Tâm chấn của trận động đât nằm phía Bắc đảo Flores ở tỉnh Đông Nusa Tenggara (Indonesia). Trận động đất diễn ra vào khoảng 10 giờ 20 phút sáng, giờ địa phương.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa Vật lý Indonesia (BMKG) trước đó báo cáo trận động đất 7,4 độ Richter, đồng thời cảnh báo khả năng xảy ra sóng thần.
"Tôi đang trên đồng. Mọi người bỏ chạy rất sợ hãi. Tôi vẫn còn sợ," Nuraini, một người dân trên đảo Adonara nói với AFP.
Một số đoạn video ghi lại cảnh người dân hoảng loạn bỏ chạy hoặc tụ tập một chỗ trên đường khi trận động đất xảy ra, theo Al Jazeera. Một số video khác cho thấy mực nước dâng cao đôi chút ở khu vực ven biển tại tỉnh Đông Nusa Tenggara. Tuy vậy không có báo cáo nào về sóng thần.
Không có báo cáo nào về thiệt hại tài sản nặng hay thiệt hại về người ở khu vực xảy ra động đất, tuy vậy giới chức địa phương vẫn đề nghị người dân thận trọng.
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho rằng khả năng thiệt hại con người là không cao, tuy vậy lưu ý rằng "các vụ động đất gần đây trong khu vực này đã gây ra các thiên tai phát sinh như sóng thần, lở đất có thể gây thiệt hại lớn".
Indonesia thường chứng kiến động đất, núi lửa phun trào do vị trí nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, khu vực thường xuyên có các hoạt động địa chấn mạnh gây ra bởi sự di chuyển của các mảng kiến tạo.
Vụ động đất 9,1 độ Richter xảy ra cuối năm 2004 tại vùng biển ngoài khơi Sumatra đã gây ra sóng thần khiến 220.000 người trong khu vực thiệt mạng, trong đó có khoảng 170.000 người Indonesia.
Năm 2018, một trận động đất mạnh xảy ra gần đảo Lombok và một vài dư chấn kéo dài trong khoảng hai tuần sau đó đã khiến hơn 550 người thiệt mạng.
Cùng năm đó, trận động đất 7,5 độ Richter kèm theo sóng thần ở Palu, thuộc đảo Sulawesi đã khiến 4.300 người thiệt mạng hoặc mất tích.
Hôm 04/12 vừa qua, ít nhất 48 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương sau khi Núi lửa Semeru phun trào trên đảo Java.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)