính thức "Nhà lãnh đạo tinh thần của dân tộc". Đám tang của bà được ví như đám tang của một nữ hoàng. Hàng triệu người dân Argentina luôn yêu và coi bà như một "vị thánh". Ước tính có khoảng 3 triệu người ở Buenos Aires tham dự đám tang của bà. Họ xếp hàng dài để được tận mắt nhìn thấy bà.
Trước ngày kỷ niệm tròn 60 năm ngày mất của Evita, chính phủ Argentia phát hành tờ tiền mệnh giá 100 cien pesos có in hình của bà. Bà là người phụ nữ đầu tiên xuất hiện trên tờ tiền giấy của Argentina.
Tổng thống Argentina Cristina Fernandez khi đó nói rằng: "Sau 200 năm, đây là lần đầu tiên một người phụ nữ xuất hiện trên một tờ tiền và để thể hiện sự bình đẳng giới tính, thì còn sự lựa chọn nào tốt hơn Evita? Câu chuyện cuộc đời của bà có nhiều tranh cãi nhưng nói về một người đã đấu tranh không biết mệt mỏi cho sự bình đẳng trong xã hội thì chỉ có bà. Không phải Evita là một thánh nhân và cũng không phải bà ấy chưa từng mắc sai lầm nhưng bà ấy là người phụ nữ khiêm nhường".
Đúng, Evita không hẳn là một người phụ nữ hoàn hảo nhưng với tất cả những gì bà đã làm, đã cống hiến cho người dân Argentina thì bà xứng đáng nhận được sự tin yêu từ công chúng, trong quá khứ và cả mãi mãi về sau...
Theo L.T (Helino)