Chẳng hạn, Thái Lan chứng kiến ngày nóng lịch sử hôm 15-4 với 45,5 độ C, Lào hứng nhiệt độ kỷ lục 43,5 độ C trong 2 ngày liên tiếp của tháng 5, còn Việt Nam trải qua những ngày đầu tháng 5 với mức nhiệt "cao nhất mọi thời đại" là 44,2 độ C - theo phân tích dữ liệu các trạm thời tiết của nhà khí hậu học và sử học thời tiết Maximiliano Herrera, nhà sáng lập website "Nhiệt độ khắc nghiệt toàn cầu".
Đợt nóng kéo dài sang tháng 6 ở một số nơi, như Việt Nam tiếp tục có ngày tháng 6 nóng kỷ lục 43,8 độ C hôm 1-6.
Những ngày nóng khốc liệt này ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người phải lao động ngoài trời, bao gồm người bán hàng rong, nhân viên dọn dẹp, thợ xây, nông dân và nhiều dạng lao động tự do khác phổ biến khắp Đông Nam Á. Họ được coi là trụ cột của nhiều xã hội và cũng là đối tượng dễ tổn thương do thời tiết khắc nghiệt.
Một báo cáo gần đây từ liên minh khoa học quốc tế World Weather Attribution (WWA) cho biết đợt nắng nóng ở Đông Nam Á năm nay - với đỉnh điểm là tháng 4 - là việc 200 năm mới có một lần và hầu như không thể xảy ra nếu không có hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Cái nóng thiêu đốt ở Đông Nam Á càng thêm nguy hiểm do độ ẩm cao - một "sự kết hợp chết người" làm tăng nguy cơ rối loạn trung tâm điều nhiệt của cơ thể, dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như say nắng (sốc nhiệt) và kiệt sức vì nóng, với nhiều triệu chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng.
Phân tích của CNN dựa trên dữ liệu từ Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, tất cả 6 quốc gia thuộc phần lục địa của Đông Nam Á đã đạt đến nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C mỗi ngày. Đây được coi là ngưỡng nguy hiểm, đặc biệt với người có bệnh nền hay không quen với nhiệt độ cao.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)