Các tuyên bố bộc phát chống lại lợi ích Mỹ từ Tổng thống Philippines đang khiến nhiều đồng minh của Washington cảm thấy lo âu.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP |
Hàng loạt đồng minh của Mỹ đang gặp khó khăn trong việc lý giải những phát ngôn cứng rắn mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra thời gian gần đây nhằm vào Washington. Câu hỏi được đặt ra là liệu động thái này chỉ xuất phát từ mong muốn thu hút sự chú ý của Tổng thống Duterte hay ông thực sự đang có ý định cắt mối liên hệ với đồng minh lâu năm Mỹ, theo Wall Street Journal.
Hồi đầu tuần trước, ông Duterte đe dọa gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là "đồ khốn" nếu bị chất vấn về số người chết không qua xét xử trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy ở Philippines.
Hôm 12/9, ông Duterte khiến không ít người bất ngờ khi nói rằng muốn toàn bộ lực lượng Mỹ đang hỗ trợ quân đội sở tại chống khủng bố ở tỉnh Mindanao phải rút về nước. Cùng ngày, ông tuyên bố Philippines sẽ không tuần tra chung với Mỹ hay quốc gia khác trên Biển Đông để tránh rắc rối với bên thứ ba.
Trung Quốc khó hiểu
Các bình luận từ Tổng thống Duterte khiến ngay cả Trung Quốc cũng cảm thấy khó hiểu và đề cao cảnh giác.
Giới quan sát đánh giá thái độ thay đổi trước Mỹ của ông Duterte là một "điềm may" đối với nỗ lực mà Trung Quốc theo đuổi bấy lâu nhằm xây dựng hình ảnh bản thân như một cường quốc dẫn đầu khu vực, đồng thời làm suy yếu những mối hợp tác quốc phòng đã giúp Washington củng cố ảnh hưởng ở châu Á suốt thời gian qua.
Mặt khác, những bình luận từ Tổng thống Philippines còn đem đến cho Bắc Kinh nhiều lợi thế hơn khi phát đi tiếng nói phản đối phán quyết của tòa trọng tài hồi tháng 7, bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Tuy vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn rất thận trọng. Họ cho rằng với tính cách bốc đồng, Tổng thống Duterte có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, ông sẽ phải đối mặt với nguy cơ đánh mất ủng hộ nếu thể hiện quá rõ ràng rằng mình đang nghiêng về phía Bắc Kinh.
"Với tính khí của Duterte, dù ông ấy có công kích ai đi chăng nữa vẫn sẽ rất khó để bên thứ ba lợi dụng", Global Times, tờ báo có liên kết vớiPeople's Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết. "Trong dài hạn, Trung Quốc có lẽ sẽ gặp khó khăn trong việc kiềm chế ông ấy".
Đồng minh hoang mang
Sự bất nhất trong giọng điệu của Tổng thống Philippines và những người đại diện cho ông cũng là một nhân tố gây bối rối. Các phát ngôn viên không ít lần bác bỏ những ý tứ trong câu chữ mà ông Duterte đưa ra.
Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, nhà lập pháp độc lập ở Philippines, hôm qua chỉ trích các quan chức phụ trách truyền thông của Tổng thống Duterte đang "phá hoại tín nhiệm của cả người đứng đầu đất nước lẫn hình ảnh quốc gia". Bất kể Tổng thống nói gì, điều đó đều phải được coi như một chính sách chính thống, dù nó gây tranh cãi đến đâu, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia nhận định nếu Ông Duterte thực sự muốn rút khỏi liên minh với đồng minh truyền thống, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Mỹ bồi đắp quan hệ với các nước châu Á nhằm đối trọng với sức ảnh hưởng đang lên từ Trung Quốc. Manila cũng sẽ phải trả một cái giá khá đắt với quyết định này bởi Philippines hiện là quốc gia có lực lượng vũ trang hoạt động kém hiệu quả nhất ở khu vực nhưng lại phải đương đầu với những mối căng thẳng ngày càng gia tăng liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
"Đây là một chiến lược liều lĩnh và nguy hiểm", khiến các đồng minh khu vực xa lánh và làm mất lòng một bộ phận công chúng Philippines vốn luôn mang thiện cảm với Mỹ, Ian Storey, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, trụ sở ở Singapore, bình luận.
Sau khi ông Duterte tuyên bố muốn các cố vấn quân sự Mỹ đang giúp Philippines chống các phần tử cực đoan Hồi giáo rời đi, đại diện quân đội Philippines, tướng Restituto Padilla, đã ra thông báo cho biết Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cần cân nhắc về quyết định này. Ông đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines vẫn "vững như bàn thạch".
Theo cây bút Trefor Moss từ WSJ, trong mắt ông Duterte, đồng minh Mỹ đến nay vẫn chưa thật sự hết lòng hỗ trợ Philippines. Ông từng đổ lỗi sự can thiệp của Mỹ là nguyên nhân làm bùng phát phong trào nổi dậy kéo dài suốt nhiều năm ở Philippines. Ông cũng lên án Mỹ vì không thể kìm hãm hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông và cung cấp cho quân đội Philippines những khí tài kém chất lượng.
Cựu đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia, người vừa thôi giữ chức vụ hồi tháng 6, cũng lên tiếng chỉ trích quyết định chấm dứt tuần tra chung của Tổng thống Philippines và khẳng định rằng ông Duterte đã sai lầm khi đánh giá thấp những lợi ích đồng minh Mỹ mang lại.
"Hãy nhìn vào những gì mà Mỹ cung cấp cho chúng ta 6 năm qua, chúng khá đáng kể và ông ấy nên trân trọng điều đó", ông Cuisia hôm qua nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng những phát ngôn gây tranh cãi của ông Duterte "không mang lại lợi ích" và chính phủ Mỹ vẫn đang chờ đợi để xem liệu chúng có được hiện thực hóa thành chính sách hay không.
Moss đánh giá trước sự thay đổi giọng điệu của người đứng đầu Philippines, Nhật Bản có thể sẽ giảm bớt nỗ lự xây dựng liên minh với các quốc gia Đông Nam Á và Australia nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Theo Gregory Poling, chuyên gia từ Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nỗ lực của Mỹ nhằm thực thi pháp quyền ở Biển Đông và tái khẳng định vai trò lãnh đạo ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị "suy yếu" nếu Philippines rút khỏi liên minh.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tỏ ra lúng túng trước quyết định hủy tuần tra chung từ phía Philippines.
"Tôi bất ngờ khi thấy Philippines từ chối đi qua vùng lãnh thổ mà phán quyết từ tòa trọng tài vừa xác nhận thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này", bà Bishop hôm qua nói.
Theo V.Hoàng (VnExpress.net)