Hộp đen được tìm thấy là thiết bị ghi âm trong buồng lái. Dựa trên đánh giá ban đầu, một quan chức của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho rằng thiết bị ghi âm vẫn còn hoạt động tốt bất chấp tác động rất lớn khi máy bay va chạm với mặt đất.
Cả hai hộp đen của máy bay được sản xuất bởi hãng Honeywell, vị quan chức bổ sung, nhưng không nói cụ thể là mẫu nào.
Thực tế, hộp đen máy bay không phải màu đen như tên gọi mà có màu cam sáng nổi bật để thuận lợi cho công tác tìm kiếm khi máy bay gặp sự cố. Giới chuyên gia còn tranh cãi về nguồn gốc tên gọi, nhưng hộp đen luôn là thiết bị được nhắc tới khi điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn máy bay.
Hộp đen được giới sử gia cho là phát minh của nhà khoa học Australia David Warren trong những năm 1950. Ngày nay, máy bay bắt buộc phải có hộp đen. Mục đích của các thiết bị này không phải là để truy cứu trách nhiệm pháp lý, mà là để xác định nguyên nhân và phòng tránh tai nạn.
Hộp đen nặng khoảng 4,5kg và có 4 bộ phận chính, bao gồm phần khung bên ngoài được thiết kế để bảo vệ thiết bị và tạo thuận lợi cho quá trình ghi âm và phát lại ghi âm, bộ phát tín hiệu định vị dưới nước, phần lõi bằng thép không gì hoặc titanium tên gọi "Bộ nhớ chịu được va chạm", bên trong có chip nhớ để lưu dữ liệu.
Hộp đen bao gồm hai thiết bị lưu dữ liệu: thiết bị ghi âm trong buồng lái (CVR) và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR).
Sau khi tìm thấy hộp đen, các chuyên viên cần bóc tách lớp vỏ bảo vệ, cẩn thận làm sạch các kết nối để đảm bảo họ không vô tình xóa dữ liệu. Các tập tin âm thanh hoặc dữ liệu cần được tải xuống hoặc copy. Dữ liệu ban đầu này không có nghĩa lý gì, mà cần trải qua giai đoạn giải mã và sau đó chuyển thành biểu đồ.
Các điều tra viên đôi khi sử dụng phương pháp phân tích quang phổ để phân tích những âm thanh báo động rất nhỏ, hoặc những tiếng động thoáng qua của một vụ nổ được thiết bị thu âm ghi lại.
Dữ liệu được hộp đen ghi lại phụ thuộc vào mẫu thiết bị mà hãng Honeywell sản xuất, tuy vậy giới chức Trung Quốc chưa tiết lộ điều này.
Hai hộp đen trên chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Air India Express gặp nạn hồi năm 2020 đã ghi âm tổng cộng 120 phút và các dữ liệu chuyến bay trong 25 tiếng, theo báo cáo của giới chức địa phương. Như vậy, trên lý thuyết, hộp đen có thể ghi âm toàn bộ chuyến bay kéo dài 66 phút của hãng hàng không China Eastern.
Hộp đen mới được tìm thấy hôm 23/03 đã được gửi đến một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh để giải mã, nhưng mất bao lâu để giải mã và phân tích dữ liệu sẽ phụ thuộc vào mức độ hư hại của hộp đen, Zhu Tao, quan chức của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết.
Báo cáo sơ bộ thường được công bố khoảng một tháng sau khi tai nạn máy bay xảy ra, nhưng những báo cáo này thường rất ít thông tin. Các cuộc điều tra sâu rộng hơn thường chỉ được hoàn tất trong một năm hoặc hơn thế.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)