Ngày 28/4, cơ quan y tế Thái Lan ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới, nâng số cả nhiễm từ đầu dịch lên gần 62.000 ca, 178 người tử vong.
Sự gia tăng này đã khiến các nhà chức trách đưa ra mức phạt lên tới 640 USD đối với những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng tại 48 tỉnh.
Một trong những người đầu tiên bị phạt là Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Trên trang mạng cá nhân, ông Prayut xuất hiện với hình ảnh chủ trì cuộc họp về chiến dịch tiêm chủng Covid-19 mà không đeo khẩu trang. Sau đó, Thủ tướng Thái Lan đã bị phạt 190 USD.
Thái Lan vẫn chưa áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Các tỉnh được phép ban hành quy định của riêng mình, bao gồm cả việc kiểm tra người từ địa phương khác tới.
Lào cũng trải qua đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất sau khi ghi nhận rất ít ca bệnh trong năm đầu tiên của đại dịch. Ngày 28/4, Lào có thêm 93 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca cả nước lên 604 người và không có trường hợp tử vong.
Điều này đã khiến Chính phủ Lào thiết lập lệnh phong tỏa ở thủ đô Vientiane, đóng cửa tất cả các quán bar, phòng tập thể dục và địa điểm giải trí, đồng thời cấm đi lại giữa các tỉnh.
Tình hình tương tự xảy ra ở Campuchia, một quốc gia đã vượt qua năm 2020 với tương đối ít trường hợp nhiễm Covid-19. Ngày 28/4, Campuchia có thêm 698 ca mới, nâng tổng số bệnh nhân lên hơn 11.700 ca, 88 người tử vong.
Sự gia tăng đột ngột khiến Chính phủ Campuchia áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Thủ đô Phnom Penh, thị trấn Takhmau gần đó và thành phố Sihanoukville ở phía tây nam của đất nước.
Các nhà chức trách tuyên bố một số quận là "vùng đỏ", cấm người dân rời khỏi nhà ngoại trừ lý do y tế. Trong một lệnh mới được ban hành, Phnom Penh cho biết tất cả các chợ sẽ đóng cửa đến ngày 7/5. Nước này cũng cấm đi lại giữa các tỉnh, đóng cửa trường học, điểm du lịch, cơ sở thể thao, bảo tàng, rạp chiếu phim, tụ điểm vui chơi giải trí trên toàn quốc.
Hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ có Singapore mở rộng được chương trình này với 37% dân số được tiêm vắc xin. Các quốc gia kế tiếp trong danh sách là Campuchia đã tiêm phòng cho 12% dân số, Indonesia (7%), Malaysia (4%), Lào (2,5%), Thái Lan (1,9%) và Việt Nam (0,44%).
Singapore dự kiến sẽ đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng rộng rãi vào đầu năm 2022, tương đương với các quốc gia giàu có nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam dự kiến có kết quả này vào giữa năm còn Thái Lan và Malaysia hoàn thành vào cuối năm 2022.
Đối với phần còn lại của khu vực, bao gồm một số quốc gia đang trải qua sự gia tăng đột biến về Covid-19, tiên lượng về kế hoạch tiêm vắc xin không khả quan.
Theo An Yên (VietNamNet)