Du lịch 'trả thù' sau đại dịch: Kiệt sức vì Covid, nhiều người chán làm, bỏ lại công việc để lao đi du lịch bù đắp những ngày 'chôn chân'

27/09/2021 08:17:53

Du lịch trả thù sau đại dịch là xu hướng mới đang diễn ra trên toàn cầu. Nhiều người tranh thủ đi du lịch thỏa thích để bù lại những ngày tháng "chôn chân" trong nhà quá lâu vì Covid-19.

Du lịch 'trả thù' sau đại dịch: Kiệt sức vì Covid, nhiều người chán làm, bỏ lại công việc để lao đi du lịch bù đắp những ngày 'chôn chân'

Cụm từ “Du lịch trả thù” nghe có vẻ tiêu cực nhưng thực chất, đây là tâm lý muốn du lịch bù của nhiều tín đồ xê dịch. Sau khoảng thời gian dài tính bằng tháng, năm, mọi người bị cuốn vào guồng quay của đại dịch.

Những thú vui thường ngày hay phương thức giải tỏa áp lực đều giảm đi trông thấy. Điều này khiến không ít người rơi vào tình trạng kiệt sức.

Vì thế, họ lựa chọn du lịch trả thù sau đại dịch để tranh thủ tìm lại những gì đã mất. Xu hướng này mang lại những giá trị tích cực cho sức khỏe tinh thần của không ít người.

Claire Truman (29 tuổi, Vương quốc Anh) chia sẻ với The Independent: “Tôi tiết kiệm để dự định mua một ngôi nhà, nhưng đã quyết định sẽ dùng khoản tiền đó để đi du lịch sau khi đại dịch được kiểm soát.”

Trong vài tháng nữa, Claire Truman có kế hoạch xin tạm nghỉ tại một công ty xuất bản. Cô sẽ bay đến Đông Nam Á để thực hiện một chuyến phiêu lưu kéo dài sáu tháng, lần lượt phượt quanh Thái Lan, Campuchia và Lào.

Thay đổi quyết định đột ngột như vậy có vẻ cực đoan nhưng đây là dấu chấm hết cho quãng thời gian cô chôn chân trong nhà suốt cả năm dài. Truman giải thích: “Tôi cảm thấy mình đang phải làm việc quá sức và tinh thần trở nên rất mệt mỏi.”

Du lịch 'trả thù' sau đại dịch: Kiệt sức vì Covid, nhiều người chán làm, bỏ lại công việc để lao đi du lịch bù đắp những ngày 'chôn chân' - 1

Không chỉ Claire Truman, nhiều tín đồ du lịch khác trên khắp nước Anh cũng đang lên kế hoạch tích lũy tiền tiết kiệm, tạm gác lại công việc để lên đường khám phá thế giới.

Giám đốc phòng thí nghiệm y sinh Mollie Millington đang “trả thù” bằng một chuyến đi ba tuần đến Nam Cực. Cô cũng cho biết đang rơi vào trạng thái kiệt sức vì Covid-19. Trong khi những người khác làm việc tại nhà, cô vẫn phải dành phần lớn thời gian trong phòng thí nghiệm nên công việc rất bất tiện.

Trong thời gian bị hạn chế đi lại và lockdown, Millington cũng phải hủy nhiều chuyến đi, trong đó có kế hoạch nghỉ dưỡng 2 tuần ở Nhật Bản.

Bây giờ, Mollie đã sẵn sàng để “lên đường” bằng bất kỳ giá nào. Chuyến du ngoạn Nam Cực của cô tiêu tốn 7.000 bảng Anh, mức giá đã giảm 40% so với giá bình thường. Con số này tương đương 218 triệu đồng, mức kinh phí du lịch cao chưa từng có đối với Mollie.

“Đây là chuyến đi tốn kém nhất mà tôi từng có,” Mollie nói. “Trước đại dịch, hành trình đắt đỏ nhất của tôi là chuyến leo núi Kilimanjaro, chi phí dưới 1.000 bảng Anh cộng thêm hai tuần nghỉ làm.”

Du lịch báo thù sau đại dịch bắt đầu trở thành một xu hướng từ cộng đồng người Mỹ. Nhiều du khách nước này đã bỏ qua công việc và các nguyên tắc tiết kiệm trước đây để bắt đầu hành trình khám phá. Những chuyến đi lần này tốn kém hơn và “dài hơi” hơn hẳn so với quá khứ.

Vào tháng 6, Forbes từng đưa tin: “Người Mỹ đang vi vu trên những con đường và bầu trời. Du lịch báo thù sau đại dịch là kế hoạch để xả hết những nhu cầu bị dồn nén, những ngày nghỉ phép hàng năm bị tích trữ, các khoản tiền tiết kiệm bất đắc dĩ vì không có chỗ tiêu.”

“Những người du lịch trả thù sau đại dịch lần này sẽ thử thách bản thân với một địa điểm kỳ lạ hơn, chi nhiều tiền hơn hoặc kết hợp cả hai.”

Tại Anh, một cuộc khảo sát của Eurofins đối với 2.000 cư dân vào tuần trước cũng cho thấy: Hơn một nửa trong số họ đang tiết kiệm tất cả tiền mặt dự phòng cho kế hoạch du lịch sắp tới. Quỹ du lịch trung bình của mọi người hiện nay là khoảng 2.543 bảng Anh (tương đương khoảng 79 triệu đồng).

Mọi người gọi xu hướng này là “du lịch trả thù sau đại dịch” nhưng cụ thể, ai là đối tượng bị trả thù?

Tom Marchant, người sáng lập công ty du lịch mạo hiểm cao cấp Black Tomato cho biết: “Mọi người đang 'trả thù' Covid và những hành trình họ đã bỏ lỡ trong năm 2020.”

Anh giải thích thêm: “Mong muốn được bù đắp khoảng thời gian và những chuyến đi đã mất khiến nhiều người mạnh tay gia tăng chi phí và thời gian cho quỹ du lịch của mình.”

Các điểm đến thám hiểm như Botswana, Uganda hoặc Rwanda; hay các khu du lịch quen thuộc ở Chile, Nhật Bản, New Zealand và Đông Nam Á… đều đón nhận số lượt booking tăng mạnh cho năm 2022 và 2023.

Du lịch 'trả thù' sau đại dịch: Kiệt sức vì Covid, nhiều người chán làm, bỏ lại công việc để lao đi du lịch bù đắp những ngày 'chôn chân' - 2
Các điểm du lịch gần được ưu tiên hơn trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn đang hạn chế đi lại. Ảnh: Getty / iStockphoto

Các chuyên gia trong ngành tin rằng, du lịch trả thù sau đại dịch là một xu hướng tích cực. Các du khách sẽ xem du lịch như một món quà dành tặng bản thân, giúp họ giải tỏa áp lực trong suốt thời gian qua.

Báo cáo Chỉ số Du lịch của TripAdvisor cho mùa thu thể hiện rằng, những du khách thuộc thế hệ Millennial và Gen Z sẵn sàng đón nhận xu hướng này nhất.

Hơn một phần ba (36%) Gen Z được khảo sát cho biết, họ có kế hoạch thực hiện ít nhất 3 chuyến đi từ mùa thu năm nay. Khoảng một phần ba của cả Millennials và Gen Z (tương ứng là 33% và 36%) cho biết, họ muốn chi tiêu nhiều hơn cho những hành trình sắp tới.

Emily Ellwood, một cố vấn nhân sự 29 tuổi, cho biết mình đã “trả thù” bằng cách book 2 tour honeymoon kéo dài 3 tuần. Mặc dù 3 tuần tạm nghỉ đồng nghĩa với việc cô sẽ mất khả năng cạnh tranh vị trí nhân viên xuất sắc của năm.

Cô ấy nói, Covid đã cho thấy một góc nhìn mới: “Bạn không thể biết tương lai sẽ như thế nào. Vì vậy, tôi muốn tận hưởng khoảng thời gian nằm chắc trong lòng bàn tay của mình, đó chính là hiện tại.”

*Các tên người xuất hiện trong bài đã được thay đổi.

*Theo Independent

Theo Phương Thuý (Nhịp Sống Kinh Tế)