Thay đổi cách thức
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại thị trấn Suluk của Syria, nơi các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang nắm quyền kiểm soát, 3 phụ nữ người Pháp kể lại rằng họ đã bỏ trốn trong lúc hỗn loạn khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào miền Bắc Syria để truy quét lực lượng người Kurd hồi tháng trước. Sau đó, 3 người này đã ra hàng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để hy vọng có thể trở về nhà.
Những phụ nữ này được cho là nằm trong số những người vợ và con của những chiến binh IS bị chết hoặc bị bắt giam khi nhóm này thất thủ tại Syria và Iraq. Chính phủ Pháp từng tuyên bố sẽ đưa ra xét xử những công dân nước này gia nhập IS hoạt động tại Syria và Iraq; rằng, họ sẽ phải trả giá về những tội ác của mình. Về phần mình, Thổ Nhĩ kỳ tuyên bố sẽ bắt đầu hồi hương các tù nhân IS về quê hương của họ, bất chấp việc các đối tượng này bị quốc gia đó tước quốc tịch.
Đây được xem là động thái mới từ phía IS lẫn những lực lượng chống phiến quân khủng bố IS. Việc này diễn ra ngay sau khi IS (ngày 31/10) lên tiếng xác nhận về cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, đồng thời công bố danh tính của kẻ đứng đầu mới. Một đại diện của IS là Abu al-Hassan al-Muhajir, cho biết IS đã có thủ lĩnh mới mang tên Ibrahim al-Quraishi. Hiện vẫn chưa rõ al-Quraishi là ai, song giới quan sát cho rằng đây có thể là Hajji Abdullah- một nhân vật hàng đầu của IS.
Như vậy, IS đã không chịu “tạm rút về cố thủ”, ngược lại nhóm phiến quân khủng bố này cho thấy đang thay đổi cách thức hoạt động. Một trong những động thái cho thấy điều đó là sự chuyển hướng sang chiêu mộ người giúp việc tại châu Á. Việc chiêu mộ diễn ra trên mạng internet bằng hình thức trực tuyến.
Nhắm tới những phụ nữ làm nghề giúp việc
Giới chuyên gia cho biết, IS đã chuyển hướng sang các khu vực khác ở châu Á (ngoài Trung Đông) nhằm quyên góp tiền tài trợ và bổ sung lực lượng, tuy rằng theo phương thức ít có tổ chức hơn. “Chúng đang săn những phần tử mà chúng coi là có thể cung cấp tiền cho chúng. Những con mồi này có nguồn thu nhập ổn định, nói tiếng Anh và có mạng lưới quốc tế rộng lớn”- Nava Nuraniyah, một nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) ở Indonesia nói, ám chỉ tới bộ phận phụ nữ làm nghề giúp việc.
Hiện, Singapore đang có xấp xỉ 250.000 người giúp việc nhập cư, trong khi tại Hong Kong (Trung Quốc), có tới 385.000 người nhập cư đến đây làm giúp việc. Đây cũng chỉ là 2 trong số nhiều “địa chỉ” tại châu Á mà IS nhắm tới.
Từ năm 2015 đến năm 2017, IPAC thực hiện một cuộc điều tra về tính cực đoan hóa trong những người giúp việc. Kết quả đáng kinh ngạc cho thấy có dấu hiệu cực đoan tại ít nhất 50 phụ nữ Indonesia làm các công việc như vú em, người giúp việc, chăm người già tại nước ngoài. Theo một nguồn tin giấu tên, ít nhất 20 người giúp việc có tư tưởng cực đoan đã bị trục xuất về Indonesia- quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. “Họ cô đơn nên cảm thấy cần gắn kết với cộng đồng, cả trực tuyến lẫn ngoài đời thực. Tuy nhiên, họ không được trang bị đầy đủ kiến thức để đối phó với những thông điệp cực đoan gửi cho họ. Và IS đã tận dụng cơ hội này”- Diovio Alfath, nhân viên chương trình Liên minh xã hội dân sự chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực nhận xét.
Theo IPAC, những người giúp việc này có thể có số liên lạc của những phần tử bị cực đoan hóa trước trên Facebook qua kênh bạn bè hoặc họ có thể gặp gỡ qua nhóm cầu nguyện hoặc tụ họp vào những ngày nghỉ. Đôi lúc, những nữ giúp việc bị gài vào mối quan hệ tình cảm với các phần tử cực đoan thông qua mạng trực tuyến. “Bạn trai ảo” của họ thường xuyên mời họ vào các nhóm chat hay ứng dụng bị mã hóa. “Đây là nơi mà hiện thực tàn khốc diễn ra, thiết kế bom và các chỉ thị hoạt động được chia sẻ trong những nhóm này”- Zachary Abuza, một chuyên gia hoạt động chống IS tại Đông Nam Á giải thích.
Như vậy, hoạt động của IS có những động thái được cho là “bất ngờ”, vì thế cũng khó lường hơn.
Theo Thế Tuấn (Đại Đoàn Kết)