Động cơ tên lửa Triều Tiên có thể có nguồn gốc từ Ukraine và Nga

02/06/2017 09:26:00

Hãng tin Yonhap dẫn lời một chuyên gia về tên lửa Mỹ cho hay động cơ dùng cho tên lửa đạn đạo tầm trung mới được phát triển của Triều Tiên được cho là có nguồn gốc từ các nước như Ukraine hay Nga.

Hãng tin Yonhap dẫn lời một chuyên gia về tên lửa Mỹ cho hay động cơ dùng cho tên lửa đạn đạo tầm trung mới được phát triển của Triều Tiên được cho là có nguồn gốc từ các nước như Ukraine hay Nga.

Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa Hwasong 12 hôm 14/5, cho thấy một bước tiến lớn trong việc theo đuổi một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng phóng tới lục địa Mỹ. Các chuyên gia nhận định tên lửa này có thể bay khoảng 4.500km nếu nó được phóng theo một góc bình thường.

Chuyên gia cao cấp về phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), ông Michael Elleman nói rằng động cơ của tên lửa này rất khác với động cơ tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan mà Triều Tiên được cho là đang phát triển như một bước đi hướng tới chế tạo ICBM.

Phát biểu tại họp báo, ông Elleman nêu rõ: "Điều này có ý nghĩa to lớn. Ít có khả năng nó được thiết kế, phát triển và sản xuất trong nước. Giả thuyết của tôi về điểm này, căn cứ vào hiệu suất của động cơ và vẻ bề ngoài, nó có thể bắt nguồn từ một động cơ cũ của Nga tên là RD-250."

Chuyên gia trên cũng cho biết rằng Triều Tiên có thể lấy nguồn cung từ Ukraine. Ông nói: "Điều quan trọng ở đây là nó đến từ một nhà sản xuất khác so với tất cả các động cơ khác và những tên lửa mà chúng ta đã thấy được sử dụng ở Triều Tiên. Chúng ta có thể gặp phải những bất ngờ trong tương lai, rất khó để giới hạn khả năng của họ và những gì có thể xảy ra trong tương lai, bởi chúng tôi không biết liệu họ có quyền tiếp cận các động cơ mới và cải tiến hay không."

Ông Elleman cũng nói rằng Hwasong 12 là "bước đầu tiên" hướng tới việc phát triển một ICBM có khả năng tấn công tới Mỹ. Khi được hỏi Triều Tiên đang tiến gần đến ICBM như thế nào, chuyên gia này nói rằng Triều Tiên sẽ cần ít nhất ba năm để tiến hành đủ các thử nghiệm nếu họ muốn có 75% độ tin cậy vào một ICBM./.

Theo VietNam+

Nổi bật