Sự lột xác ngoạn mục
Có thể nói Dubai là một hiện tượng trên sa mạc. Chỉ trong vòng 50 năm, khu vực này đã phát triển từ một vùng thương mại nhỏ trở thành một trong những thành phố mang tính biểu tượng nhất hành tinh.
Những tòa nhà chọc trời như Burj Khalifa và những dự án phát triển đầy tham vọng như The Palm là minh chứng cho một thành phố đang dẫn đầu thế giới về nhiều mặt.
Dubai cùng với các tiểu vương quốc láng giềng thành lập UAE vào tháng 12/1971. Vào thời điểm đó, không ai có thể lường trước được sự phát triển của Dubai. Tuy nhiên, lượng dầu mỏ dồi dào đã đem về một khối lượng của cải "không thể tưởng tượng nổi" và đã biến một góc im lặng của thế giới Ả Rập trở thành một thành phố hiện đại tưởng chừng chỉ xuất hiện trong thế giới "khoa học viễn tưởng".
Dù vậy, để hiểu được cách Dubai trỗi dậy từ sa mạc để trở thành một quốc gia giàu có, cần phải biết rằng quốc gia này không bắt đầu từ thép và gương kính của những tòa nhà chọc trời, mà khởi nguồn từ những chiếc thuyền gỗ khiêm tốn.
Sultan Ahmed bin Sulayem ngày hôm nay là một trong những người thuộc tầng lớp thượng lưu của Dubai. Ban đầu, ông làm thanh tra hải quan tại những cảng biển vắng khách vào những năm 1970. Còn hiện tại, ông đã trở thành Giám đốc điều hành của DP World - một trong những công ty hậu cần cảng biển lớn nhất thế giới.
Đối với ông, sự trỗi dậy của Dubai về bản chất có liên quan đến xu hướng buôn bán của cộng đồng người Bedouin.
"Tôi nhớ phải giảm tải hàng hóa," ông nói. "Lốp xe, phụ tùng, sản phẩm nhựa, thực phẩm. Mọi thứ. Bởi vì đây là trái tim của Dubai. Đây là nơi các thương gia ở. Đây là nơi giao dịch diễn ra."
Tuy dầu mỏ đóng vai trò quan trọng trong quá trình mang lại sự giàu có cho Dubai, nhưng chính tư duy của các nhà kinh doanh đã giúp thành phố này phát triển mạnh mẽ - ông bin Sulayem nói.
"Đó là tư duy buôn bán của những người thương nhân," ông nói. "Giao dịch, thương mại, tham vọng và niềm tin."
Ông chỉ vào những chiếc thuyền gỗ truyền thống chen chúc giữa lạch sông. "Họ vận chuyển từ 500 tấn lên 1.000 tấn hàng hóa. Các con thuyền xếp san sát nhau sẽ tỏa đến Ấn Độ, đến Iran, đến Châu Phi. Chính những chiếc thuyền gỗ này và hàng hóa mà chúng mang theo đã giúp đặt nền móng cho thành phố hiện đại sừng sững ở phía chân trời, nơi chỉ cách con lạch 15 phút lái xe."
Hiện tượng trên sa mạc
Việc ông Bin Sulayem thúc đẩy tạo ra một tuyến đường tự do ở Dubai đã dẫn đến sự bùng nổ thương mại trong những năm 1980 và 1990. Nếu không có tuyến đường này, khó có khả năng các công ty đa quốc gia, các tập đoàn khách sạn và du khách sẽ tới đây để tạo ra nét độc đáo cho thành phố theo cách của họ. Tuy nhiên, theo ông, chính sự kiên trì của người dân và những con thuyền buôn bán truyền thống mới là điều khiến thành phố liên tục gặt hái được thành công trong quá trình phát triển.
"Chúng tôi là người sống ở sa mạc, chúng tôi rất kiên cường. Tôi nhớ khi tôi còn trẻ, ở đây không có nước. Chúng tôi phải đi bộ hàng km để lấy nước. Mọi chuyện không dễ dàng như ngày hôm nay nhưng chúng tôi vẫn sống sót. Vậy làm thế nào để tồn tại? Nhu cầu là mẹ đẻ của phát minh và mọi thứ ở Dubai đều là sự đổi mới. "
Thật vậy, sự đổi mới đang diễn ra ở khắp nơi tại Dubai. Hãy lấy Burj Khalifa làm ví dụ. Với độ cao 828 mét, nó là tòa nhà cao nhất thế giới kể từ khi hoàn thành vào năm 2008. Đây là tòa nhà đáng chú ý nhất ở khu vực mọc lên hàng loạt các công trình lớn từ đầu thế kỷ 21 và giờ đây sánh ngang với New York và Singapore về cả tham vọng và quy mô. Các chuyên gia kiến trúc có thể tranh luận về mức độ nghiêm túc của phong cách kiến trúc Dubai, nhưng không thể phủ nhận sự ấn tượng của nó.
Ramesh Shukla đã tận mắt chứng kiến tất cả sự thay đổi đáng kể của Dubai. Làm nghề nhiếp ảnh, Shukla đến Dubai vào năm 1965 với chưa đầy 1 đô la trong túi.
"Tôi đến với 50 cuộn phim cùng máy ảnh của mình," ông nói. "Khi tôi mới đến, chẳng có gì cả. Không có đường xá chuẩn để đi, chỉ có sa mạc. Tôi cảm thấy nó không phải là một thành phố hiện đại. Nơi tôi ở không có nước máy và không có điện. Không có gì cả. Cuộc sống như vậy đó. Đơn thuần là vậy. Và tôi bắt đầu chụp lại mọi khoảnh khắc tại đây".
Shukla tiếp tục chụp hình Dubai trong 5 thập kỷ sau đó. Nhưng có lẽ bức ảnh nổi tiếng nhất của ông là cảnh ghi lại các sheikh từ các tiểu vương quốc sáng lập nên UAE vào ngày đất nước được thành lập (tháng 12/1971).
Shukla chỉ là một trong số hàng triệu người đã rời quê hương để làm giàu và có một cuộc sống mới ở Dubai. Dubai hiện nay có người tới từ hơn 200 quốc gia khác nhau, mỗi người đều có khát vọng riêng về sự thành công khi tới sinh sống tại thành phố này.
Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)