Trong lúc đau buồn vì mất cha sau một năm mẹ qua đời, cô sinh viên Mercy Eyo đã coi suất học bổng tại Anh từ một cơ quan chính phủ Nigeria là niềm hy vọng duy nhất thay đổi cuộc đời.
"Lúc đó tôi cực kỳ hào hứng. Cảm giác như đây là một sự bù đắp sẽ thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Đó là quãng thời gian tôi hy vọng vào giấc mơ Nigeria vì muốn trở về nhà để đền đáp những gì xã hội đã cho tôi”, Eyo bày tỏ với phóng viên CNN.
Tuy nhiên, giờ đây giấc mơ đó đã biến thành cơn ác mộng với Eyo khi mà cô phải chật vật kiếm sống và mòn mỏi chờ đợi tiền học bổng 12 tháng nay chưa nhận được.
Eyo là một trong trên 200 học sinh, sinh viên nhận học bổng theo chương trình của Ủy ban Phát triển Đồng bằng Nigeria 2019.
Eyo được bảo là cứ ra nước ngoài trước sau đó tiền sẽ chuyển về sau. Nhưng dù có bán hết máy tính, điện thoại và nhiều tài sản giá trị khác, Eyo vẫn không đủ tiền chi trả cho chuyến đi Anh và phí xin thị thực. Vì sự cố này mà Eyo mất suất học tại Đại học Coventry. Cô đành ở lại Nigeria và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ nhận tiền học bổng. “Những thứ này khiến tôi đôi khi thấy tuyệt vọng”, Eyo chia sẻ.
Không giống Eyo, một số sinh viên Nigeria đã ra nước ngoài học, song đến giờ họ vẫn phải chờ tiền học bổng như hứa hẹn. Họ cho biết đã gửi thư cho cơ quan phụ trách chương trình này nhưng không thấy hồi âm. Các suất học bổng nằm rải rác trong các trường đại học khác nhau tại nhiều nước như Mỹ, Anh, New Zealand, Australia và Canada.
Andrew Saba là sinh viên đang theo học thạc sĩ về y tế công cộng tại Đại học Aberdeen (Scotland). "Tôi cảm giác như bị phản bội… Tôi không thể hiểu làm thế nào mà một đất nước lại có thể bỏ rơi những con người tài giỏi nước mình ở một vùng đất xa lạ. Tôi không thể liên hệ được và cực kỳ thất vọng. Đáng nhẽ ra nó là một điều tốt lành khi nhận được học bổng từ chính phủ”, Saba cho hay.
Các sinh viên này cho biết họ phải trải qua nhiều khó khăn vì không có học bổng cũng như không kiếm được việc do đại dịch COVID-19. Theo lời hứa hẹn, một suất học bổng dành cho sinh viên học bằng thạc sĩ là 30.000 USD, trong khi học bổng cho sinh viên học lấy bằng tiến sĩ là 90.000 USD, kéo dài trong 3 năm.
Một số sinh viên cho biết họ phải sống bằng tiền gửi từ gia đình và vay mượn bạn bè tại đây, trong khi bản thân phải nỗ lực tìm việc để trả nợ và hóa đơn hàng tháng. Thậm chí, một số em còn bị trường nói thẳng là không được tốt nghiệp vì nợ học phí.
Do quá mệt mỏi vì chờ đợi, hồi tháng 7 vừa qua, các du học sinh Nigeria đã tổ chức biểu tình bên ngoài Văn phòng Cao Ủy Nigeria (NDDC) tại London. Đám đông biểu tình đã thu hút sự chú ý của Tổng thống Muhammadu Buhari. Ngày 4/8, nhà lãnh đạo đã chỉ đạo NDDC trả số tiền đang nợ các sinh viên du học ở nước ngoài.
NDDC cam kết sẽ trả đủ các khoản tiền học bổng vào cuối tuần đó, giải thích thêm do Giám đốc điều hành về tài chính qua đời cùng với tình hình dịch bệnh đã khiến quy trình cấp tiền chậm trễ.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có giám đốc điều hành tài chính mới được bổ nhiệm trong tuần này. Ngay sau khi việc đó được thực hiện, tất cả khoản nợ sẽ được trả", Charles Odili - Giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của NDDC – trả lời ngày 4/8.
Cho đến nay, vẫn chưa có du học sinh Nigeria nào nhận được khoản tiền học bổng. CNN đã liên hệ với NDDC để tìm hiểu lý do tại sao các khoản thanh toán cho sinh viên vẫn chưa được thực hiện hai tuần sau lệnh của Tổng thống Buhari. NDDC hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về sự việc trên. Trước đó, NDDC phải đối mặt một cuộc điều tra tham nhũng lên tới hàng triệu USD.
Tổng thống Nigeria Buhari đã ra chỉ thị thanh tra các hoạt động của ủy ban từ năm 2001 đến năm 2019 sau khi không thể hạch toán khoảng 209 triệu USD đã chi trong vòng chưa đầy một năm.
Tháng trước, Kemebradikumo Pondei - quyền Giám đốc điều hành của NDDC - đã ngất xỉu trong khi trả lời các câu hỏi từ các nhà lập pháp Nigeria về lý do vì sao cơ quan này chi khoảng 100 triệu USD trong vài tháng qua. Khi trả lời các câu hỏi về học bổng của sinh viên và những bất thường khác trong chi tiêu, ông Pondei đã ngã xuống sàn và phiên điều trần phải tạm dừng. Sau phiên điều trần, NDDC ra một tuyên bố nói rằng ông Pondei ốm mà vẫn tham dự phiên điều trần bất chấp lời khuyên của bác sĩ. Giới phê bình cho rằng vụ việc là một âm mưu nhằm cản trở cuộc điều tra.
Theo Bảo Hà (Báo Tin Tức)