Các dư chấn mạnh 2,9 và 2,4 độ, xuất hiện gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ và Lassina Zerbo, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước CấmThử nghiệm Hạt nhân toàn diện có trụ sở tại Vienna, Áo.
"Chúng có thể là hoạt động dãn địa chất từ vụ thử hạt nhân lần 6", Guardian dẫn lời một quan chức thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết. "Khi có một vụ thử hạt nhân lớn, nó làm di chuyển vỏ Trái Đất xung quanh khu vực và mất một thời gian để nó dừng hoàn toàn. Chúng ta chứng kiến một số hiện tượng tương tự kể từ vụ thử hạt nhân lần 6".
Triều Tiên hôm 3/9 thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 6, cũng là lần mạnh nhất từ trước đến nay. Nước này tuyên bố đây là loại bom nhiệt hạch và các chuyên gia ước tính nó mạnh gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật năm 1945.
Một chuỗi vụ động đất xảy ra sau đó khiến các chuyên gia và nhà quan sát nghi ngờ vụ thử có thể đã phá huỷ khu vực đồi núi nơi Triều Tiên thực hiện tất cả các vụ thử hạt nhân.
Theo Trọng Giáp (VnExpress.net)