Trang Nypost đưa tin, ngày 28/1 vừa qua các nhà khoa học thuộc Viện Lây nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Úc đã tái tạo thành công bản sao của virus corona hay còn gọi là nCoV-2019. Theo các nhà khoa học, đây được coi là bước đột phá đáng kể trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.
Bản sao của virus corona được lấy từ mẫu virus của bệnh nhân Úc nhiễm virus corona, nhập viện vào ngày 24/1. Mẫu virus corona được nuôi trong phòng thí nghiệm, có thể sử dụng để phát hiện virus ở những bệnh nhân không có triệu chứng. Không những thế, Viện Lây nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty cho biết đột phá này cũng sẽ giúp thử nghiệm bất cứ mẫu vắc xin nào nhằm đối phó với dịch bệnh đang hoành hành.
Tiến sĩ Mike Catton, Phó giám đốc Viện Peter Doherty cho biết: "Xét nghiệm kháng thể sẽ cho phép chúng tôi kiểm tra các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus chính xác hơn, biết rõ về mức độ lan rộng của virus, đồng thời nắm bắt tỷ lệ tử vong của người bệnh".
Các nhà khoa học cho biết, họ sẽ chia sẻ mẫu virus này cho Tổ chức Y tế Thế giới và các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới để chạy đua với thời gian nhằm tăng tốc phát triển loại vắc xin có thể chống lại virus cororna.
Trước đó, một cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc đã tái tạo thành công virus corona, nhưng từ chối chia sẻ kết quả với WHO. Hiện, viện Peter Doherty đang là cơ sở nghiên cứu duy nhất bên ngoài Trung Quốc có thể tái tạo thành công loại virus này.
Tính đến sáng ngày 29/1, số người chết vì dịch coronavirus ở Trung Quốc đã tăng lên 132 người, các cơ quan y tế tại trung tâm dịch bệnh báo cáo có thêm 840 trường hợp được xác nhận. Con số này đã vượt qua cả Sars, dịch bệnh năm 2002-2003 đã giết chết hơn 600 người trên toàn thế giới. Ủy ban y tế quốc gia cho biết, số người được xác nhận bị nhiễm trong đợt bùng phát virus của Trung Quốc đã tăng vọt lên 5.974 người. Hiện không có bệnh nhân nào tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Hiện, tổ chức WHO đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc về các biện pháp tìm hiểu virus và hạn chế lây truyền.
Theo Đỗ Đỗ (Helino)