Sau trận động đất ở Tứ Xuyên, người dân tố bị chính quyền để "tùy nghi di tản". Người dân còn lo cuộc sống sắp tới khi du lịch khó hồi phục.
Cảnh tượng vẫn còn ngổn ngang ở Cửu Trại Câu ngày 10-8 - Ảnh: REUTERS |
Trận động đất ở Cửu Trại Câu, tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc khuya ngày 8-8 làm 20 người thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương. Nó cũng làm hư hại nhiều hồ và thác nước vốn là cảnh quan thu hút du khách đến đây.
Thiệt hại của trận động đất 6,5 độ Richter này chưa thể so với thảm họa động đất cũng tại tỉnh này năm 2008 từng làm thiệt mạng 70.000 người, san bằng nhà cửa và khiến ngành du lịch thiệt hại 7 tỉ USD.
Nhưng đối với một khu vực chủ yếu sống dựa vào khai thác phong cảnh thiên nhiên hữu tình này, trận động đất vừa qua có thể khiến các khách sạn, nhà hàng và hàng quán mất hàng tháng, thậm chí hàng năm thu nhập và khiến nhiều người thất nghiệp.
Khu danh thắng Cửu Trại Câu được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 1992. Trong năm 2016, có hơn 7 triệu lượt khách thăm khu du lịch này, theo truyền thông Trung Quốc.
Trong khi chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cho biết vẫn chưa thể ước tính hết thiệt hại kinh tế sau trận động đất, hãng tin Reuters dẫn lời nhiều người dân tại Cửu Trại Câu nói rằng họ thực sự lo lắng về tương lai.
“Cả quận Ngawa có thu nhập kinh tế dựa vào thắng cảnh. Mọi người khắp cả quận đổ về đây làm việc. Cả một thế hệ có thể đánh mất cơ hội việc làm” - Renda Caili, chủ một phòng trọ, than thở.
Một người làm kinh doanh ở địa phương cũng tỏ ra bi quan khi ước tính phải mất hai năm để khôi phục lại chuyện kinh doanh ăn uống của mình, vốn trong mùa cao điểm có thể kiếm được rất khá.
Sau trận động đất, các hình ảnh kinh hoàng tại khu danh thắng được lan truyền trên mạng cho thấy những hồ nước ngũ sắc nổi tiếng ngập đầy bùn trong khi các thác nước giữa các hồ bị sập nhiều chỗ.
Chính quyền địa phương đã hạn chế các nhà báo nước ngoài tiếp cận khu vực động đất. Nhưng hôm 10-8, phóng viên Reuters đã ghé vào các thị trấn nằm ở cửa ngõ vào Cửu Trại Câu và ghi nhận những thiệt hại nặng nề.
Người dân địa phương cho biết nguy cơ nhà cửa, đất đai bị sập vẫn còn rất lớn. Một số nơi vẫn còn bị dư chấn.
|
Nhân viên cứu hộ những người sống sót sau trận động đất hôm 8-8 - Ảnh: REUTERS |
Một người phụ nữ có hai con nhỏ cho biết nhà của cô bị sập một phần. “Chúng tôi vẫn chưa dám quay trở về nhà, quá nguy hiểm” - cô kể với nhà báo của Reuters.
Cũng như nhiều người khác, cô còn có mối lo về thu nhập sắp tới. “Chồng tôi làm việc cho một khách sạn năm sao nằm gần tâm chấn. Chẳng ai biết khi nào nó sẽ mở cửa trở lại” - cô nói. Các khách sạn nằm trong khu vực động đất bị ảnh hưởng nặng.
Chính quyền Trung Quốc cho biết đã tổ chức di tản khoảng 60.000 khách du lịch sau động đất trong khi người dân địa phương cho biết họ không nhận được sự giúp đỡ nào.
“Chúng tôi không được hỗ trợ xe và chúng tôi cũng chẳng biết sống ở đâu, vì vậy chúng tôi phải đi bộ về nhà” - một người kể lại việc phải vác đồ đạc cá nhân vượt chặng đường hơn 10km.
|
Người dân chạy dọc đường núi ở Cửu Trại Câu ngày 10-8 do lo lở đá - Ảnh: REUTERS |
Theo Trần Phương (Tuổi Trẻ)