Theo Science Alert, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Maxime Rageot từ Đại học Tubingen (Đức) đã tìm hiểu một xưởng ướp xác nằm trong khu phức hợp chôn cất nổi tiếng Saqqara của Ai Cập, địa điểm mà những năm gần đây liên tục đưa đến những phát hiện đáng kinh ngạc.
Các vật dụng trong xưởng ướp xác được đưa lên từ năm 2018 và phân tích trong phòng thí nghiệm, kết quả giám định niên đại cho thấy xưởng này đã được sử dụng khoảng 2.500 - 2.600 năm về trước, từ thời Vương triều thứ 26 (Saite) của Ai Cập cổ đại.
Những vật dụng được phục hồi tại khu phức hợp Saqquara trong cuộc nghiên cứu chung của Đức - Ai Cập từ năm 2018 đến nay bao gồm một số xác ướp, lọ đựng nội tạng của họ, các bức tượng mang tính chất nghi lễ...
Xưởng ướp xác là một trong những phát hiện thứ vị nhất, được tìm thấy trong tình trạng chất đầy những lọ gốm, cốc đong, chén bát... được dán nhãn gọn gàng để phân loại hoặc ghi chú công dụng.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 31 chiếc bình trong số đó, bao gồm sử dụng phương pháp sắc ký khối phổ để xác định thành phần của vật liệu ướp xác còn vương lại.
Các chi tiết hoàn toàn hấp dẫn và bất ngờ, cho thấy người Ai Cập ướp xác công phu và mang đậm yếu tố khoa học hơn những gì chúng ta từng nghĩ trước đây.
Xưởng ướp xác được vận hành bằng những quy trình kỹ lưỡng, thống nhất, thể hiện qua những chiếc bình được ghi chú: "dùng lên phần đầu"; "băng hoặc ướp xác bằng nó"; "làm cho mùi của ông ta trở nên dễ chịu"...
Chỉ riêng phần đầu của các xác ướp đã được xử lý bằng vật liệu đựng trong 8 chiếc bình khác nhau, mà thành phần bên trong gồm các hỗn hợp phức tạp pha chất bằng nhựa hồ trăn, thầu dầu, nhựa elemi, dầu thực vật, sáp ong...
Mỡ động vật và nhựa Burseraceae được dùng để xử lý mùi cơ thể, trong khi hỗn hợp mỡ động vật - sáp ong sẽ được bôi lên da vào ngày thứ ba. Hắc ín được sử dụng để xử lý băng quấn được sử dụng trong 8 chiếc bình khác.
Đặc biệt, các hỗn hợp này tiết lộ về mạng lưới thương mại toàn cầu sôi động vào thời điểm đó. Quả hồ trăn, dầu tuyết tùng và một loại nhựa phải được nhập khẩu từ lưỡi liềm màu mỡ Levant, gồm các quốc gia ven bờ Đông Địa Trung Hải ngày nay; trong khi vài vật liệu khác chỉ có thể đến từ châu Phi hạ Sahara, Đông Nam Á và Nam Á.
Các nhà khoa học vẫn tiếp tục phân tích thêm 21 chiếc chén và cốc khác trong xưởng, với hy vọng tiết lộ thêm về "bí mật bất tử" của các vị pharaoh và quý tộc Ai Cập.
Nghiên cứu ban đầu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Theo Thu Anh (Nld.com.vn)