Trong khuôn khổ Diễn đàn Internet ở Seattle, bang Washington, Chủ tịch Tập Cận Bình phải nghe những lời phàn nàn gay gắt về các chính sách của Trung Quốc với doanh nghiệp Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook. Ảnh: Getty |
Phát biểu với lãnh đạo các tập đoàn danh tiếng của Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc chủ trương hợp tác để phát triển Internet phù hợp với “thực tế quốc gia” của nước này. Ông Tập cũng cho rằng không gian mạng “an toàn, ổn định và thịnh vượng” là mục tiêu của nhiều quốc gia, New York Times đưa tin.
Tuy nhiên, trước đó, ông Tập và các phụ tá đã phải nghe những lời phàn nàn gay gắt về quy định và các chính sách phân biệt đối xử của chính phủ Trung Quốc đối với doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Những lời than phiền được đưa ra trong cuộc thảo luận bàn tròn có sự tham gia của Warren Buffett (CEO tập đoàn Berkshire Hathaway), Jeffrey P. Bezos (lãnh đạo Amazon) và Tim Cook (CEO Apple) và nhiều quan chức Mỹ - Trung. Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker dẫn lời các doanh nghiệp Mỹ phàn nàn về vấn nạn tin tặc hay các quy định chuyển giao công nghệ bắt buộc và phân biệt đối xử bất công với các công ty Mỹ ở thị trường Trung Quốc tới Chủ tịch Tập.
Bà Pritzker khẳng định: “Những vấn đề này chắc chắn tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp Mỹ và tạo ra một sân chơi không công bằng đối với các công ty nước ngoài. Chúng cũng làm tổn thương các doanh nghiệp Trung Quốc và gây thêm khó khăn cho chúng ta trong nỗ lực mở khóa các cơ hội hợp tác thương mại đôi bên cùng có lợi.
Dean C. Garfield, Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin Mỹ, khẳng định việc Mỹ đầu tư đáng kể ở Trung Quốc không che khuất thực tế rằng doanh nghiệp nước này gặp rất nhiều thách thức ở thị trường đông dân nhất thế giới, nơi tuyên bố và tầm nhìn chưa đáp ứng được thực tế. Trong vai trò đại diện cho một ngành công nghiệp, Garfield có thể đưa ra tiếng nói chỉ trích gay gắt hơn lãnh đạo các công ty riêng lẻ.
Giống bà Pritzker, ông Garfield khẳng định dự thảo mới của Trung Quốc buộc các công ty công nghệ cao của Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ về cả phần cứng và phần mềm vì lý do an ninh quốc gia sẽ không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nước ngoài và cả doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc.
Theo kế hoạch, Diễn đàn Công nghiệp Internet thường niên dự kiến diễn ra vào tháng 8 vừa qua nhưng ngành công nghệ cao Mỹ từ chối tham dự trong sự tức giận. Họ muốn nó diễn ra trùng chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Diễn đàn năm nay được coi là nơi hàn gắn mối quan hệ giữa Trung Quốc và doanh nghiệp Mỹ.
Gần như mọi công ty tham gia diễn dàn đều từ chối thảo luận công khai. Thay vào đó, các cuộc bàn thảo diễn ra phía sau những cánh cửa đóng kín. Trên thực tế, các công ty công nghệ Mỹ cũng đạt được thành công khác nhau trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Facebook và Google, hai gã khổng lồ Internet, đều bị chặn bởi tường lửa của Trung Quốc. Chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt mà Bắc Kinh sử dụng khiến 1,3 tỷ dân Trung Quốc khó tiếp cận được Facebook và Google.
Tuy nhiên, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã gây chú ý lớn khi tham dự và bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại diễn đàn. Dường như tỷ phú trẻ mong muốn vượt qua được những trở ngại từ chính phủ Trung Quốc để tiếp cận thị trường vô cùng tiềm năng này. Thông điệp tiếng Trung của Mark tới Chủ tịch Tập Cận Bình dài khoảng 30 giây.
Trên tài khoản Facebook cá nhân, Mark viết: “Hôm nay, tôi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Công nghiệp Internet Mỹ - Trung lần thứ 8. Xin lưu ý đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với một nhà lãnh đạo quốc tế bằng ngôn ngữ của chính họ. Với tôi, điều này rất có ý nghĩa. Thật vinh dự khi được gặp Chủ tịch Tập và các nhà lãnh đạo khác”.
Khác với Facebook và Google, nhiều tập đoàn lớn khác của Mỹ lại khá thành công ở Trung Quốc như Apple và Microsoft. Trong quá khứ, phần mềm của Microsoft phổ biến trên các máy tính của Trung Quốc nhưng phần lớn là vi phạm bản quyền, khiến doanh thu bị bóp nghẹt. Tuy nhiên, trong diễn đàn lần này, Microsoft đã ký được thỏa thuận mua bán phần mềm với gã khổng lồ Baidu và chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.