Đông Nam Á ngày càng “không thân thiện” với Trung Quốc, chủ yếu là do chính sách gây hấn của Bắc Kinh trong những vụ tranh chấp lãnh thổ gần đây.
Phản ứng trên tàu Philippines sau khi vượt qua sự phong tỏa của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây thuộc Quần đảo Trường Sa, Việt Nam. |
Trong vụ kiện Trung Quốc kéo dài hai năm qua, cuối cùng Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague cũng đã chấp nhận đơn kiện của Philippines và đứng ra xét xử vụ này, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. PCA tuyên bố rằng vụ án này thuộc thẩm quyền của tòa và sẽ lắng nghe lập luận của Manila chống lại tuyên bố thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc, trong cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” vô cùng phi lý và trái với những qui định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các chuyên gia pháp lý tự tin rằng Philippines có thể giành chiến thắng trong vụ kiện này, khi PCA bác bỏ phần lớn các lập luận của Trung Quốc trong các buổi điều trần sơ bộ.
Indonesia, nước khổng lồ ở Đông Nam Á, ngụ ý rằng nước này sẽ nhờ cậy tòa án quốc tế phán quyết về các tuyên bố gây tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Natuna.
Ngay cả ở Lào, đa số dân chúng nước này đang tức giận trước việc Trung Quốc chiếm đất xung quanh tuyến đường 2 và 3 thuộc xa lộ cao tốc Châu Á.
Không còn nghi ngờ gì nữa, uy tín của Trung Quốc đã giảm sút đáng kể ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh mất niềm tin vào Trung Quốc, nhiều nước trong khu vực đang ngả về phía Mỹ.
Đáng ngạc nhiên nhất là trường hợp Malaysia. Malaysia đã trở thành một đối tác chính của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thủ tướng Najib Razak đang hối thúc các nước ASEAN chống lại những diễn giải cực đoan của đạo Hồi và ký một thỏa thuận chống khủng bố mới với Mỹ để chia sẻ thông tin tình báo về nghi phạm khủng bố. Malaysia cũng đã gia nhập liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhận xét: " Malaysia là một phần của liên minh chống ISIS”.
Thúc đẩy Đông Nam Á về phía Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Malaysia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Najib đã chủ trì thành việc thực thi thỏa thuận đối tác chiến lược Mỹ-ASAEN.
Thái độ hung hăng quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ đã khiến cho Malaysia - nước thành viên ASEAN - ngả về phía Mỹ. Malaysia đang phát đi một tín hiệu rất rõ ràng với thế giới về những dự định trong tương lai, liên quan đến chống khủng bố và thay đổi thái độ rõ rệt đối với đồng minh truyền thống Trung Quốc.
Đối mặt với những diễn biến bất lợi này, Trung Quốc tăng cường ve vãn một vài nước Đông Nam Á đang bị phương Tây xa lánh, đặc biệt Thái Lan vốn là “đồng minh đáng tin cậy nhất” của Mỹ trong khu vực.
Ngày càng bị cô lập ở Đông Nam Á, Bắc Kinh cần phải xét lại chính sách truyền thống của Trung Quốc và phát triển một chiến lược cho phép thành lập các “phản liên minh” để làm đối trọng với hợp tác chiến lược ASEAN-Mỹ.
Với việc Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập, thái độ hung hăng quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ đang ngày càng đẩy “trái bóng Đông Nam Á” về phía phần sân của Washington.
Theo Minh Châu (Kienthuc.net.vn)