Ngành công nghiệp nhựa Mỹ luôn quảng cáo rằng rác thải nhựa sẽ được chuyển tới một nhà máy nào đó, nơi nó được tái chế thành đồ mới. Tuy nhiên, đó không phải là trải nghiệm của bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, một phụ nữ Việt Nam 60 tuổi có 7 con, sống giữa đống nhựa bẩn thỉu có xuất xứ từ Mỹ ở thôn Minh Khai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Trước cửa nhà bà, ánh mặt trời thiêu đốt chiếc túi Cheetos của cửa hàng Walmart và một túi nhựa từ ShopRite, chuỗi siêu thị ở New Jersey in thông điệp kêu gọi người dân hãy tái chế nó. Bà Thắm được trả 150 nghìn đồng (6,5 USD) một ngày để loại những thứ không thể tái chế và sắp xếp lại những thứ có thể tái chế.
Thôn Minh Khai được coi là một trung tâm ngành công nghiệp xử lý rác thải nhựa. Rác từ khắp nơi trên thế giới, xuất hiện dưới nhiều ngôn ngữ như Arab, Pháp, có mặt tại mọi nẻo đường trong cộng đồng 1.000 hộ gia đình. Công nhân trong các xưởng tạm bợ tái chế rác giữa khói độc và mùi hôi thối từ xe tải phế liệu chuyển rác đến mỗi ngày.
Năm 2018, Mỹ chuyển 83.000 tấn nhựa tái chế đến Việt Nam. Trên đường, những sản phẩm nhựa xuất xứ từ Mỹ có mặt khắp nơi, từ vỏ kẹo York Peppermint Patties của hãng Hershey tới một chiếc túi rỗng của nhà sản xuất sơn hóa học ở Ohio. Sau khi được bà Thắm và những công nhân khác phân loại, nhựa được cho vào máy nghiền nát, trước khi nấu lại và đúc thành viên.
"Chúng tôi rất sợ mùi rác này, không dám uống nước khoan ở đây", bà Thắm nói. Bà đeo găng tay cao su, khẩu trang, đội nón lá, bảo vệ bản thân khỏi ánh mặt trời. "Chúng tôi không có tiền nên chẳng còn lựa chọn nào ngoài làm việc ở đây".
Dù tác động tới sức khỏe của công nhân tiếp xúc với rác thải nhựa tái chế chưa được nghiên cứu kỹ, khói độc hại do đốt hoặc chế biến nhựa có thể gây ra nhiều bệnh hô hấp. Công nhân và người dân xung quanh hàng ngày đối mặt với hàng trăm chất độc hại, bao gồm axit hydrocholoric, lưu huỳnh dioxit, kim loại nặng gây rối loạn phát triển, rối loạn nội tiết và ung thư.
Cuộc điều tra toàn cầu của báo Anh Guardian phát hiện hàng trăm nghìn tấn nhựa Mỹ được chuyển tới nhiều nước đang phát triển để tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Quy trình tái chế bẩn thỉu, chủ yếu dựa vào thủ công này gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và môi trường nước sở tại.
Năm ngoái, 68.000 container vận chuyển nhựa tái chế từ Mỹ được xuất sang các nước đang phát triển, nơi xử lý hơn 70% rác thải nhựa của chính nước đó. Các điểm nóng mới nhất để xử lý nhựa tái chế Mỹ là một số quốc gia nghèo nhất thế giới như Bangladesh, Lào, Ethiopia, Senegal, những nơi cung cấp lao động giá rẻ và quy định bảo vệ môi trường chưa thực sự nghiêm ngặt.
Ở một số nơi như Thổ Nhĩ Kỹ, dòng rác thải nước ngoài tăng lên làm gián đoạn nỗ lực xử lý rác thải nhựa địa phương. Khi những quốc gia này bị quá tải, hàng nghìn tấn rác thải nhựa bị mắc kẹt ở Mỹ.
Thất bại trong hệ thống tái chế làm tăng cảm giác khủng hoảng về ngành nhựa, từng được coi là "chất liệu kỳ diệu" có mặt trong mọi thứ, từ bàn chải đánh răng tới mũ du hành không gian, nhưng đang xuất hiện với số lượng khổng lồ trong đại dương và thậm chí trong hệ thống tiêu hóa của con người.
Lo ngại trước rác thải nhựa, tháng trước, 187 quốc gia đã ký hiệp ước trao quyền cho các quốc gia thành viên ngăn chặn nhập khẩu rác nhựa ô nhiễm hoặc khó tái chế. Một số quốc gia không tham gia hiệp ước, trong đó có Mỹ.
"Người ta không biết chuyện gì xảy ra với rác mình vứt đi", Andrew Spicer, giảng viên về trách nhiệm xã hội ở Đại học Nam Carolina kiêm chuyên gia cố vấn bang về rác thải nhựa, cho hay. "Họ nghĩ rằng mình đang cứu rỗi thế giới, nhưng ngành tái chế quốc tế coi đó là con đường kiếm tiền. Không có quy chế toàn cầu về tái chế rác, chỉ có một thị trường lớn, bẩn thỉu, cho phép một số công ty tận dụng kẽ hở luật pháp thế giới".
Nhựa bắt đầu sử dụng đại trà từ những năm 1950 và đến nay ở Đảo rác Thái Bình Dương, nó còn phổ biến hơn sinh vật phù du. Một số nước trên thế giới đã cấm nhựa gây ô nhiễm như ống hút, túi nilon mỏng, trong khi nước Mỹ vẫn tạo ra 34,5 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, đủ để lấp đầy 1.000 sân vận động.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, trong số 9% nhựa Mỹ được tái chế năm 2015, Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong Kong xử lý hơn một nửa, tương đương 1,6 triệu tấn một năm. Họ phát triển ngành công nghiệp thu gom và tái sử dụng những loại nhựa có giá trị nhất để sản xuất đồ dùng và bán lại cho phương Tây.
Nhưng phần lớn những gì nước Mỹ xuất đi đều là nhựa ô nhiễm chứa thực phẩm hoặc chất bẩn, hay nhựa không thể tái chế và cách xử lý là chôn lấp ở Trung Quốc. Trong bối cảnh lo ngại về môi trường và sức khỏe ngày càng tăng, Bắc Kinh đã cấm nhập mọi loại rác thải nhựa từ cuối năm 2017.
Sau lệnh cấm của Trung Quốc, rác thải nhựa Mỹ trở thành "củ khoai nóng" toàn cầu, giống như quả bóng được chuyền từ nước này sang nước khác. Dữ liệu hồ sơ của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy Mỹ vẫn đang vận chuyển hơn một triệu tấn chất thải nhựa ra nước ngoài, đa số tới những nơi đang ngập chìm trong rác thải nhựa.
Các chuyên gia cảnh báo nhiều quốc gia xếp hạng kém về xử lý rác thải nhựa. Một nghiên cứu do Jenna Jambeck, chuyên gia đại học Georgia cho thấy Malaysia, nước nhận nhiều rác nhựa của Mỹ nhất sau lệnh cấm của Trung Quốc, không thể xử lý 55% rác nhựa trong nước, nghĩa là rác bị đổ thẳng ra biển hoặc chôn lấp không đúng cách. Tỷ lệ xử lý rác thải nhựa chưa đúng cách ở Indonesia và Việt Nam là 81% và 86%.
"Chúng tôi đang cố hết sức để loại bỏ những thứ này và đang tìm biện pháp xử lý khác", Jan Dell, kỹ sư độc lập, người sáng lập tổ chức The Last Beach Cleanup, nơi làm việc với các nhà đầu tư và các nhóm bảo vệ môi trường để giảm ô nhiễm rác nhựa, cho hay. "Con đường ít trở ngại nhất là chở rác tới một nơi nào đó càng xa càng tốt", cô nói.
Tại một cuộc họp Thường trực chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý vào 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, ngành ngăn chặn phế liệu vào trong nước, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường cũng như cuộc sống nhân dân.
Kể từ đó, lượng khẩu rác nhập khẩu vào Việt Nam hàng tháng giảm 1/10. Đến tháng 4/2019, hơn 23.400 container phế liệu đã bị hải quan giữ lại.
Tuy vậy, việc làm ăn vẫn diễn ra nhộn nhịp ở thôn Minh Khai. Bà Thắm cho hay phế liệu được chuyển tới từ Hải Phòng, cảng miền bắc lớn nhất Việt Nam và các khu vực khác của đất nước.
Khi những quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan cấm nhập khẩu, rác nhựa tìm đường sang đất nước mới. Các lô hàng bắt đầu chuyển sang Campuchia, Lào, Ghana, Ethiopia, Kenya và Senegal, nơi trước đây chưa từng xử lý rác nhựa Mỹ.
Điểm đến của rác thải nhựa Mỹ. Đồ họa: Guardian.
Suốt nửa cuối năm 2018, các tàu container mỗi tháng chở khoảng 260 tấn nhựa phế liệu của Mỹ tới thị trấn ven biển Sihanoukville của Campuchia, nơi mặt biển đầy rác nhựa nổi lềnh bềnh giống hệt một tấm thảm phủ polymer lấp lánh.
"Tôi không thể chấp nhận việc nhập khẩu nhựa vào Campuchia", Heng Ngy, 58 tuổi, sống cùng vợ trong một ngôi nhà gỗ lửng lơ trên biển nhựa, nói. Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khắp nơi.
Vấn đề rác thải ở Campuchia xuất phảt từ chính việc sử dụng nhựa trong nước và thiếu hệ thống xử lý. Trong số những người được phỏng vấn ở Sihanoukville, không ai biết rằng nhựa tái chế có nguồn gốc từ Mỹ và chuyện gì xảy ra khi chúng tới Campuchia.
Các chuyên gia ước tính 20-70% nhựa được đưa vào các cơ sở tái chế toàn cầu bị loại bỏ vì không thể sử dụng, vì vậy bất kỳ loại nhựa nào được tái chế ở Sihanoukville chắc chắn lại biến thành rác.
Làm thế nào để rác thải nhựa từ Mỹ tới được một ngôi làng ở Đông Nam Á? Nó vượt qua mạng lưới vận chuyển xuyên đại dương và lục địa, đôi khi là trái phép và ít người tiêu dùng hiểu được vai trò của nó.
Điểm dừng chân đầu tiên của nhựa trong hành trình nhiều tháng là một cơ sở tái chế, nơi nó được phân loại dựa theo hình thái như chai soda, hộp sữa, hộp đựng đồ, và sẵn sàng để bán.
Rác nhựa là một loại hàng hóa, các nhà môi giới tái chế tìm kiếm khắp nước Mỹ và nước ngoài cho những người muốn mua để nấu chảy nó, biến nó thành dạng viên nén và từ viên nén thành vật dụng mới.
Trước đây, vận chuyển nhựa tới châu Á mang ý nghĩa kinh tế, bởi các công ty vận chuyển hàng hóa Trung Quốc tới Mỹ thường chở hàng nghìn container rỗng về Trung Quốc. Trong trường hợp không chở hàng Mỹ, họ sẵn lòng vận chuyển nhựa tái chế Mỹ sang Trung Quốc với giá thấp nhất.
Steven Wong, doanh nhân Hong Kong, là một trong những người trung gian kết nối ngành tái chế nhựa Mỹ với khách hàng quốc tế. "Có lúc tôi là một trong những nhà xuất khẩu nhựa lớn nhất thế giới", ông giới thiệu về công việc kinh doanh trị giá hàng triệu đôla. Giờ công ty Fukutomi Recycling của Wong đang ngập trong nợ nần.
Vấn đề của Wong không phải do thiếu nguồn cung. Mỗi tháng, hàng nghìn container vận chuyển nhựa có thể tái chế chất đống khắp Mỹ. Ông cũng không lo lắng về nhu cầu sử dụng nhựa giảm. Các nhà máy ở Trung Quốc rất cần mua nhựa để sản xuất thành vô số sản phẩm mới, từ đồ chơi, khung tranh tới đồ làm vườn.
Điều khiến doanh nghiệp của Wong đi xuống là nhiều quốc gia đã phát triển ngành công nghiệp tái chế, sau khi các nhà khai thác vô đạo đức mở cơ sở, hoạt động với giá rẻ nhất có thể mà không quan tâm đến môi trường hay người dân địa phương.
"Trong ngành này, nếu làm đúng cách, bạn sẽ bảo vệ môi trường", Wong nói. "Nếu làm sai, bạn sẽ phá hủy môi trường".
Lợi nhuận của ngành này cũng giảm sút. Wong cho hay mỗi tấn phế liệu nhựa từ một nhà máy tái chế ở Mỹ giá 150 USD. Sau khi chuyển ra nước ngoài, bán cho nhà máy xử lý thành dạng viên và chuyển tới nhà máy, người bán có thể ra giá 800 USD mỗi tấn. Tuy nhiên, giá nhựa nguyên chất có chất lượng cao hơn chỉ từ 900 tới 1.000 USD một tấn.
Wong tin rằng câu trả lời cho tương lai nằm ở chỗ tìm ra cách xử lý nhựa tại nơi gần với Mỹ hơn. Đó là lý do ông lên kế hoạch đi tới Dominica và Haiti để gặp gỡ các quan chức chính quyền tại đây. Wong cũng vừa tới Monterrey, thành phố Mexico cách phía nam Laredo, bang Texas, Mỹ khoảng 240 km.
Wong, 61 tuổi, ăn mặc giống như thợ săn, đang thành lập một nhà máy tái chế nhựa mới cho các nhà đầu tư muốn xử lý nhựa của Mỹ. Tại một kho hàng của đại lý nhựa, Wong đang kiểm tra chất lượng nguồn cung. Ông đổ đầy một bịch mẩu nhựa từ thùng ra, châm lửa, ngửi cẩn thận để kiểm tra xem đó là nhựa gì.
Tiếp theo, ông đến chỗ máy gia công nhựa thô dài 12 mét trên nền nhà kho. Máy móc cắt các bộ phận nhựa thải loại trên xe hơi thành vảy nhỏ. Công nhân đổ vảy vào lò nấu chảy. Nhựa nóng được ép thành tấm dài, màu trắng, sau đó, chúng được cắt thành những hạt lớn hơn hạt gạo một chút.
Wong nói muốn xây dựng nhà máy hiện đại, có hệ thống lọc chất độc hại khỏi không khí và nước. Nhưng ông chắc chắn có nhiều đối thủ cạnh tranh sẵn lòng làm ẩu hơn và tiếp tục xuất khẩu nhựa giá rẻ. Ông nghĩ rằng ngay cả những quốc gia cấm nhập khẩu nhựa, loại vật liệu này vẫn được nhập lậu.
"Các nhà tái chế rác đã lập nhà máy ở những quốc gia này nhưng không đủ nguồn cung. Vì vậy, họ sẵn sàng buôn lậu để có được nhựa", Wong nói.
Còn tại những nơi chưa từng nhìn thấy số lượng rác nhựa lớn của Mỹ như vậy, người dân địa phương đang dở khóc dở cười. Ở Philippines, mỗi tháng có 120 container chuyển đến Manila và một khu công nghiệp từng là căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Vịnh Subic. Chúng chứa đầy nhựa phế liệu từ Los Angeles, Georgia và cảng Newark ở New York.
Từ cảng Manila, dữ liệu hải quan Philippines cho thấy một số lô hàng nhựa của Mỹ được chuyển tới thành phố Valenzuela ở ngoại ô thủ đô Philippines. Nơi đây được gọi là "Thành phố Nhựa" và người dân ngày càng lo ngại về số lượng nhà máy tái chế mọc lên trong cộng đồng.
"Anh có ngửi thấy mùi không?" Helen Lota, 47 tuổi, một người bán hàng nói khi đứng trước cửa hàng tiện lợi của mình vào một buổi chiều tháng trước. "Mùi thế này chưa là gì đâu, tối còn tệ hơn, không thở nổi".
"Nhiều người đã phát bệnh", Lota nói. "Tôi đưa con gái đi khám vì ho mãi không khỏi, nhưng chụp X-quang không phát hiện vấn đề. Con bé ho chắc chắn do mùi hôi thối".
Khi thấy Lota đang phàn nàn về rác thải nhựa, vài người qua đường cũng dừng lại góp ý. "Mẹ tôi cũng ho mãi không khỏi, có lẽ do mùi rác", Renante Bito, 38 tuổi, nói.
Tuy nhiên, tái chế rác đem lại thu nhập lớn cho vùng. Các quan chức và người dân được phỏng vấn đều cho rằng nhựa được xử lý ở đây đều là nhựa của Philippines. Không ai biết có nhựa của Mỹ trong đó. Đại diện cho các nhà máy tiếp nhận rác thải Mỹ cũng từ chối phỏng vấn.
Công nhân trút bỏ xốp vụn vào máy nghiền trong cơ sở tái chế ở thành phố Valenzuela, phía bắc Manila.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhựa nhập khẩu từ Mỹ có thể đe dọa cả một ngành nghề. Từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa, lượng nhựa tái chế mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập từ nước ngoài tăng vọt, từ 159.000 tấn lên 439.000 tấn trong hai năm.
Mỗi tháng khoảng 10 tàu chở nhựa tới cảng biển ở Istanbul và Adana, mang theo 2.000 tấn nhựa phế liệu giá rẻ của Mỹ mà Trung Quốc không muốn nhập nữa. Đa số là chuyển từ cảng Georgiea, Charleston, Baltimore và New York. Một số loại là màng bọc cho các sản phẩm của Walmart. Những tàu chở hàng này đến cùng hàng chục tàu khác từ Anh và các nước châu Âu.
Những người thu gom phế liệu Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi sát sao hành trình của tàu. Ở đây, có hàng trăm nghìn người thu gom rác từ nhà dân và các doanh nghiệp rồi bán lại cho nhà máy tái chế thành nhiều sản phẩm như túi nhựa.
Họ cho hay các nhà máy đang mua nhựa rẻ hơn và sạch hơn từ các nhà tái chế nước ngoài, khiến rác nhựa chưa được thu gom đang chất đống trong các sân chơi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đang vận động chiến dịch ngăn chặn nhựa nước ngoài, nhờ bạn bè làm trong cảng quay lại video rác nhựa được bốc xuống tàu và tự điều tra.
"Có khoảng 500.000 người nhặt rác ở Thổ Nhĩ Kỳ, lao động cần mẫn như ong để thu gom phế liệu", Baran Bozoglu, người đứng đầu tổ chức Kỹ sư Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu rác tái chế nước ngoài "không kiểm soát và không giới hạn" khiến cho các nhà tái chế địa phương mất thị trường. "Nó giống như chúng ta có bột và nước nhưng thay vì tự làm bánh mỳ, chúng ta lại nhập bánh từ nước ngoài. Thật vớ vẩn?"
Eser Caglayan, 33 tuổi, ngày nào cũng mang theo chiếc túi lớn đi thu gom rác tại các khu vực buôn bán nhộn nhịp dọc bờ biển Bosphorus. Trước đây, người đàn ông có 20 năm kinh nghiệm gom rác này có thể nuôi sống gia đình 5 miệng ăn với thu nhập 800 USD một tháng. Nhưng năm nay, thu nhập giảm một phần ba do nhựa tái chế giá rẻ nhập khẩu cạnh tranh.
"Tôi muốn nói với người Mỹ rằng hãy tự tái chế rác trên đất các anh", Caglayan nói. "Đừng cướp miếng cơm của chúng tôi và làm chúng tôi có nguy cơ chết đói".
Những ảnh hưởng xã hội và môi trường của ngành xuất khẩu nhựa Mỹ gây sốc cả với người trong ngành. Bob Wenzlau được coi là một trong những người sáng lập hệ thống thu gom rác đường phố Mỹ sau khi khởi động chương trình thu gom rác ở Palo Atlto, California từ năm 1976.
"Thu gom rác đường phố được bắt đầu với ý định tốt, tôi từng rất tự hào về nó", Wenzlau nói. Sau khi biết ảnh hưởng của nó, ông nói "tôi rất đau lòng bởi hệ thống này đang làm việc có hại".
Wenzlau mới thuyết phục được hội đồng thành phố Palo Alto thông qua luật yêu cầu các nhà thu gom rác phải báo cáo về hậu quả xã hội và môi trường của bất kỳ lô hàng tái chế nào ra nước ngoài.
Ngay tại San Francisco, nơi từ lâu được ca ngợi về năng lực tái chế rác thải cao, người đứng đầu nhà xử lý chất thải của thành phố cũng cho rằng hệ thống này đang thất bại.
"Thực tế là có quá nhiều nhựa, quá nhiều chủng loại đang được tạo ra mà có rất ít thị trường cần vật liệu tái chế từ những loại nhựa này", Michael J Sangiacomo, chuyên gia của nhà máy Rocology, cho hay.
Tổ chức môi trường Gaia vừa công bố một nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng tới con người tại những nơi nhập khẩu rác nhựa của Mỹ.
"Tác động của ngành buôn bán nhựa sang các quốc gia Đông Nam Á thật kinh hoàng. Nguồn nước ô nhiễm, mất mùa, bệnh hô hấp do tiếp xúc khói nhựa và tội phạm có tổ chức gia tăng ở những khu vực tiếp xúc nhiều nhất với dòng nhập khẩu nhựa mới", trích báo cáo.
"Những quốc gia và người dân nhập khẩu rác Mỹ đang gánh tổn thất kinh tế, xã hội và môi trường do ô nhiễm gây ra và có thể những thế hệ tiếp theo vẫn phải chịu đựng", báo cáo nhấn mạnh.
Với nhiều chuyên gia, Malaysia là ví dụ đáng sợ nhất về cách ngành công nghiệp tái chế vượt tầm kiểm soát có thể nhấn chìm một quốc gia. Sau lệnh cấm nhập khẩu nhựa của Trung Quốc, Malaysia trở thành điểm đến của nhựa Mỹ và vẫn đang trả giá.
10 tháng đầu năm 2018, Mỹ xuất khẩu 192.000 tấn nhựa sang Malaysia để tái chế. Nhiều nhà máy ở đây chỉ có giấy phép xử lý rác thải nội địa nhưng vẫn lén thu gom rác nhập khẩu, đa số xử lý bằng cách đốt nhựa trái phép, thải khói độc hại ảnh hưởng tới người dân sống gần nhà máy và bãi chôn lấp.
Hồi tháng 10/2018, chính phủ Malaysia tuyên bố ngừng cấp phép mới nhập khẩu rác thải nhựa và cấm nhập khẩu mọi loại rác nhựa trong vòng ba năm. Dù vậy, hàng nghìn tấn rác nhựa vẫn chất đống ở cảng, bị những kẻ kinh doanh vô đạo đức "bỏ của chạy lấy người".
Ngoại ô Jenjarom, thị trấn thuộc huyện Kuala Langat, nơi chính quyền địa phương đóng cửa 34 nhà máy trái phép hồi tháng 7/2018, một chủ đất đang vật lộn để loại bỏ đống rác nhựa dày ba mét do những kẻ nhập khẩu rác lậu bỏ lại. Khu đất gần đó cũng ngập trong nhựa nước ngoài, khi chủ một nhà máy tái chế rác người Trung Quốc thuê đất đã lặng lẽ bỏ đi sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa.
Còn việc nhập lậu rác thải Mỹ vẫn tiếp tục. Theo Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Yeo Bee Yin, nhiều chủ tàu chỉ cần thay đổi mã trên dữ liệu gửi hải quan để ngụy trang thành nhựa nguyên chất, loại không bị cấm, là có thể nhập được rác nhựa về nước.
Nhựa nước ngoài xuất hiện liên tục không khiến Pang Song Lim ngạc nhiên. Lim, 44 tuổi, là kỹ sư sống tại Sungai Petani, thị trấn nửa triệu dân ở bang Kedah, tây bắc Malaysia, nơi có khoảng 20 nhà máy tái chế nhựa trái phép. Mỗi ngày lúc hoàng hôn, Lim và gia đình lại chuẩn bị chống chọi mùi từ các nhà máy đốt rác. Mùi hôi thối lan đi khắp các hộ gia đình và trường học ở địa phương.
"Thường sau 8 giờ bắt đầu có mùi", Lim nói. "Nhựa bị đốt có axit làm tổn thương phổi. Tôi cố gắng bịt kín cửa sổ, chặn cửa ra vào bằng thảm".
"Nửa đêm là chúng tôi tỉnh giấc vì mùi khói rác", Christina Lai, một nhà hoạt động tại Sungai Petani nói. "Một ngày nào đó, vùng đất này sẽ bị rác che phủ và không còn bóng người".
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)