Mỹ sẽ điều lực lượng đặc nhiệm tới Iraq để tiêu diệt IS. Ảnh: NationalInterest |
Đầu tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ sớm điều một "lực lượng tìm diệt viễn chinh đặc biệt" gồm 200 lính đặc nhiệm tới Iraq để tham gia cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ông Carter cho biết lực lượng này cùng hơn 50 lính đặc nhiệm Mỹ đang đóng quân ở Iraq sẽ đơn phương thực hiện các chiến dịch đột kích, giải cứu con tin, thu thập tình báo và bắt giữ chỉ huy của IS, với hy vọng sẽ gieo rắc nỗi khiếp sợ cho những kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố này.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi về tuyên bố trên của ông Carter, cho rằng việc điều thêm lính đặc nhiệm đến Iraq không phải là một chiến lược mới, và không thể nào xoay chuyển được cục diện chiến trường cũng như thế bế tắc của Mỹ trong chiến dịch diệt IS hiện nay.
Trong một bài viết đăng trên National Interest, ông Malcolm Nance, chuyên gia chống khủng bố và là một sĩ quan tình báo nghỉ hưu của hải quân Mỹ, cho rằng tuy số lượng ít, lực lượng đặc nhiệm Mỹ này có thể làm nên điều khác biệt nếu áp dụng những chiến thuật đúng đắn đánh mạnh vào tâm lý kẻ thù.
Từng là một sĩ quan tình báo, ông Nance không hề xa lạ với các tổ chức khủng bố Hồi giáo, bởi ông đã từng sống và làm việc tại Trung Đông suốt hơn 10 năm qua. Với những trải nghiệm của mình, ông vạch ra một kế hoạch có thể đẩy lùi được phiến quân IS, và kế hoạch đó bắt đầu bằng lính đặc nhiệm.
"Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Iraq cần phải được cởi trói để có thể phát huy sức mạnh vượt trội của mình", ông tuyên bố.
Theo chuyên gia này, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang triển khai ở Iraq không được phép trực tiếp tham chiến mà chỉ làm nhiệm vụ cố vấn cho quân đội Iraq, và họ chỉ được phép bắn trả trong trường hợp bị tấn công. Nhưng ngay cả khi được "cởi trói", đặc nhiệm Mỹ không thể hành động theo cách "đơn phương" như những gì Bộ trưởng Quốc phòng Carter thông báo. Họ cần phối hợp với lính đặc nhiệm Iraq, dân quân người Kurd và quân nổi dậy FSA ở Syria trong các chiến dịch của mình ở những cấp độ nhất định.
"Điều chúng ta cần là bố trí tỷ lệ lực lượng hài hòa, chẳng hạn như phải có ba binh sĩ Iraq đi kèm với một lính đặc nhiệm Mỹ trong mỗi nhiệm vụ đặc biệt được tiến hành sau lưng IS", ông cho hay.
Gốc rễ của sự bế tắc trong cuộc chiến chống IS hiện nay, theo chuyên gia Nance, là liên quân do Mỹ đứng đầu đang phải dựa rất nhiều vào lực lượng bộ binh Iraq vốn bị cho là thiếu tính sáng tạo về mặt chiến thuật.
"Lính Iraq chỉ đơn giản là dàn quân ra đánh nhau trực diện với IS, giống như hai con bò húc nhau, không còn chiến thuật nào khác. Trong khi đó, IS rất biết cách đánh du kích. Chúng biết cơ động lực lượng đi vòng để đánh thọc sườn, và biết cách ngăn cản đối phương làm như vậy", ông nói.
Giải pháp do Nance đề ra là lực lượng kết hợp giữa đặc nhiệm Mỹ với lính Iraq hoặc Syria tăng cường các cuộc đột kích "luồn sâu, đánh hiểm" vào ban đêm. "Đừng đánh vào kẻ thù ngồi ngay trước mặt bạn. Hãy đi vòng vài chục km ra sau phòng tuyến của chúng, và phá hủy toàn bộ đường dây tiếp tế vào ban đêm".
Theo kế hoạch này, các nhóm đặc nhiệm hỗn hợp sẽ luồn sâu vào hậu phương của IS, tiêu diệt các xe tải chở đồ tiếp tế, phá hủy các chốt kiểm soát, vô hiệu hóa các đường dây thông tin liên lạc. Những chiến dịch này sẽ khiến IS tin rằng khi màn đêm buông xuống, chúng không còn kiểm soát lãnh thổ được nữa.
Khi bị cắt đứt các tuyến hậu cần, IS sẽ buộc phải tăng cường các hoạt động tuần tra ban đêm để ngăn chặn đặc nhiệm. Đó chính là lúc máy bay Mỹ được trang bị các thiết bị dò mục tiêu hồng ngoại ra tay và chiếm lĩnh chiến trường.
"Bằng kế điệu hổ ly sơn, bạn sẽ khiến IS phải chui ra khỏi lớp vỏ bảo vệ của chúng, buộc chúng phải cơ động trên chiến trường và làm mồi cho các cuộc không kích. Cách tốt nhất để làm được điều đó là tiến hành các cuộc đột kích", ông Nance tuyên bố.
Sau khi tiêu hao được nhiều sinh lực địch bằng các cuộc không kích đêm, các chiến dịch đặc nhiệm quy mô lớn hơn sẽ được khởi động. "Đưa 150 lính đặc nhiệm lên máy bay, thả họ xuống giữa sa mạc miền đông Syria, xây dựng một căn cứ tác chiến tạm thời. Trong một hoặc hai đêm tiếp theo, lực lượng này sẽ tiếp cận các vị trí cố thủ của IS và phá hủy mọi thứ".
Đây sẽ là một lực lượng "hủy diệt" thực sự, liên tục nhảy cóc trên khắp lãnh thổ do IS kiểm soát và tiêu diệt bất cứ doanh trại, chốt kiểm soát nào của IS mà họ phát hiện được.
Cùng với đó, một đơn vị hỗn hợp gồm khoảng 2000 lính Iraq và tay súng người Syria sẽ được thành lập, được trang bị các phương tiện cơ động cao gắn súng máy hạng nặng của Mỹ để đi càn quét khắp khu vực mà đặc nhiệm Mỹ đã tràn qua ở khắp miền đông Syria và miền tây bắc Iraq. "Càn quét", ông Nance nhắc lại.
Theo chuyên gia này, điều đó sẽ giúp nâng cao đáng kể sĩ khí của các chiến binh địa phương chống IS, khiến cho họ có cảm giác như mình đang ở tuyến đầu chống khủng bố.
Cuối cùng, ông Nance cho rằng đặc nhiệm Mỹ sẽ thiết lập ba chốt kiểm soát ngay bên ngoài sào huyệt Raqqa của IS ở Syria vào ban đêm, và tiêu diệt bất cứ thứ gì đến gần. Điều này buộc IS phải huy động một nguồn lực khổng lồ để đối phó với "mũi giáo" đang thọc vào lưng mình.
Chuyên gia này lưu ý rằng IS là bậc thầy về chiến tranh tâm lý và khích lệ sĩ khí của các thành viên. Trong những tháng gần đây, dù phải hứng chịu thiệt hại nặng nề về người và lãnh thổ, IS vẫn có thể phát động các cuộc tấn công mới chứ không hề co cụm phòng thủ. Nance tin rằng kế hoạch của mình sẽ hủy hoại sĩ khí của phiến quân, nhanh chóng đẩy chúng vào thế phòng thủ bị động, loại hình chiến đấu không phải sở trường của IS.
"Trong 72 giờ, danh tiếng bất khả chiến bại của IS sẽ sụp đổ, và cái gọi là nhà nước của chúng cũng vậy. Những gì chúng giữ được chỉ là một nhúm thành phố, và chúng không thể chi viện cho nhau bằng đường cao tốc, vì nơi đó đặc nhiệm Mỹ đang cài mìn, bắn tỉa và hủy diệt mọi thứ", ông nói.
Chuyên gia tình báo kỳ cựu này thừa nhận rằng kế hoạch của ông rất khác thường, nhưng đó chính là bản chất của các chiến dịch đặc nhiệm. Ông nhấn mạnh rằng muốn tiêu diệt IS, Mỹ phải đánh vào cả hai mặt trận, đó là lực lượng trên chiến trường và ý chí trong đầu của mỗi phiến quân.
"Chiến tranh tâm lý cũng phức tạp và kỳ công giống như chiến tranh trên thực địa. Mỹ có thể giết rất nhiều phiến quân IS, nhưng nếu không hủy hoại được lý tưởng và ý chí của chúng, Mỹ sẽ không thể giành được thắng lợi", ông Nance nhấn mạnh.
Lực lượng đặc nhiệm Iraq được Mỹ huấn luyện. Ảnh: Inquisitr |
Theo Trí Dũng (VnExpress.net)