"Những người đẹp Triều Tiên đã đến đây rồi", một khán giả Hàn Quốc la lên.
Đám đông đã vỡ òa trong tiếng hô vang khi những người phụ nữ áo đỏ bước vào nhà thi đấu khúc côn cầu Kwandong ở thành phố Gangneung, Hàn Quốc. Đội cổ động Triều Tiên đã chứng tỏ họ mới là "ngôi sao" thật sự trong trận đấu giữa đội khúc côn cầu liên Triều với Thụy Điển. Đám đông đến xem trận đấu hướng hết sự chú ý vào những cô gái mới bước vào, họ rút điện thoại ra để mong chụp được một tấm ảnh của các cô gái Triều Tiên.
Những khán giả Hàn Quốc may mắn ngồi gần các cô gái đã nhanh chóng phát hiện ra họ không thể tiếp cận các cô. Những cô gái trẻ đáp lại những người Hàn tò mò bằng nụ cười mỉm. Cuối cùng, khán giả đành quay sang chụp hình "tự sướng" hoặc đứng gần các cô thay vì tiến đến tương tác.
Trong một kỳ thế vận hội đầy tính chính trị đã giúp cải thiện đáng kể quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc, đội cổ vũ viên hơn 200 cô gái xinh đẹp, theo nhận định của Guardian, lại biểu hiện cho khoảng cách về văn hóa đã nới rộng của 2 miền bán đảo Triều Tiên sau hơn nửa thế kỷ chia cắt.
Nhạc truyền thống Triều Tiên vs. Kpop
Đối với nhiều người Hàn Quốc, đó là đầu tiên họ được giáp mặt với những người cùng đồng bào đến từ đất nước, về danh nghĩa, vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với họ. Những cô gái trẻ trong đội cổ vũ do Triều Tiên gửi đến Hàn Quốc để tham dự Olympics mùa đông. Số cổ vũ viên gấp 10 lần số vận động viên của nước này tại kỳ Olympics.
New York Times cho biết trong trận đấu đầu tiên với Thụy Sĩ hôm 10/2, khi ban tổ chức mở ca khúc DNA của ban nhạc nước chủ nhà BTS, đội cổ động của Triều Tiên vẫn nhất quyết hát và nhảy theo bài hát của riêng họ, đều nhau tăm tắp và hoàn toàn tương phản với bài hát Kpop đang phát ra từ loa.
Trong các trận đấu của đội tuyển khúc côn cầu nữ Hàn Quốc - Triều Tiên, các cổ vũ viên Triều Tiên đứng thành nhiều nhóm rải rác trên khán đài nhà thi đấu. Mỗi động tác, tiếng hò reo cổ vũ, cách họ vẫy lá cờ thống nhất đều nhất nhất theo nhịp và đồng đều nhau.
Han Sun Woo, 25 tuổi, nói sau khi ngồi giữa 2 nhóm cổ vũ viên Triều Tiên: "Họ rất lỗi thời. Tôi không biết thập niên 1970 là như thế nào nhưng tôi tưởng tượng nó giống như họ. Tôi thấy tội cho họ".
Cảnh sát mặc thường phục len vào giữa mỗi khu có đội cổ động Triều Tiên, ngăn cản người hâm mộ và các nhà báo tiếp cận họ. Những người đàn ông Triều Tiên chịu trách nhiệm trông coi họ im lặng trong suốt trận đấu.
Như để khoét sâu thêm khác biệt văn hóa của 2 nước, các vũ công Hàn Quốc tại nhà thi đấu khúc côn cầu mặc áo thun ngắn màu trắng và những chiếc quần "nóng bỏng", tay cầm quả cầu bông thường thấy ở các đội cổ động phương Tây.
Guardian cho biết những người Hàn Quốc đã tỏ ra họ không biết đến sự có mặt của các cổ vũ viên Triều Tiên.
Người Hàn Quốc không mặn mà 'thống nhất'
Trước mỗi trận đấu, các cổ vũ viên đồng loạt lấy từ chiếc túi họ mang theo ra những chiếc mũ trắng đỏ giống hệt nhau. Vài phút sau đó, họ cùng cởi chiếc áo đỏ khoác bên ngoài và để lộ bộ đồ thể thao in cờ Triều Tiên.
Trong trận đấu với Thụy Điển, sau mỗi bàn thắng của đối phương, đội cổ vũ lại dẫn đầu đám đông hô vang: "Cố lên!". Họ hò reo to hơn khi những người đồng bào chiếm chút lợi thế trên sân, nhưng phần lớn thời gian những bài hát của họ, hát về hy vọng thống nhất hai miền, bị chìm vào tiếng nhạc phát ra từ hệ thống loa của nhà thi đấu.
Không phải người Hàn Quốc nào cũng thích thú với ý tưởng "thống nhất". Một nửa số người Hàn được khảo sát có cái nhìn tiêu cực về việc thành lập một đội tuyển khúc côn cầu chung cho hai nước, nhiều người cho rằng chính phủ Hàn Quốc đã hy sinh các vận động viên khúc côn cầu của nước mình vì mục đích chính trị. Một khảo sát khác vào tuần trước cũng cho thấy 60% người Hàn thích ý tưởng "cùng tồn tại hòa bình" hơn là thống nhất hai nước.
Trong khi đội khúc côn cầu nữ thi đấu dưới lá cờ thống nhất, nhiều cổ động viên đã đến nhà thi đấu để vẫy cờ Hàn Quốc.
Trong một khoảnh khắc ngượng nghịu khác, sau khi nhà thi đấu sạch người và đội tuyển liên Triều thua đậm, các cổ vũ viên vẫn hát cạnh một sân băng đã gần như trống trơn.
Còn lúc một cặp đôi người nước ngoài cầu hôn ngay sân vận động, khi những chiếc máy quay chĩa về phía người đàn ông đàn quỳ xuống còn khán giả vỡ òa lên hò reo trước khung cảnh lãng mạn, các cô gái Triều Tiên ngồi im lặng, khuôn mặt không có biểu cảm gì. Ca khúc LOVE của Nat King Cole vang lên trên loa.
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)