Mặc dù Ka-52K là mẫu trực thăng tấn công tương đối mạnh nhưng có vẻ chúng sẽ không được sản xuất với số lượng lớn, bởi Hải quân Nga hiện không có nhu cầu với trực thăng loại này.
Trực thăng tấn công Kamov Ka-52K của Hải quân Nga sẽ hoàn tất một đợt thử nghiệm trên tàu nữa trước khi kết thúc năm 2019. Không lâu sau đó, mẫu trực thăng mới này sẽ được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga.
"Các đợt thử nghiệm trực thăng dự kiến sẽ hoàn tất trước cuối năm 2019. Các đợt chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga sẽ bắt đầu ngay sau quá trình thử nghiệm" - Hãng thông tấn TASS dẫn thông báo từ Công ty trực thăng Nga (một bộ phận của tập đoàn Rostec) cho hay.
Mặc dù Ka-52K là mẫu trực thăng tấn công tương đối mạnh nhưng có vẻ chúng sẽ không được sản xuất với số lượng lớn, bởi Hải quân Nga hiện không có nhu cầu với trực thăng loại này.
Ka-52K đã thể hiện tốt trong các cuộc thử nghiệm chiến đấu tại Syria, khi tàu sân bay Admiral Kuznetsov được triển khai tới Địa Trung Hải hồi năm ngoái. Tuy nhiên, chúng chủ yếu được thiết kế để hoạt động trên 2 tàu đổ bộ trở trực thăng lớp Mistral mà Nga đã đặt đóng từ Pháp.
Sau khi thương vụ Mistral đổ vỡ, Ka-52K không thực sự có được một vị trí ưu ái trong đội hình chiến đấu của Hải quân Nga.
"Không có các tàu Mistral, mẫu trực thăng này cũng không còn thực sự cần thiết đối với hải quân. Họ có lẽ chỉ mua 1 phi đoàn, chứ không hơn" - nhà nghiên cứu Mikhail Barabanov, biên tập viên tạp chí Moscow Defense Brief cho hay.
Hải quân Nga không có nhiều tàu đổ bộ cỡ lớn. Hiện tại, chỉ có tàu sân bay Kuznetsov và các tàu đổ bộ lớp Ivan Gren sắp tới là có đủ khả năng triển khai Ka-52K.
"Hiện phương tiện phù hợp để mang theo chúng chỉ có chiếc tàu sân bay duy nhất của chúng ta. Chúng ta còn có một số tàu đổ bộ lớp Ivan Gren nhưng những con tàu này chỉ có thể mang theo 2 trực thăng, và mới có 2 tàu lớp Ivan Gren được lên kế hoạch đóng" - chuyên gia Vasily Kashin tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (Moscow) cho hay.
Tàu sân bay Admiral Kuznetsov. Ảnh: Ermaleksandr/Flickr |
Trong khi đó, chiếc Kuznetsov không thực sự cần tới Ka-52K, bởi xét tới nhiệm vụ chính yếu của tàu thì nhiều mẫu máy bay khác trên tàu còn quan trọng hơn Ka-52K.
"Kuzetsov hoạt động cùng với các tàu tuần tra và hộ tống. Vì thế, trong thời bình, nhiệm vụ tác chiến chống ngầm và các trực thăng chống ngầm không hẳn cần thiết với nó" - ông Barabanov nói.
Trong khi đó, ông Kashin cho rằng Hải quân Nga có thể sẽ tìm được một số phương thức mới để triển khai trực thăng Ka-52K từ tàu Kuznetsov.
"Về cơ bản, Kuznetsov có thể hoạt động như tàu chở trực thăng, và với các nhiệm vụ ở tầm gần, những trực thăng này có thể xuất kích nhiều hơn, thậm chí mang lại hiệu quả cao hơn" - ông Kashin nói.
Ngoài ra, Ka-52K được trang bị radar tìm kiếm bề mặt rất mạnh và tên lửa chống tàu Kh-35. Vì thế, nếu được kết hợp với các phương tiện khác trên tàu, nó sẽ trở thành một phương tiện đa nhiệm rất mạnh.
Trực thăng tấn công Ka-52K. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin |
"Có thể triển khai 1 tàu chở trực thăng trang bị Ka-52K và các trực thăng cảnh báo sớm (AEW). Một con tàu như vậy có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ mà các nhóm tác chiến tàu sân bay thường đảm nhiệm, nhưng với chi phí thấp hơn.
"Tất nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nhưng tôi cho rằng khi được kết hợp với các tàu tác chiến mặt nước, tàu ngầm mang theo các tên lửa tầm xa và hạng nặng thì điều đó sẽ cho phép chúng ta tận dụng tối đa chiếc tàu sân bay cũ của mình" - ông Kashin cho hay.
Michael Kofman, một nhà khoa học chuyên về các vấn đề quân sự Nga tại Trung tâm phân tích Hải quân lại tỏ ra kém lạc quan hơn.
Theo ông Kofman, Kuznetsov (đang trong quá trình đại tu) không phải là một con tàu đáng tin cậy và giá trị sử dụng của nó cũng rất hạn chế.
"Vấn đề chính là Nga sẽ không có con tàu nào để triển khai Ka-52K trong 10 năm tới, chiếc tàu duy nhất họ hiện có - Kuznetsov - trên thực thế rất vô dụng".
Hải quân Nga hiện đang có kế hoạch chế tạo các tàu tấn công đổ bộ để bù đắp lỗ hổng sau khi thương vụ Mistral đổ vỡ, nhưng những con tàu đó phải hơn 1 thập kỷ nữa mới có thể hoàn thành (đó là trong trường hợp chúng được thi công).
"Hiện đang diễn ra các cuộc thảo luận về 2 biến thể chính của tàu đổ bộ toàn cầu (hay LHD) nhưng sớm nhất phải tới năm 2020 chúng mới có thể thành hiện thực" - ông Kofman nói.
Nhìn chung, theo giới chuyên gia, chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu Nga có chế tạo tàu đổ bộ tấn công boong lớn hay không, và khi nào họ mới thực hiện điều đó.
Theo QS (Trí Thức Trẻ)