Chỉ trong vòng 10 tuần, từ ngày 22/2 - 3/5/1946 tại Texarkana (Texas, Mỹ) đã có 4 cặp đôi tình nhân đang vui vẻ hẹn hò thì bị tấn công. 5 người trong số họ bị giết còn 3 người bị thương nặng. Giới điều tra phát hiện dấu vân tay của hung thủ, truy hỏi đến 400 đối tượng tình nghi, nhưng không thu được bất cứ kết quả nào về danh tính kẻ giết người.
Truyền thông Hoa Kỳ đặt biệt danh cho kẻ này là Bóng ma Sát nhân (Phantom Killer). Các văn gia, đạo diễn thì gọi hắn bằng cái tên ma mị hơn: Đồ tể Ánh trăng Texarkana (Texarkana Moonlight Murders).
4 án mạng kép liên tiếp
Texarkana là thành phố thuộc quận Bowie, có diện tích 76,33km2 và dân số rơi vào khoảng 36.000 người. Từ thập niên 1850, Texarkana đã có hệ thống đường sắt hiện đại, tỏa rộng. Nửa đầu thế kỷ XX, nó nổi tiếng là thành phố giàu có, lãng mạn và an toàn. Thế nhưng vào mùa xuân năm 1946, mọi thứ đã chấm dứt.
Khoảng 11:45 tối ngày 22/2/1946, cặp tình nhân trẻ Jimmy Hollis (25 tuổi) và Mary Jeanne Larey (19 tuổi) đang trò chuyện trong xe ở đoạn đường dành riêng cho các đôi yêu nhau, thì bất ngờ bị làm phiền. Kẻ phá rối họ trùm túi vải trắng, chỉ hở 2 con mắt. Hắn soi đèn pin vào mặt Hollis, chĩa súng ngắn và đe dọa: "Tao không muốn giết mày, vì thế hãy ngoan ngoãn và làm theo những gì tao nói."
Hollis và Mary vô cùng kinh hãi. Họ răm rắp nghe theo lời kẻ này, bước ra khỏi xe. Mặc dù Hollis thực hiện mọi yêu cầu của kẻ lạ, hắn vẫn đánh ngất anh bằng báng súng, đập vào đầu và gây vỡ xương hộp sọ.
Mary sợ đến nỗi không dám ngẩng mặt lên. Cô run lập cập mở ví, cho kẻ lạ thấy mình không hề có tiền, vì nghĩ hắn muốn cướp của. Tên này cười khẩy, bảo cô chạy đi. Mary nhắm mắt làm theo. Phát hiện có chiếc ô tô cũ, trống đậu trên đường, cô chui vào trốn. Nào ngờ kẻ lạ mặt lại nhào vào, hỏi vặn cô tại sao lại phải bỏ chạy. Sau khi hành hạ thần kinh Mary chán chê, hắn tấn công tình dục cô bằng nòng súng.
Ngày 24/3 cùng năm, cũng trên một con đường dành riêng cho các cặp tình nhân ở Texarkana, cư dân địa phương phát hiện Richard L. Griffin (29 tuổi) và Polly Ann Moore (17 tuổi), cặp đôi mới hẹn hò được 6 tuần chết trong xe hơi. Cả 2 đều tử vong vì bị đạn bắn vào đầu ở bên ngoài xe, sau đó lôi thi thể đặt vào trong.
Ngày 13/4, Texarkana có thêm cặp đôi Paul Martin (17 tuổi) và Betty Jo Booker (15 tuổi) bị giết. Martin bị bắn 4 phát đạn vào người, nằm chết trên lề đường. Betty bị bắn 2 phát đạn, nằm chết sau một gốc cây cổ thụ.
Ngày 3/5, Virgil Starks (37 tuổi) bị sát hại ngay tại nhà, trong lúc đang nghỉ ngơi nghe radio sau bữa tối. Vợ Starks, Katie (36 tuổi), nghe tiếng cửa kính vỡ liền từ phòng ngủ chạy ra. Thấy chồng nằm gục trên vũng máu, chị lao tới chỗ để điện thoại, bấm số gọi cảnh sát.
Kẻ đột nhập và giết người đã nhắm thẳng vào mặt Katie, nã 2 phát súng. Một viên đạn xuyên qua má phải của Katie, làm gãy xương quai hàm và rụng vài chiếc răng.
FBI vào cuộc, thất bại xác định kẻ tình nghi
Trong 8 người Texarkana bị tấn công, cặp đôi đầu tiên may mắn sống sót. Sau khi bị kẻ lạ mặt xâm phạm, Mary chớp được cơ hội trốn chạy. Cô lê thân mình bầm dập tả tơi, chạy bộ gần một cây số đến nhà dân đầu tiên, đập cửa kêu cứu.
Hollis thì tự tỉnh dậy, chặn một người qua đường nhờ cậy. Người này bảo anh hãy ở yên, đánh xe vội tới ngôi nhà gần nhất gọi cảnh sát. Hollis được nhập viện ngay sau đó, phải mất nhiều ngày chữa trị mới phục hồi.
Trước các nhân viên điều tra, Mary khai báo kẻ tấn công hình như là người gốc Phi. Hollis thì khẳng định, hắn là đàn ông da trắng, khoảng 30 tuổi, cao cỡ 180cm.
4 nạn nhân của 2 vụ tấn công kế tiếp thiệt mạng. Đạn và vỏ đạn tại hiện trường đều là của súng lục Colt.
Trong 2 nạn nhân cuối cùng, Starks tử vong còn Katie cố trốn được ra khỏi nhà. Cô bất chấp đau đớn, sấp ngửa băng qua đường, lao vào nhà chị gái và anh rể kêu cứu. Cả 2 người này đều vắng nhà, làm Katie phải hối hả chạy sang căn hộ đối diện. Kẻ tấn công bắn một phát chỉ thiên. Hàng xóm của Katie nghe được, lập tức nhào ra đường. Họ xúm tụm đỡ chị lên xe, đi bệnh viện và gọi cảnh sát.
Trước 4 vụ tấn công, giết người liên tiếp, FBI phải phái 2 đặc vụ đến Texarkana, kết hợp với cảnh sát thành phố điều tra. Họ lật lại vụ tấn công Hollis và Mary, nhưng không xác định được nghi phạm nào. Lời khai đối nghịch giữa cả 2 (về màu da kẻ tấn công) khiến họ nghi ngờ, 1 trong 2 người là kẻ bao che.
Với vụ Griffin và Polly, các thanh tra mời và thẩm vấn 200 người, sau đó thả ra hết. Với vụ Martin và Betty, họ tình nghi khá nhiều người, nhưng không xác định ai là nghi phạm. Ở vụ Starks cũng vậy. Tính đến hết năm, số người bị tra hỏi và được thả ra vì "không liên quan" lên tới 400.
Chưa đóng án, nhưng cũng không phát hiện gì khả quan
Suốt từ tháng 5/1946 đến nay, Texarkana không ngừng điều tra và xác minh Bóng ma Sát nhân. Vào năm 1948 tại bang Arkansas, cảnh sát Mỹ phát hiện Henry Booker "Doodie" Tennison, sinh viên 18 tuổi chết trong phòng vì tự sát. Anh ta để lại di chúc, thừa nhận mình là Đồ tể Ánh trăng Texarkana.
Tuy nhiên, dấu vân tay của Tennison không khớp với dấu vết hung thủ để lại ở các hiện trường. Mặc dù 2 năm trước, cậu ta có làm thêm ở Texarkana, nhưng theo nhận xét của những người quen biết thì chỉ là "thiếu niên nhút nhát, yếu đuối".
Cùng năm, một tài xế Mỹ gốc Phi báo cáo bị một kẻ đi đường dí súng vào đầu, đòi phải chở đi đến nơi yêu cầu, nếu không sẽ "lấy mạng như 5 người ở Texarkana". Cảnh sát Mỹ lần theo, cuối cùng phát hiện kẻ quá giang bạo lực này chỉ là một tù nhân chiến tranh Đức đào thoát.
Sau vài năm thấp thỏm trong nỗi lo sợ, Texarkana dần dần bình ổn trở lại. Bóng ma Sát nhân thôi khuấy đảo tâm cam mọi người, trở thành cảm hứng sáng tác cho các văn gia trinh thám. Hàng loạt các tiểu thuyết tội phạm chào đời, một số lọt vào top "sách bán chạy nhất".
Theo VŨ HUẾ (Pháp luật & Bạn đọc)