Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 24-6 ra lệnh cho toàn bộ phi đội "Diều hâu đen" tiếp đất sau vụ tai nạn kể trên.
Chiếc S-70i Black Hawk cất cánh từ một căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở tỉnh Pampanga để tham gia nhiệm vụ huấn luyện vào tối 23-6 (giờ địa phương) nhưng gặp phải sự cố.
Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ sau đó tìm thấy mảnh vỡ của chiếc trực thăng. Không quân Philippines (PAF) xác nhận không còn người nào sống sót. Danh tính của các nạn nhân chưa được công bố.
Trước đó, chiếc trực thăng đến muộn so với thời gian dự kiến quay trở lại căn cứ không quân Clark nên quân đội Philippines triển khai tìm kiếm.
Chiếc S-70i Black Hawk kể trên là một trong 16 chiếc được Philippines đặt mua năm 2019, sản xuất tại Ba Lan. Sáu chiếc S-70i Black Hawk, bao gồm chiếc bị rơi, được bàn giao hồi tháng 11-2020, trong khi 5 chiếc khác đến tay quân đội Philippines vào đầu tháng 6 năm nay và đang được kiểm tra kỹ thuật. Lô trực thăng cuối cùng sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Hợp đồng này trị giá 12,1 tỉ peso (247,5 triệu USD).
S-70i Black Hawk là phiên bản trực thăng đa năng xuất khẩu do Công ty Sikorsky Aircraft (Mỹ) chế tạo.
Theo PAF, những chiếc Black Hawk sẽ giúp thúc đẩy khả năng của Lực lượng Vũ trang Philippines và giúp chính phủ rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ tới nhiều khu vực. PAF cho biết những chiếc Black Hawk nhập từ Ba Lan đã được sử dụng để vận chuyển vắc-xin Covid-19 và thiết bị y tế đến các vùng sâu vùng xa ở Philippines.
Hồi tháng 7-2020, 4 binh sĩ thiệt mạng và 1 người khác bị thương sau khi một chiếc trực thăng quân sự "Huey" bị rơi lúc cất cánh để tiến hành hoạt động huấn luyện ban đêm ở miền Bắc Philippines.
Phần lớn trang thiết bị được quân đội sử dụng Philippines đã cũ kỹ, bao gồm tàu chiến thời thế chiến thứ hai và máy bay. Manila đã phân bổ hơn 6 tỉ USD để nâng cấp khả năng quốc phòng từ năm 2018 đến năm 2022.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)