Trước đó, ngày 24/3, Công tố viên đặc biệt Mueller đưa ra báo cáo kết luận rằng: không có bằng chứng cho thấy sự cấu kết giữa đội phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump với phía Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Bộ trưởng Tư Pháp William Barr đã nhận bản báo cáo này và sau đó gửi thông báo tới các ủy ban tư pháp của Quốc hội bằng một bản tóm tắt dài 4 trang.
Dưới đây là những thực tế về báo cáo của Công tố viên Mueller mà nhà phân tích John G. Malcolm, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Hiến pháp thuộc tổ chức Di sản, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Meese về nghiên cứu Tư pháp và Pháp lý đưa ra.
Thứ nhất, không ai trong Bộ tư Pháp can thiệp vào cuộc điều tra của Công tố viên Mueller. Trong khi các cuộc điều tra diễn ra, một số người đã bày tỏ lo ngại rằng, Tổng thống Trump có thể yêu cầu Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Rod Rosentein chấm dứt cuộc điều tra, hoặc Quyền Bộ trưởng Tư pháp khi đó Matthew Whitaker hoặc Bộ trưởng Barr làm điều đó. Nhưng cuối cùng các kịch bản này đã không xảy ra.
Thứ hai, Công tố viên đặc biệt đã tiến hành một cuộc điều tra cặn kẽ. Đây không phải là điều bất ngờ với bất cứ ai biết Mueller hoặc đã từng nghe về danh tiếng của ông. Kể từ khi được chỉ định tháng 5/2017, công tố viên Mueller đã làm việc với 19 luật sư - những người được hỗ trợ bởi một nhóm gần 40 nhân viên FBI, các nhà phân tích tình báo, các nhân viên kế toán pháp lý cùng các chuyên gia khác.
Văn phòng của Công tố viên đặc biệt đã phát hơn 2.800 trát hầu tòa, gần 500 lệnh khám xét, hơn 230 yêu cầu về các bản ghi liên lạc, gửi 13 yêu cầu cho các chính phủ nước ngoài để tìm bằng chứng và phỏng vấn gần 500 nhân chứng. Một quá trình điều tra như vậy là rất tỉ mỉ.
Ở thời điểm được chỉ định làm Công tố viên đặc biêt, ông Mueller đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ nhiều thành viên đảng Dân chủ. Thượng nghị sỹ New York Chuck Schumer đã nói rằng, “Cựu giám đốc FBI Mueller là kiểu người hợp lý cho công việc này”. Trong khi đó, Hạ nghị sỹ California Adam Schiff gọi ông Mueller là “sự lựa chọn chắc chắn”.
Thứ ba, Không có sự câu kết. Bộ trưởng Barr đã thông báo cho các ủy ban tư pháp rằng, “xem xét sơ bộ” trong cuộc điều tra của công tố viên Mueller là nhằm xác định “liệu có bất cứ công dân Mỹ nào – trong đó có cả các cá nhân trong bộ máy tranh cử của Tổng thống Trump – có tham gia vào âm mưu của Nga nhằm can thiệp bầu cử hay không”.
Trích dẫn từ báo cáo của công tố viên Mueller, ông Barr chỉ ra rằng, “cuộc điều tra không kết luận rằng các thành viên trong bộ máy vận động của ông Trump có phối hợp với phía Nga trong các hoạt động nhằm tác động tới cuộc bầu cử”.
Thứ tư, việc xác định có cản trở công lý hay không thì lại ít dứt khoát hơn. Sau một cuộc điều tra thực sự cặn kẽ, ông Mueller “không đưa ra bản cáo trạng truyền thống”, mà thay vào đó lại chọn cách đưa ra bằng chứng liên quan đến câu hỏi.
Bản cáo trạng không kết luận Tổng thống đã phạm tội, nhưng nó cũng không kết luận vô tội. Sau khi tham vấn với các quan chức của Bộ Tư pháp Bộ trưởng Barr và Thứ trưởng Rosenstein kết luận rằng, bằng chứng “không đủ hiệu quả để chứng minh Tổng thống có hành động cản trở pháp lý”.
Thứ năm, chúng ta không biết bao nhiêu phần trong báo cáo của Mueller sẽ được công bố. Ngày 14/3, Hạ viện đã thông qua một nghị quyết – đơn phương – kêu gọi ông Mueller công khai toàn bộ báo cáo. Tổng thống cũng muốn toàn bộ báo cáo được công khai. Bộ trưởng Tư pháp Barr cũng cam kết sẽ “minh bạch nhất có thể”. Vậy vấn đề là gì?
Như ông Barr đã trình bày trong lá thư ngày 24/3, là luật pháp, các quy định và các chính sách lâu dài của Bộ có thể hạn chế những gì ông có thể tiết lộ.
Theo ông Barr, rõ ràng là bản báo cáo bao gồm cả các dữ liệu liên quan đến “những vấn đề xảy ra trước một cuộc điều tra quy mô lớn”, và các quy tắc pháp lý thì lại hạn chế tiết lộ những dữ liệu như vậy.
Hơn nữa, chính sách của Bộ tư Pháp đòi hỏi các công tố viên liên bang phải bảo vệ danh tiếng và sự riêng tư của bên thứ 3 không bị cáo buộc”.
Thứ sáu, sẽ có nhiều cuộc điều tra diễn ra, tìm cách phơi bày đến cùng sự thật tại tòa án của công luận.
Chủ tịch Ủy ban tư pháp của Hạ viện, Jerry Nadler, một thành viên của đảng Dân chủ, đã tuyên bố tiếp tục điều tra tổng thống.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban tư pháp Thượng viện, Lindsey Graham, một thành viên đảng Cộng hòa, lại kêu gọi điều tra cáo buộc lạm dụng Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA) ở giai đoạn đầu cuộc điều tra Nga cũng như việc tiến hành của FBI.
Ông Graham thậm chí còn đi xa hơn: yêu cầu Bộ trưởng Barr chỉ định một công tố viên đặc biệt mới, để điều tra “mặt khác của câu chuyện”./.
2 ngày sau khi kết quả điều tra của công tố viên Mueller được công bố, Reuters công bố kết quả thăm dò dư luận mà hãng tin này tiến hành với Ipsos, theo đó, gần một nửa số người Mỹ vẫn tin ông Trump đã làm việc với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Khi được hỏi cụ thể về bản cáo trạng câu kết và cản trở pháp lý của công tố viên Mueller, 48% số người được hỏi tin rằng ông Trump hoặc các quan chức trong bộ máy tranh cử của ông đã làm việc với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016", giảm 6 điểm % so với cuộc khảo sát tuần trước (thời điểm kết luận điều tra của công tố viên Mueller chưa được công bố).
33% cho rằng, ông Trump đã cố tìm cách chấm dứt các cuộc điều tra về ảnh hưởng của Nga đối với chính quyền của ông, giảm 2 điểm % so với cuộc thăm dò tuần trước.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos tiến hành tại Mỹ trong ngày 25-26/3 với 1.003 người, trong đó 948 người cho biết ít nhất họ đã nghe về bản tóm tắt kết luận.
Theo Thùy Linh (Vov.vn)