Đưa bộ binh lật đổ Assad: Nội bộ Mỹ mâu thuẫn lớn?

25/04/2016 11:28:37

Giữa Nhà Trắng, CIA và Bộ quốc phòng Mỹ đang xảy ra lục đục xung quanh việc dùng bộ binh để lập đổ tổng thống Syria Assad.

Giữa Nhà Trắng, CIA và Bộ quốc phòng Mỹ đang xảy ra lục đục xung quanh việc dùng bộ binh để lập đổ tổng thống Syria Assad.
Ông Obama loại bỏ khả năng dùng bộ binh lật đổ Assad
 
Ngày 24/4, Trả lời phỏng vấn của tập đoàn truyền thông BBC, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã loại bỏ khả năng liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu triển khai bộ binh tới Syria nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.
 
"Việc Mỹ hay Anh cử lính bộ binh tới lật đổ chế độ Assad sẽ là một sai lầm”, ông Obama nhấn mạnh.
 
Theo Tổng thống Mỹ, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria cần phải giải quyết hòa bình giữa các bên liên quan nước này. Quốc tế, bao gồm cả Nga và Iran, cần phải gia tăng áp lực tới các bên tại Syria nhằm đẩy nhanh tiến độ các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên.
 

Tổng thống Obama đã loại bỏ khả năng liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu triển khai bộ binh tới Syria nhằm lật đổ ông Assad.

 
“Bây giờ, điều đó rất khó khăn trong khi chúng ta tiếp tục cuộc chiến tiêu diệt IS ở những nơi như Raqqa và cố gắng cô lập những khu vực này để ngăn không cho các tay súng IS vào tiến vào châu Âu. Giải pháp quân sự đơn thuần sẽ không thể giải quyết được những vấn đề dai dẳng ở Syria”, ông Obama nói.
 
Ngoài ra, Tổng thống Obama dự đoán rằng các phần tử khủng bố đang hoạt động ở Syria sẽ không bị đánh bại trước cuối năm nay, song liên minh quốc tế có thể dần thu hẹp các vùng lãnh thổ mà chúng chiếm đóng tại quốc gia Trung Đông này.
 
Ông chủ Nhà Trắng tin rằng hai thành phố Mosul và Raqqa- đang bị IS kiểm soát- sẽ sớm được giải phóng.
 
Nội bộ mâu thuẫn sâu sắc
 
Cũng liên quan đến kế hoạch quân sự tại Syria, kênh truyền hình NBC News của Mỹ mới đây trích dẫn nguồn tin cao cấp từ  Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, CIA đã đệ trình lên Tổng thống Obama gần 50 phương án nhằm lật đổ Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã bác bỏ các đề xuất này và lựa chọn phe đối lập ôn hòa ở Syria để thực hiện mục đích này.
 
Theo nguồn tin trên, ngay từ khi nội chiến bắt đầu ở Syria vào năm 2012, CIA đã đề xuất lên Tổng thống Obama kế hoạch chi tiết của chiến dịch bí mật nhằm lật đổ ông al-Assad nhưng các đề xuất này đã bị ông Obama bác bỏ.
 
Cựu sỹ quan CIA - Doug Locks, người đã từng là “tai, mắt” của CIA trong thời gian dài tại Syria tiết lộ: ““Nhà Trắng và giới lãnh đạo CIA ngay từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria đã công khai rằng mục đích chiến dịch của Mỹ ở Syria là lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
 
Chúng tôi có gần 50 phương án để đơn giản hóa quá trình thực hiện mục đích này, trong đó kế hoạch của tôi được chú ý đặc biệt. Tuy nhiên, giới lãnh đạo chính trị Mỹ đã không cho chúng tôi bất cứ cơ hội nào để triển khai thực hiện kế hoạch này”.
 

Giữa Nhà Trắng, CIA và Bộ quốc phòng Mỹ đang xảy ra lục đục xung quanh việc dùng bộ binh để lập đổ tổng thống Syria Assad.

 
NBC News khẳng định, Doug Locks đã đề xuất phương án của mình lên giới lãnh đạo Mỹ từ trước khi phiến quân IS tuyên bố thành lập nhà nước ở các khu vực lãnh thổ chiếm đóng được của Syria.
 
Trong khi đó, Giám đốc CIA lúc đó là David Petraeus (giám đốc CIA từ tháng 9/2011-11/2012) là người ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của Doug Locks.
 
Hiện nay, David Petraeus và các quan chức khác ủng hộ lật đổ Tổng thống Syria như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford, đều cho rằng nếu như được triển khai thì kế hoạch của Doug Locks đã có thể ngăn chặn được sự lớn mạnh của IS, cũng như ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Obama bày tỏ ý kiến không đồng tình với các quan chức trên.
 
Không chỉ CIA, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter  cũng từng nói rằng Washington cần “nhiều hơn các cuộc không kích” để đánh bại IS ở Iraq và Syria, tạo nên bước ngoặt trên chiến trường.
 
“Tôi không nghĩ điều này là đủ. Tôi nghĩ chúng ta cần tìm cách làm nhiều hơn. Nhưng chiến lược cơ bản tại Iraq và Syria để đối phó với IS và đánh thắng IS về lâu dài là xác định việc huấn luyện, trang bị và tăng cường khả năng cho các lực lượng tại địa phương để họ có thể gìn giữ hòa bình”, ông Carter nói.
 
Trong một tuyên bố hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James dù nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhưng cũng thừa nhận rằng các cuộc không kích cần được hỗ trợ từ bộ binh.
 
“Cuối cùng thì không quân không thể chiếm lãnh thổ và quan trọng là nó không thể quản lý lãnh thổ. Đây là lý do khiến chúng ta cần phải đưa bộ binh tới. Chúng ta cần có bộ binh để thực hiện chiến dịch này”, bà James nói.
 
Theo Trung Dũng (Đất Việt)