Lực lượng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự phong (DPR) hôm 17-2 khẳng định DPR sẵn sàng rút vũ khí hạng nặng khỏi điểm nóng giao tranh, nhưng chỉ sau khi quân đội Ukraine có động thái tương tự.
Những binh sĩ phe ly khai Donetsk thu thập một phần chiếc xe tăng bị phá hủy của quân đội Ukraine ở thị trấn Vuhlehirsk, Debaltseve 6 km về phía Tây. Ảnh: Reuters |
Chỉ huy phó Eduard Basurin của DPR phát biểu hôm 16-2: “Chúng tôi sẽ rút các đơn vị của mình đang đóng trong vùng giới tuyến liên lạc nhưng chỉ sau khi lực lượng vũ trang Ukraine đồng ý rút vũ khí của họ về. Việc rút vũ khí hạng nặng phải được thực hiện đồng thời với bên Ukraine. Nếu phía Ukraine không rút, DPR cũng sẽ không rút”. Ông Basurin cũng khẳng định DPR chưa hề nhận được bất cứ thông tin nào về việc Kiev sẵn sàng rút vũ khí.
Theo thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa 4 nhà lãnh đạo Ukraine, Pháp, Đức và Nga hôm 12-2, các bên tham chiếm phải rút vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến liên lạc trong vòng 2 tuần bắt đầu từ ngày 17-2. Tuy nhiên, những bế tắc trong việc rút vũ khí hạng nặng đang khiến thỏa ước hòa bình này trở nên hết sức mong manh. Hôm 16-2, người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko cho biết Ukraine chưa sẵn sàng rút vũ khí vì phe ly khai tiếp tục tấn công các vị trí của chính phủ.
Trong khi đó, chỉ huy Eduard Basurin của phe ly khai cũng khẳng định lực lượng Ukraine đã 27 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Đại diện toàn quyền của DPR tại các cuộc đàm phán ở Minsk, ông Denis Pushilin, cũng tuyên bố rằng DPR sẽ chỉ sẵn sàng cho một cuộc rút vũ khí song phương.
Trong ngày 16-2, phe ly khai cũng đã đề nghị thiết lập một hành lang an toàn để quân chính phủ rút khỏi Debaltseve nếu phía Ukraine đồng ý rút vũ khí hạng nặng, nhưng phát ngôn viên của Kiev - Vladislav Seleznyov - đã bác bỏ. "Đã có thỏa thuận Minsk và theo đó Debaltseve là của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không đi” – ông Seleznyov khẳng định.
Trong một diễn biễn phức tạp khác, ông Denis Pushilin và một nhà lãnh đạo khác của phe ly khai cho biết sẽ rút khỏi thỏa thuận hòa bình nếu Kiev có thêm bất kỳ động thái nào từ bỏ vị thế trung lập của mình và tìm cách gia nhập liên minh NATO.