Theo RT, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã cáo buộc chính quyền Mỹ đã đối xử "tàn bạo và phi nhân tính" với nữ sinh viên người Nga Maria Butina - người bị tình nghi là gián điệp Nga vì có mối quan hệ tình ái với nhân vật có ảnh hưởng chính trị tại Mỹ, hay vì đoạn chat với chính trị gia Nga Alexander Torshin.
Cô Butina đã bị bắt giam ở Washington DC vào tháng Bảy vì tội gián điệp. Nữ sinh viên 29 tuổi bị buộc tội làm "tai mắt" của chính phủ Nga mà không thông qua sự cho phép của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Từ khi Butina bị bắt, đại diện của Đại sứ quán Nga đã thường xuyên tới thăm hỏi cô, lần gần nhất là vào ngày hôm qua (16/8).
Trong một thông báo mới đăng tải, Đại sứ quán Nga cho biết Butina đang gánh chịu "áp lực tâm lí và lăng mạ tinh thần" trong quá trình chờ xét xử.
Theo đó, Butina không được phép đi dạo ngoài trời, bị lột đồ để khám xét toàn thân mỗi lần sau khi gặp mặt luật sư, nhân viên Đại sứ quán và người thân. Chưa dừng ở đó, cô còn bị kiểm tra hàng đêm sau mỗi 15 phút - một hình thức quản lí vốn chỉ áp dụng cho những tù nhân có ý định tự sát.
"Họ đang cố gắng tìm cách hạ gục ý chí của cô ấy," Đại sứ quán Nga tuyên bố, và khẳng định sẽ gửi khiếu nại tới Bộ Ngoại giao Mỹ vì những gì Butina phải đối mặt trong tù.
Butina không được đọc thư viết bằng tiếng Nga bởi các quản giáo cho rằng trong đó có chứa "các nội dung mã hóa". Cô cũng không được có phiên dịch viên riêng.
Trong những lần gặp trước, nhân viên Đại sứ quán đã bày tỏ quan ngại rằng Butina không được cung cấp chăm sóc y tế phù hợp. Nhưng tới hiện tại, tình hình vẫn không thay đổi. Một vết sưng tấy trên chân của Butina vẫn chưa được chữa trị, và những người quản lí nhà tù chỉ cho cô thuốc giảm đau.
Vụ bắt giữ Butina được nhiều kênh truyền thông Mỹ đăng tải với những cáo buộc về hoạt động gián điệp của cô trên chính trường Mỹ. Cùng lúc đó, chiến dịch #FreeMariaButina nhằm kêu gọi thả cô Butina của Bộ Ngoại giao Nga trên mạng xã hội cũng bị tấn công bằng những lời lẽ công kích và phân biệt giới tính.
Trước khi vướng vào các cáo buộc, cô Butina đã tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Mỹ ở Washington DC về lĩnh vực quan hệ quốc tế.
Butina cũng là người sáng lập tổ chức "Quyền Sở hữu Súng" nhằm thay đổi các luật lệ kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt tại Nga. Ngoài ra, Butina cũng gặp và giao thiệp với nhiều nhân vật chính trị bảo thủ.
"Ý chí của Butina sẽ khiến quyết tâm chứng minh cho sự trong sạch của cô ấy ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn," Đại sứ quán Nga khẳng định và tuyên bố sẽ lập quỹ bảo vệ pháp lí cho nữ sinh viên này.
Theo Tất Đạt (Soha/Thời Đại)