Theo Sky News, chỉ vài giờ sau khi tướng Sibusiso Moyo thông báo trên truyền hình rằng quân đội Zimbabwe tiếp quản chính quyền, có tin đồn Tổng thống Robert Mugabe sẽ sớm đưa ra tuyên bố từ chức.
Tuy nhiên, Tổng thống 93 tuổi vẫn tuyên bố là người nắm quyền hợp pháp duy nhất của đất nước và ông không chấp nhận từ chức trước cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới.
Đây được coi là động thái câu giờ của ông Mugabe, có thể để tìm cách liên lạc với lực lượng trung thành và tìm cách phản công.
Đội quân tinh nhuệ trung thành tuyệt đối
Tổng thống Zimbabwe Mugabe nắm trong tay Lữ đoàn thiện chiến số 5. Hiện tại, không có thông tin về hoạt động của đội quân 3.500 người này, trong bối cảnh ông Mugabe bị quản thúc tại gia.
Lữ đoàn số 5 được thành lập vào năm 1981 sau khi ông Mugabe đạt thỏa thuận với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. Theo đó, Triều Tiên cử 106 sỹ quan giỏi nhất sang huấn luyện quân đội Zimbabwe.
Quá trình huấn luyện kéo dài đến năm 1982 thì được Thủ tướng Zimbabwe khi đó là Sekeramayi thông báo hoàn tất, theo lệnh ông Mugabe.
Lữ đoàn số 5 được cấp trang phục khác hẳn binh sĩ truyền thống và là đơn vị riêng, không liên quan đến quân đội. Đội quân này chỉ tuân lệnh ông Mugabe mà không tuân theo mọi nguyên tắc quân sự thông thường.
Ngoài quân phục, các thiết bị liên lạc, radio, mật hiểu của đội quân này đều được thiết lập riêng, không tương thích với lực lượng vũ trang Zimbabwe. Điểm đáng chú ý nhất của đội quân này là chiếc mũ nồi màu đỏ. Nhưng cũng có khi họ hoạt động khi đang mặc trên mình bộ quần áo thường dân.
Trong giai đoạn nội chiến Zimbabwe những năm 1980, Lữ đoàn số 5 được cho là đã đàn áp phong trào nổi dậy ở Matabeleland và nhiều khu vực khác. Ước tính 10.000 dân thường thiệt mạng và bị chôn lấp trong những nấm mộ tập thể. Trước sức ép mạnh mẽ từ người dân, ông Mugabe buộc phải giải tán đội quân này vào năm 1988.
Trải qua gần 20 năm, Lữ đoàn tinh nhuệ số 5 một lần nữa tái xuất vào năm 2006 và hiện vẫn đang duy trì hoạt động. Đây cũng được coi là lực lượng Cận vệ Tổng thống, có thể giải cứu ông Mugabe trong thời điểm khó khăn này.
Ông Mugabe vẫn có thể tập hợp lực lượng để tổ chức một cuộc phản công nhằm dập tắt cuộc binh biến và giành lại quyền lực. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá rằng đây là kịch bản rất khó xảy ra.
Ông Mugabe đang bị quản thúc tại gia nên khó có thể liên lạc được với lực lượng thân cận. Đài truyền hình, phát thanh đều đã bị quân đội kiểm soát. Doanh trại của lực lượng Cận vệ Tổng thống, bao gồm cả Lữ đoàn số 5 cũng có thể đã bị các binh sĩ quân đội bao vây khi xe tăng tiến vào thủ đô.
Khi tướng Constantino Chiwenga đưa ra lời cảnh báo về hậu quả của cuộc "thanh trừng" trong đảng Zanu-PF hồi tuần trước, khoảng 90 sĩ quan cấp cao quân đội thể hiện sự ủng hộ rõ ràng. Điều đó cho thấy không còn nhiều sĩ quan sẵn lòng bảo vệ Tổng thống Mugabe trong hoàn cảnh hiện nay.
Sống lưu vong
Trong trường hợp nội bộ đảng Zanu-PF cầm quyền và các tướng lĩnh quân đội không đạt được một thỏa thuận về một cuộc chuyển giao quyền lực, hoặc nỗ lực phản công của ông Mugabe thất bại, nhiều khả năng Tổng thống 93 tuổi sẽ phải sống lưu vong ở nước ngoài.
Theo giới quan sát, Nam Phi là nơi khả dĩ và an toàn nhất để ông Mugabe có thể sống lưu vong. Ông Mugabe rất được tôn trọng ở Nam Phi, phần lớn là nhờ sự ủng hộ của ông cho cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid trong quá khứ.
Đảng EFF đối lập ở Nam Phi từng kêu gọi chính phủ nước này "sẵn sàng chào đón Tổng thống Mugabe tị nạn chính trị". Gia tộc Mugabe cũng được cho là đang sở hữu nhiều bất động sản ở Nam Phi.
Một rắc rối nhỏ khiến ông Mugabe có thể phải cân nhắc trước khi đến Nam Phi là vì người vợ Grace. Đệ nhất phu nhân Zimbabwe hồi tháng 8 năm nay bị tố tấn công người mẫu Gabriella Engels trong một phòng khách sạn ở Johannesburg, nhưng sau đó được miễn truy cứu vì được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Cô Engles đang tìm cách vận động để tòa án Nam Phi tước bỏ quyền miễn trừ này của bà Grace. Ngoài ra, ông Mugabe và vợ vẫn có thể chuyển đến sống ở Singapore, Malaysia hay Hong Kong, nơi họ sở hữu nhiều bất động sản trị giá hàng triệu USD.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)