Đông Timor ngày 29.8 đã yêu cầu tòa trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp giữa nước này với Úc về đường biên giới trên biển đi ngang khu vực có trữ lượng dầu khí lớn ở biển Timor.
Tranh chấp giữa Đông Timor và Úc ở biển Timor khiến vụ việc được đưa ra toà trọng tài ở Hà Lan phân xử |
Đông Timor và Úc ký hiệp ước về dầu khí sau khi quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á giành độc lập từ Indonesia. Tuy nhiên, Đông Timor yêu cầu Úc đàm phán lại vấn đề biên giới trên biển, nhưng Canberra không đồng ý.
Tại phiên điều trần hôm 29.8 ở The Hague (Hà Lan), các luật sư Úc nói với PCA rằng những hiệp ước về ranh giới trên biển đã được ký kết với Indonesia, và không có biên giới trên biển tồn tại giữa Đông Timor và Úc. Tuy nhiên, Dili kêu gọi tòa án giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Úc lập luận rằng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trụ sở tại The Hague (Hà Lan) - tòa án quốc tế lâu đời nhất trên thế giới - không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này.
Dili cho biết "lấy làm tiếc" về quan điểm của Canberra, và kêu gọi các thẩm phán của toà trọng tài xem xét và chấp nhận xét xử vụ kiện.
"Đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi nhằm bảo vệ quyền chủ quyền trên các vùng biển xung quanh và các nguồn tài nguyên nằm dưới đó. Nó nắm giữ cơ hội phát triển và chuyển đổi đất nước của chúng tôi", đại diện của Đông Timor, bà Elisabeth Exposto nói với tòa án.
Chưa biết khi nào toà trọng tài sẽ ra phán quyết về vụ kiện này.
Đông Timor, một quốc gia nhỏ bé giành độc lập từ Indonesia vào năm 2002, là một quốc gia nghèo khó và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.
"Chúng tôi không đến The Hague để xin ân huệ hoặc điều gì đặc biệt. Chúng tôi đã đến đó để giành lấy quyền của chúng tôi theo luật quốc tế”, đại diện Đông Timor nói.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói Canberra sẽ tranh luận rằng toà không có thẩm quyền để xét xử và tiến hành phiên điều trần. Tuy nhiên theo bà Bishop, nếu tòa án có thẩm quyền xét xử thì phán quyết sẽ không có tính ràng buộc.
Đây là điều Canberra từng phản đối Trung Quốc hồi tháng 2.2016 khi Bắc Kinh nói Philippines không có quyền đưa Trung Quốc ra trọng tài quốc tế về những tranh chấp ở Biển Đông.
Úc cam kết tiếp tục duy trì các nghĩa vụ được qui định trong hiệp ước ký với Đông Timor. Hiệp ước vẫn còn có giá trị mà cả 2 nước đều được hưởng lợi. Những hiệp ước này có tính ràng buộc về mặt pháp lý và phù hợp với luật quốc tế.
Đông Timor cáo buộc Úc do thám để giành lợi thế thương mại trong cuộc đàm phán về hiệp ước khí đốt ở biển Timor hồi năm 2004 giữa hai nước, nơi có trữ lượng khí đốt trị giá hàng chục tỉ USD. Nhưng Dili chính thức bỏ vụ cáo buộc hồi năm 2015 sau khi Úc trả lại tài liệu nhạy cảm. Vụ kiện vẫn đang tiếp diễn.
Theo Minh Quang (Thanh Niên Online)