Dubai, vốn nổi tiếng với khí hậu khô cằn và nhiệt độ cao, đã hứng chịu trận mưa xối xả và lũ lụt trên diện rộng hôm 16-4.
Theo đài NDTV, trận mưa không chỉ cản trở nhịp sống thường ngày của thành phố mà còn làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu trong khu vực.
Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), lượng mưa trung bình hằng năm dưới 200 mm. Với nhiệt độ lên tới 50 độ C vào mùa hè, tài nguyên nước của UAE đang chịu áp lực rất lớn, cộng thêm sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngầm.
Để giải quyết vấn đề cấp bách này, UAE đã đi tiên phong trong các giải pháp đổi mới, một trong số đó là tạo mưa nhân tạo thông qua gieo hạt trên đám mây, một hình thức điều chỉnh thời tiết nhằm tăng cường lượng mưa.
Gieo hạt trên mây là kỹ thuật đưa "chất gieo hạt" vào mây để thúc đẩy tiến trình ngưng tụ và tạo ra mưa. Tiến trình này bắt đầu bằng việc các nhà dự báo thời tiết tại Trung tâm Khí tượng Quốc gia (NCM) UAE theo dõi điều kiện khí quyển và xác định các đám mây phù hợp để gieo hạt dựa trên các kiểu mưa.
UAE thử nghiệm gieo hạt trên mây lần đầu tiên vào năm 1982. Đến đầu những năm 2000, chương trình mưa nhân tạo của quốc gia vùng Vịnh này đã được thúc đẩy nhờ sự hợp tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật với Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (NCAR) ở Colorado (Mỹ), Trường ĐH Witwatersrand (Nam Phi) và NASA.
NCM đã thiết lập mạng lưới quốc gia gồm 86 trạm thời tiết tự động (AWOS) để theo dõi thời tiết, 6 radar thời tiết bao phủ toàn bộ UAE và một trạm khí tượng trên cao.
Bất chấp những lợi ích tiềm tàng của việc gieo hạt trên mây, vẫn có những lo ngại về tác động môi trường và sự an toàn của các chất gieo hạt được sử dụng. Đáp lại, NCM đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn và bền vững cho hoạt động của họ.
Không giống các chương trình tạo mây của một số quốc gia khác sử dụng bạc iốt, vật liệu giống tinh thể gây lo ngại về môi trường, chương trình của UAE hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại. Thay vào đó, nước này sử dụng muối tự nhiên làm chất gieo hạt.
NCM đã phát triển chất gieo hạt của riêng mình được gọi là vật liệu nano, bao gồm muối mịn phủ oxit titan. Hợp chất này hiện được thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả của nó trong việc tăng cường lượng mưa.
Trong khi khu vực này đang đối mặt các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão và lượng mưa lớn, một số người đã cảnh báo về việc can thiệp vào trật tự tự nhiên khi cho rằng các trận lũ lụt mới đây chính là sự "phản kháng" của thiên nhiên.
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)