Hơn 2 năm bị bắt và thoát tội giết người của Đoàn Thị Hương
Đoàn Thị Hương từng mơ ước trở thành người nổi tiếng, nhưng có lẽ chưa bao giờ nghĩ cô sẽ có một trang riêng trên Wikipedia như hiện tại.
"... một trong hai nghi phạm nữ trong vụ ám sát Kim Jong Nam tại Malaysia ngày 13/2/2017" - đó là lời giới thiệu về Hương ở ngay đoạn đầu của trang Wikipedia. Những gì diễn ra sau ngày hôm đó với Hương, báo chí quốc tế đã đưa tin cặn kẽ trong hơn hai năm qua.
Hôm nay (3/5), Hương được trả tự do và rời khỏi nhà tù Kajang ở bang Selangor, Malaysia, khép lại quá trình tố tụng kéo dài, bất chấp những chỉ trích rằng hung thủ thực sự trong vụ án mạng vẫn còn nhởn nhơ.
Cái giá của sự ngây thơ
Hương, sinh năm 1988, là con gái út trong một gia đình nghèo khó ở vùng nông thôn Nam Định. Học xong cấp ba, cô rời gia đình và gần như rất ít về thăm nhà.
Theo New York Times, nếu không có vụ án mạng, câu chuyện về Hương dường như cũng tương tự câu chuyện của những cô gái khác lớn lên với giấc mơ đổi đời ở các vùng quê nghèo tại Đông Nam Á, nơi có hơn 18 triệu người ra nước ngoài làm việc (số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2013).
Cơ quan điều tra Malaysia ghi trong hồ sơ Hương là "nhân viên cơ sở giải trí". Trên trang Facebook được cho là của cô, tài khoản có tên "Ruby Ruby", người ta có thể thấy cô đi lại nhiều, thường xuyên ở Campuchia và Malaysia trong những tuần trước vụ án mạng.
Những bài đăng của Hương từ Malaysia, với những tấm hình và video cô cười chu môi, khó lòng cho thấy hình ảnh của một sát thủ máu lạnh. Ảnh chụp món kem, cánh gà rán và một con gấu bông trên giường ở một khách sạn.
Hương cũng có giấc mơ của riêng mình. Không lâu sau vụ việc chấn động tại sân bay Kuala Lumpur, cư dân mạng từng chia sẻ một đoạn video ghi hình một cô gái trông giống Hương tham gia vòng tuyển chọn của cuộc thi Vietnam Idol 2016. Báo The Star của Malaysia cho biết cảnh sát đã dùng công nghệ nhận diện và nhận định ngoại hình cô gái đó trùng khớp với Hương.
Thế nhưng, Hương chắc hẳn chưa từng muốn cô sẽ nổi tiếng theo cách mà mọi chuyện đã diễn ra: khách sạn bị thay bằng phòng giam, cánh gà rán trở thành cơm tù và những tấm ảnh selfie nhường chỗ cho những bức hình mà cánh phóng viên chụp lại mỗi lần cô được áp giải tới tòa án với đôi tay bị còng.
Trong khẩu cung của Hương tại cơ quan điều tra Malaysia, cô nói cô bị lợi dụng để giết người vì giấc mơ trở thành ngôi sao, theo Asahi Shimbun. Sự việc bắt đầu từ cuộc gặp của cô với một người có biệt danh là "Mr. Y" tại Hà Nội. Người này tự xưng là nhà quay phim cho một chương trình hài đến từ Hàn Quốc, nói với Hương rằng anh ta sẽ giúp cô nổi tiếng.
Hương nói rằng Mr. Y đã tỏ ra chiều chuộng cô ngay từ cuộc gặp đầu tiên của họ. Anh ta đã tặng cô một chiếc áo khoác hồng, đưa cô đến một quán karaoke và một nhà hàng Hàn Quốc tại Hà Nội. Anh ta cũng tặng cô 45 USD làm quà Giáng Sinh.
Đổi lại, Hương phải thực hiện những video mà cô được bảo là sẽ xuất hiện trong một chương trình truyền hình thực tế của "công ty". "Công ty" cũng sẽ thuê thêm "diễn viên mới" để video đạt hiệu quả cao hơn và đăng chúng lên YouTube.
"Diễn viên mới" đó chính là người được cho là ông Kim Jong Nam. Và cảnh quay Hương góp mặt chưa bao giờ xuất hiện trên YouTube, thay vào đó lại nằm trong camera giám sát của sân bay và trở thành bằng chứng chống lại cô trước tòa.
Chắc chắn Mr. Y, người mà cơ quan điều tra Malaysia sau này xác định là đặc vụ Triều Tiên, đã quá "chuyên nghiệp", còn Hương lại quá ngây thơ nên bị biến thành "con dê tế thần", theo lời các luật sư của cô. Và cái giá phải trả cho sự ngây thơ đó là 2 năm 2 tháng 19 ngày trong nhà tù ở Malaysia.
Kẻ thủ ác thì sao?
Bản án dành cho Hương được xem là cái kết đẹp và có phần "may mắn", như cách nói của thẩm phán Azmi Ariffin tại Tòa Thượng thẩm Shah Alam, nơi đã diễn ra phần lớn trong số 23 phiên tòa xét xử Hương và bị cáo Indonesia Siti Aisyah. Song công lý trong vụ việc có lẽ sẽ không bao giờ được thực thi đầy đủ khi những kẻ thủ ác thực sự chưa bao giờ bị đưa ra xét xử.
Một ngày trước khi Hương được thả tại Malaysia, hãng Al Jazeera có trụ sở tại Qatar công bố đoạn video ghi lại cảnh Ri Yong Chol, một trong những nghi can Triều Tiên, hát karaoke tại Trung Quốc vài tháng sau vụ án mạng. Ri được cho là người đã điều chế chất độc thần kinh VX được dùng để ám sát người được cho là Kim Jong Nam.
Ri bị bắt giam sau vụ việc nhưng nhanh chóng được thả theo thỏa thuận giữa Malaysia và Triều Tiên để khép lại cuộc khủng hoảng ngoại giao khi đó. Chính phủ Malaysia nói không có đủ bằng chứng để truy tố Ri.
Một "cơ hội vàng" đã bị bỏ qua.
Cảnh sát Malaysia cho biết 5 người đàn ông có mặt tại sân bay Kuala Lumpur để theo dõi vụ ám sát. Bốn người trong số họ quan sát các cô gái tiến hành "trò chơi khăm". Người thứ năm làm nhiệm vụ quan sát phòng y tế sân bay nơi nạn nhân tìm đến.
Các điều tra viên phát hiện chiếc xe mà nghi can Ri mua đã đưa những người này rời khỏi sân bay. Khi họ bắt Ri tại nhà, anh ta đang lái một chiếc xe khác mang biển số ngoại giao Triều Tiên mà anh ta đã sử dụng từ năm 2015.
Dù nghi ngờ Ri điều chế chất VX tại nhà, cảnh sát chỉ lục soát căn hộ của anh ta một lần, thẩm vấn anh ta cũng chỉ một lần và không tiến hành kiểm tra đồ dùng cá nhân của Ri để phát hiện dấu vết VX.
Theo các luật sư, cảnh sát đã không khách quan cũng như không đủ trình độ. Họ cáo buộc cơ quan điều tra chỉ chăm chăm tìm cách buộc tội hai cô gái thay vì điều tra Ri và đồng bọn của anh ta.
Hai tuần sau khi bắt Ri, cảnh sát Malaysia đã thả anh ta đến Trung Quốc. Ri đến Bắc Kinh vào ngày 4/3/2017, mang theo mọi cơ hội để giúp tìm ra ai mới là kẻ chủ mưu và thực hiện vụ ám sát.
"Đã có một cơ hội vàng để bắt họ phải chịu trách nhiệm", giáo sư Hoo Chiew Ping tại Đại học Quốc gia Malaysia nói với Al Jazeera. "Chúng ta đã hoàn toàn mất nó".
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)