Mỹ sẽ bị coi là chịu nhún trước Triều Tiên nếu ngừng bay B-1B, nhưng phải hứng nguy cơ lớn khi tiếp tục hoạt động răn đe này.
Oanh tạc cơ B-1B và phi đội hộ tống Mỹ bay gần không phận Triều Tiên. Ảnh: USAF. |
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho hôm qua tuyên bố nước này có quyền bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ "ngay cả khi chúng không bay vào không phận", sau khi tố Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "đưa ra lời tuyên chiến". Đây là một trong những lời đe dọa nghiêm trọng nhất mà Triều Tiên đưa ra tới nay, khiến nhiều chuyên gia rất lo lắng, theo Vox.
"Đây là cách khởi phát của những cuộc xung đột do tính toán sai lầm", Vipin Narang, giáo sư nghiên cứu về vũ khí hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, bình luận trên Twitter về lời đe dọa của ông Ri. "Mức độ lo lắng của tôi đã tăng đáng kể vào hôm nay".
Giáo sư Narang rõ ràng có lý do để lo lắng, bởi oanh tạc cơ Mỹ thường xuyên bay trên bầu trời bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố của Ngoại trưởng Ri dường như là lời đáp trả trực tiếp đến chuyến bay của phi đội oanh tạc cơ B-1B Mỹ trên không phận quốc tế dọc bờ biển Triều Tiên hôm thứ bảy tuần trước. Đây là chuyến bay xa nhất về phía bắc khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc mà không quân Mỹ thực hiện trong thế kỷ 21, theo Lầu Năm Góc.
Mục đích của Mỹ khi thực hiện những chuyến bay này là để răn đe Triều Tiên và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, chứ không phải khơi mào xung đột. Chúng được tiến hành để cho Bình Nhưỡng thấy rằng Washington sẵn sàng sử dụng vũ lực với bất cứ hành động khiêu khích nào, từ đó răn đe Triều Tiên có những hành động liều lĩnh.
Tuy nhiên cuộc khẩu chiến gần đây giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như càng khiến Bình Nhưỡng kích động hơn. Lời đe dọa của Ngoại trưởng Ri cho thấy Triều Tiên giờ đây có thể sẽ không dung thứ cho hành động răn đe kiểu này của Mỹ và có thể coi các chuyến bay tuần tra của oanh tạc cơ Mỹ như hành động chiến tranh, dù chúng không tiến vào không phận Triều Tiên.
Việc giao chiến thực sự giữa hai cường quốc hạt nhân Triều Tiên và Mỹ sẽ ít có khả năng xảy ra trong tương lai gần, nhưng các chuyên gia đều thừa nhận rằng nguy cơ nổ ra xung đột hiện nay lớn hơn trước rất nhiều.
"Tôi coi tuyên bố của ông Ri là lời đe dọa nghiêm túc. Đó là thứ chúng ta đang phải đối mặt", Jenny Town, chuyên gia tại Viện Mỹ - Hàn John Hopkins, cho biết. "Tôi không rõ chúng ta sẽ rút lui khỏi tình thế này như thế nào nếu không có những nỗ lực ngoại giao thực sự".
Nghịch lý của vũ khí hạt nhân
Các chuyên gia cho rằng thế đối đầu căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên là hệ quả của thứ gọi là "nghịch lý ổn định – bất ổn". Theo lý thuyết này, vũ khí hạt nhân có thể răn đe chiến tranh, như những gì đã xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ và Liên Xô đã nỗ lực để tránh bất cứ cuộc xung đột trực tiếp nào vì không ai tin rằng họ có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nói cách khác, vũ khí hạt nhân giúp tăng cường sự ổn định.
|
Tên lửa phòng không KN-06 trong một lễ duyệt binh của Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Tuy nhiên vị thế "bất khả xâm phạm" mà vũ khí hạt nhân đem lại có thể cổ vũ cho những hành vi khiêu khích ở cấp độ nhỏ. Năm 2010, tàu ngầm Triều Tiên phóng ngư lôi đánh đắm một tàu chiến Hàn Quốc, nhưng mọi thứ không leo thang thành chiến tranh. Triều Tiên dường như tính toán rằng Hàn Quốc sẽ không dám tấn công một quốc gia có bom hạt nhân chỉ vì một chiếc tàu khu trục, nên một cuộc chiến tổng lực sẽ không nổ ra. Thực tế cho thấy họ đã đúng và nó minh chứng rằng vũ khí hạt nhân cũng có thể gây ra bất ổn.
Nghịch lý này có thể là lý do Triều Tiên cho rằng họ có thể "bình an vô sự" khi tung ra những lời đe dọa, thậm chí là phóng tên lửa bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ hoạt động gần vùng trời của họ.
Jeffrey Lewis, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, so sánh nghịch lý này với dây an toàn trên xe hơi. "Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi nhà sản xuất bắt đầu lắp dây an toàn lên xe hơi, các tài xế lái xe ẩu hơn", Lewis nói. "Vũ khí hạt nhân, với một số lãnh đạo quốc gia, cũng có tác dụng tương tự".
Triều Tiên chưa bắn vào bất cứ máy bay Mỹ nào kể từ khi sở hữu vũ khí hạt nhân vào năm 2006, dù không quân Mỹ đã tiến hành nhiều chuyến bay răn đe gần biên giới nước này. Theo các chuyên gia, lý do khiến Triều Tiên trở nên cứng rắn hơn trong những ngày gần đây chính là những lời đe dọa của Trump, chẳng hạn như tuyên bố "Triều Tiên sẽ không trụ được lâu" mà ông đưa ra trên Twitter hôm chủ nhật. Bình Nhưỡng có thể lo ngại rằng những chuyến bay tuần tra của oanh tạc cơ B-1B như vậy sẽ là tiền đề cho các đòn đánh phủ đầu của Mỹ.
"Triều Tiên thực sự ghét những chuyến bay của B-1B", Narang viết. "Chúng rõ ràng khiến Bình Nhưỡng cảm thấy bất an về một cuộc tấn công bất ngờ".
Các chuyên gia cho rằng trước lời đe dọa của Bình Nhưỡng, chính quyền Trump có hai lựa chọn: chịu nhún trước sức ép và ngừng hoạt động bay tuần tra gần không phận Triều Tiên hoặc tiếp tục để B-1B cất cánh và chấp nhận nguy cơ bị bắn. Nếu Mỹ chọn phương án thứ hai và một oanh tạc cơ Mỹ thực sự bị hỏa lực phòng không của Triều Tiên bắn, mọi thứ sau đó sẽ rất khó lường.
|
Khẩu chiến Mỹ - Triều gia tăng sau các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA. |
Lewis gọi kịch bản này là "cơn ác mộng đã được cảnh báo trước", trong đó một cuộc chiến không ai muốn lại đang trở nên hiện hữu. Mira Rapp-Hooper, học giả về Triều Tiên tại Trường Luật Đại học Yale, nhất trí với nhận định này, cho rằng những chuyến bay của B-1B có thể đẩy Mỹ vào tình thế không thể lường trước với Triều Tiên.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chiến tranh Mỹ - Triều sẽ nổ ra trong ngày một ngày hai, hay cuộc chiến giữa hai nước là không thể tránh khỏi. Nhưng nó cho thấy lời đe dọa bắn hạ máy bay Mỹ của Triều Tiên có thể là sự thay đổi về lượng trong bản chất quan hệ Mỹ - Triều, đẩy hai nước từ một cuộc khẩu chiến sang kịch bản gần với chiến tranh thực sự hơn.
Theo Trí Dũng (VnExpress.net)