Sau thời gian dài chờ đợi, đội điều tra quốc tế ngày 30/7 đã công bố báo cáo mới nhất về quá trình điều tra nguyên nhân vụ mất tích máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Nhóm điều tra tuyên bố không loại trừ khả năng nào và vẫn phải thừa nhận chưa có đủ bằng chứng để kết luận ai phải chịu trách nhiệm cho vụ mất tích.
Nhiều nghi vấn chưa có lời giải
Theo bản báo cáo, bằng chứng thu thập được cho tới hiện tại cho thấy máy bay ở chế độ điều khiển bằng tay thay vì chế độ lái tự động khi đi chệch khỏi đường bay ban đầu và hướng về phía Nam Ấn Độ Dương. Kết luận này có được dựa trên nhật ký radar của các cơ sở dân sự và quân sự.
Các điều tra viên cho rằng sự thay đổi đường bay khó có thể xuất phát từ trục trặc kỹ thuật. Khi sự cố xảy ra, máy bay ở trạng thái đảm bảo hoạt động. Nhật ký bảo dưỡng cũng cho thấy MH370 được trang bị và bảo dưỡng phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành của ngành hàng không.
"Sự chuyển hướng có vẻ xuất phát từ tác động của con người vào hệ thống thay vì lỗi kỹ thuật", bản báo cáo nhận định.
Đánh giá về phi công điều khiển chuyến bay, báo cáo cho biết cơ trưởng Zaharie và cơ phó có đầy đủ năng lực điều khiển, với chứng chỉ bay và xác nhận sức khỏe đạt chuẩn. Đội điều tra cũng xác định không có bằng chứng cho thấy những người này trải qua bất cứ thay đổi về quan hệ cá nhân hay gặp phải vấn đề tài chính nào.
"Đội điều tra không loại bỏ khả năng có sự can thiệp của bên thứ ba vào chuyến bay", bản báo cáo 400 trang nhận định. Tuy nhiên, các điều tra viên cũng cho biết chưa có bằng chứng cho thấy có ai khác đã chiếm quyền điều hành và điều khiển máy bay ngoài hai phi công của hãng Malaysia Airlines.
Tại buổi họp báo công bố kết quả điều tra, đội trưởng đội điều tra Kok Soo Chon, cựu tổng giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia, thừa nhận không thể đưa ra kết luận về nguyên nhân thực sự gây ra vụ mất tích máy bay MH370.
"Câu trả lời chỉ có thể được đưa ra khi tìm thấy xác máy bay", ông Kok cho biết.
Gia đình nạn nhân giận dữ
Gia quyến nạn nhân mất tích trên máy bay MH370 không giấu nổi sự giận dữ khi tham gia buổi thông tin về bản báo cáo dày 400 trang tại trụ sở bộ Giao thông Malaysia. Nhiều người la hét và làm náo loạn phòng họp báo khi biết không có chi tiết nào mới được công bố.
"Tôi rất thất vọng và hoang mang. Chẳng có gì mới trong bản báo cáo này", Intan Maizura Othman, người phụ nữ mất chồng trên chuyến bay MH370, nói với SCMP. Othman cho biết cuộc gặp gỡ giữa gia quyến các nạn nhân và nhà chức trách đã biến thành cuộc "khẩu chiến" đầy giận dữ.
G. Subramaniam, một người đàn ông mất đi con trai trên chuyến bay, cho biết phản hồi không thỏa đáng của nhà chức trách đã khiến rất nhiều người tức giận.
Từ Bắc Kinh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Bắc Kinh theo sát cuộc điều tra nguyên nhân mất tích của máy bay MH370. "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên có thể tiếp tục duy trì liên hệ và phối hợp chặt chẽ, để có thể có các hoạt động thích hợp theo sát vụ việc". Trung Quốc là quốc gia có nhiều công dân mất tích cùng máy bay MH370.
Tới thời điểm hiện tại, 27 mảnh vỡ đã được thu thập trên khắp Ấn Độ Dương nghi là thuộc về máy bay MH370. Trong số này, chỉ có 3 mảnh vỡ được xác định là một phần của chiếc máy bay mất tích.
Chính phủ mới nắm quyền tại Malaysia tuyên bố chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 sẽ chỉ được nối lại khi các bằng chứng mới được tìm thấy. Trong khi đó, nhóm điều tra quốc tế tuyên bố báo cáo được công bố hôm 30/7 chưa phải là báo cáo cuối cùng của tiến trình điều tra.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)