Điều khoản bảo mật bất thường
Một báo cáo nghiên cứu mới được công bố bởi một viện nghiên cứu của Mỹ tiết lộ rằng thỏa thuận cho vay giữa Trung Quốc và các nước đang phát triển có các điều khoản bảo mật bất thường, yêu cầu các nước đang phát triển này phải ưu tiên trả các khoản nợ của Trung Quốc trước khi trả các chủ nợ khác, điều này có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán nợ của họ với các chủ nợ khác.
Bản báo cáo được công bố ngày 31/3 có tiêu đề Cách Trung Quốc cho vay: Điều tra hiếm hoi về 100 hợp đồng nợ với các chính phủ nước ngoài, do AidData, một tổ chức nghiên cứu trực thuộc Đại học William và Mary, Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới Kiel và Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson hoàn thành.
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu 100 hợp đồng cho vay giữa các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và 24 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, bao gồm Cameroon, Ghana và Ecuador, và nhận thấy rằng các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc kết hợp các điều khoản vay thương mại tiêu chuẩn và điều khoản vay chính thức nhà nước vào các điều khoản mới để "tối đa hóa đòn bẩy thương mại đối với người đi vay" nhằm đảm bảo ưu tiên được trả nợ so với các chủ nợ khác.
Theo VOA (Mỹ), trong nhiều năm, vấn đề nợ giữa Trung Quốc và các nước đang phát triển đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước này đã vượt quá khả năng chi trả và khiến họ gánh những khoản nợ khổng lồ. Trung Quốc sử dụng các khoản nợ này để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên hoặc thuê các cảng quan trọng của họ trong thời gian dài.
Báo cáo cũng đề cập, các hợp đồng của Trung Quốc có các điều khoản bảo mật "bất thường" cấm người vay tiết lộ các điều khoản và thậm chí cấm người vay tiết lộ cả sự tồn tại của các khoản nợ.
"Các cam kết bảo mật rộng rãi của bên vay gây khó khăn cho tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các chủ nợ khác, trong việc xác định tình trạng tài chính thực tế của bên vay, khó phát hiện các khoản thanh toán ưu tiên và cũng khó để lên các chính sách ứng phó với khủng hoảng", báo cáo viết.
Hạn chế con nợ
Bradley C. Parks, Giám đốc điều hành của AidData, nói rằng đại dịch Covid-19 "làm suy yếu khả năng trả nợ của nhiều bên vay" nhưng các chủ nợ khác "không muốn thương lượng lại" do không biết con nợ vay Bắc Kinh những gì.
Sebastian Horn thuộc Viện Kinh tế Thế giới Keele nói với VOA: "Nếu các chủ nợ lo lắng rằng khoản cứu trợ của họ sẽ được sử dụng để trả nợ cho các chủ nợ khác (Trung Quốc và một số chủ nợ tư nhân), thay vì chi tiêu cho y tế và quản lý khủng hoảng, họ rõ ràng sẽ do dự nhiều hơn khi cam kết thực hiện các biện pháp cứu trợ hào phóng".
Một trong những tác giả của báo cáo, Scott Morris, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho hay, điều khoản bảo mật cũng hạn chế trách nhiệm giải trình nội bộ của quốc gia đi vay.
Ông nói: "Mức độ bí mật này che đậy tình hình tài chính tổng thể của một quốc gia cũng như che đậy các chi tiết quan trọng của những dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khi công dân và người nộp thuế đều có quyền biết những chi tiết này".
Morris cũng nói rằng điều khoản bảo mật cũng gây ra vấn đề cho người vay trong việc thực hiện nghĩa vụ của họ với các tổ chức cho vay đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, Câu lạc bộ Paris v.v... Tất cả những tổ chức này đều yêu cầu báo cáo đầy đủ về các khoản nợ như một cơ sở để cung cấp các khoản viện trợ.
Ngoài ra, chuyên gia Horn cho biết một phát hiện khác của nghiên cứu là: "Hầu hết các hợp đồng cho vay của Trung Quốc đều có điều khoản ‘không Câu lạc bộ Paris’, cấm các quốc gia hợp tác với các chủ nợ khác để cơ cấu lại các khoản cho vay của Trung Quốc nếu điều kiện cho vay ngang nhau. Cách tiếp cận này đối với các khoản vay nước ngoài thực tế cho phép chính phủ Trung Quốc tự quyết định có nên, khi nào và làm thế nào để giảm hoặc xóa nợ".
Morris nói với Reuters rằng kết quả nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong G20. Trước G20, một "khuôn khổ chung" đã đạt được để giúp các nước nghèo đối phó với áp lực tài chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bằng cách cơ cấu lại gánh nặng nợ của họ. Khuôn khổ yêu cầu đối xử bình đẳng với tất cả các chủ nợ, bao gồm cả các chủ nợ tư nhân.
Báo cáo cũng cho thấy nếu Trung Quốc không đồng ý với một số chính sách của bên vay, thì hợp đồng của Trung Quốc cũng cung cấp rất nhiều không gian để họ hủy các khoản vay hoặc tăng tốc độ trả nợ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về thỏa thuận cho vay của Trung Quốc và các điều khoản bảo mật của nó.
Công ty tư vấn Rhodium Group có trụ sở tại New York đã công bố một báo cáo nghiên cứu có tiêu đề Tìm kiếm cứu trợ: Nợ nước ngoài của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 hồi tháng 10 năm ngoái, cho biết yêu cầu tái đàm phán các khoản nợ do tác động của của đại dịch ngày càng tăng. Báo cáo tiết lộ các ngân hàng Trung Quốc khó có thể xóa các khoản nợ lớn và việc trả chậm vẫn là giải pháp ưu tiên của họ, nhưng cho đến nay một số cuộc đàm phán về nợ của Trung Quốc vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa và công khai.
Theo An An (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)