Trước đó, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã tìm kiếm, bàn giao cho gia đình và cơ quan chức năng của Myanmar tổng cộng 5 thi thể, trong đó có một cặp vợ chồng, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Công tác tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục nhằm tăng khả năng cứu hộ các nạn nhân còn mắc kẹt sau trận động đất.
Cụ thể, ngày 1/4, lực lượng cứu hộ cứu nạn tổ chức 2 đội tìm kiếm cứu nạn tại hai khu vực thuộc thành phố Naypyidaw. Trong quá trình tiến hành công tác cứu hộ tại hai tòa nhà bị sập ở khu vực Bala Tidi, quận Zabu Thiri, đoàn đã đưa được thi thể của 4 nạn nhân ra ngoài, trong đó có một cặp vợ chồng. Theo đề nghị của phía bạn, trưa cùng ngày, đoàn đã triển khai lực lượng công binh, quân y và chó nghiệp vụ đến hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân tại Bệnh viện Ottara Thiri ở thủ đô Naypyidaw và đưa được 1 thi thể nạn nhân ra ngoài, đồng thời xác định thêm các vị trí nghi ngờ có nạn nhân mắc kẹt.
Trong khi đó, một bộ phận của lực lượng quân y tiến hành dựng hai lều bạt, để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và thăm khám sức khỏe cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất ở thủ đô Naypyidaw trong những ngày tới.
Cũng vào ngày 1/4, tại Bệnh viện Oattara Thiri, thủ đô Naypyidaw, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Việt Nam được cung cấp thông tin hiện một khu vực nghi có khoảng 40 nạn nhân bị chôn vùi.
Theo kế hoạch hôm nay, các lực lượng sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm cứu nạn dưới sự phối hợp của lực lượng công binh, quân y và chó nghiệp vụ.
Chỉ đạo tại hiện trường tìm kiếm, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), cho biết công tác cứu hộ diễn ra với tinh thần cao nhất, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn bởi khi sử dụng các thiết bị banh tách, khoan cắt bê tông, công trình dễ bị đổ sụp, gây nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ.
Hiện trường một khu nhà đổ nát sau trận động đất ngày 28/3 tại Myanmar. Nguồn: Báo Biên Phòng |
Trong khi đó, tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 1/4, bà Julia Rees, đại diện Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Myanmar, cho biết nhu cầu cứu trợ đang tăng cao từng giờ.
Nhiều gia đình đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, thực phẩm và vật tư y tế. Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý sau thảm họa, một số em bị ly tán khỏi gia đình.
Hiện Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết các đội tìm kiếm và cứu nạn địa phương được hỗ trợ bởi các đơn vị cứu nạn quốc tế đã "tăng cường nỗ lực", đặc biệt là ở miền Trung Myanmar, nơi ghi nhận các đợt dư chấn sau động đất.
Theo một quan chức Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), mức độ tàn phá mà Myanmar phải gánh chịu là "chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua ở châu Á".
Bà Marie Manrique - điều phối viên chương trình Myanmar của IFRC - cho biết hiện chỉ còn "cơ hội nhỏ" để tiếp cận những người bị mắc kẹt.
QT (SHTT)