Điều gì khiến phương Tây “phát sốt” với Cuba?

12/05/2015 10:30:59

Liên tiếp gặp gỡ với lãnh đạo các nước Mỹ và châu Âu tuần qua, chủ tịch Cuba Raul Castro đang là chính khách được báo chí phương Tây “để mắt” nhiều nhất.

Liên tiếp gặp gỡ với lãnh đạo các nước Mỹ và châu Âu tuần qua, chủ tịch Cuba Raul Castro đang là chính khách được báo chí phương Tây “để mắt” nhiều nhất.

Được chú ý thứ 2 là chuyến thăm Tòa thánh Vatican và cuộc gặp với Giáo hoàng Francis, người bảo trợ cho tiến trình hòa giải Cuba – Mỹ.
 

Chủ tịch Cuba gặp Giáo hoàng tại Vatican (ảnh: AP)


Chuyến công du của Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Cuba hôm nay 11/5, khiến mọi con mắt phải đổ dồn tới quốc đảo Caribe và sửng sốt bởi một chân lý “nếu không vội, mình sẽ bị chậm chân trong miếng bánh ở Cuba”.
Giáo hoàng “se duyên” Cuba – Mỹ

Chủ tịch Cuba Raul Castro cảm ơn Giáo hoàng vì những đóng góp to lớn trong việc giúp Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ.

Theo người phát ngôn của Tòa thánh Vatican Federico Lombardi, trong cuộc gặp hai bên đã đề cập tới công tác chuẩn bị cho chuyến thăm của Giáo hoàng tới La Habana vào cuối tháng 9 tới. Nếu được thực hiện, đây sẽ là chuyến thăm thứ ba của một Giáo hoàng tới đảo quốc này, sau các chuyến thăm của cố Giáo hoàng John Paul II năm 1998 và Benedict XVI năm 2012.

Trong nhiều năm qua, Vatican đã làm việc chặt chẽ với cả Mỹ và Cuba, đồng thời tổ chức các cuộc gặp giữa giới chức hai nước. Vào ngày 17/12 năm ngoái, trong tuyên bố lịch sử tái lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba, sau khi nhấn mạnh vai trò của Vatican trong việc thúc đẩy Mỹ và Cuba tiến lại gần nhau, chấm dứt chiến tranh lạnh, Tổng thống Obama bày tỏ: “Tôi muốn cảm ơn Đức Giáo hoàng Francis. Ngài là một tấm gương đạo đức, chỉ ra cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc hướng tới một thế giới mà chúng ta hằng mong ước, chứ không cam lòng với thế giới hiện có”.

Từ tháng 3/2012, Vatican bắt đầu tham gia vào quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ của Mỹ và Cuba khi một nhóm nhà lập pháp Mỹ tới văn phòng Đại sứ giáo hoàng ở Washington và xin được giúp đỡ.

Sau thỏa thuận lịch sử Mỹ - Cuba hôm 17/12 (giờ Mỹ), CBS News dẫn lời kể một quan chức Mỹ, trong chuyến thăm tới Vatican hồi tháng 3/2014, Tổng thống Obama đã có buổi thảo luận với Giáo hoàng Francis. Giáo hoàng nhận thấy ông Obama đang xem xét thay đổi trong chính sách với Cuba và tiếp cận tổng thống. Quan chức trên lưu ý rằng chính lời kêu gọi cá nhân hiếm hoi này đã tăng thêm động lực cho các cuộc đàm phán.

Một trong những động thái giúp quan hệ Mỹ-Cuba cải thiện hơn là việc Havana thả tự do cho tù nhân Alan Gross, người bị Cuba bắt vào năm 2009 và kết án 15 năm tù vì nhập khẩu công nghệ bị cấm và cố thiết lập dịch vụ Internet bí mật cho người Do Thái ở Cuba. Gross từng là nhà thầu phụ cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ.
 

Chủ tịch Cuba có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ hôm 11/4 (ảnh: Reuters)


Vào đầu mùa hè năm 2014, Giáo hoàng Francis từng gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Nội dung hai bức thư như nhau: kêu gọi hai nhà lãnh đạo trao đổi tù nhân và thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn.

“Sự ủng hộ của Giáo hoàng Francis và Vatican là điều quan trọng với chúng tôi”, một quan chức cấp cao của Mỹ đánh giá.

Giáo hoàng làm tốt vai trò trung gian giữa Mỹ và Cuba. Ông Massimo Faggioli, giáo sư thần học tại Đại học St. Thomas, bang Minnesota (Mỹ) nói: “Giáo hoàng Francis đã để lại một dấu ấn rõ nét trong quan hệ Mỹ - Cuba. Đích thân Giáo hoàng, chứ không phải ai khác làm công tác ngoại giao và thành công nhờ được Washington lẫn La Habana tin cậy”.

Sức hấp dẫn khó cưỡng từ Cuba

Những chuyển động tích cực trong tiến trình cải thiện quan hệ giữa Cuba với Mỹ, cũng như với châu Âu đã thúc đẩy Cuba có những chính sách “chuyển mình” đáng kinh ngạc.

Tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca thông báo đảo quốc Caribe này chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài vào 246 dự án thuộc 11 lĩnh vực, với tổng trị giá lên tới 8,71 tỷ USD. Trọng tâm của chương trình này là năng lượng tái tạo, vì La Habana đang tìm cách thay đổi cơ cấu chủ yếu dựa vào nhiệt điện hiện tại của mình.

Nông nghiệp, khai mỏ, một số ngành công nghiệp, xây dựng và du lịch cũng là những ngành kinh tế Cuba đang sẵn sàng đón chào nguồn tài chính từ bên ngoài.

Về mục tiêu thu hút 2,5 tỷ USD/năm, dù thừa nhận Cuba sẽ phải mất thời gian để đạt tới con số này, nhưng ông Malmierca tự tin khẳng định “đây chỉ là vấn đề về ngắn hạn.”

Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp châu Mỹ tại Panama, Bộ trưởng Ngoại thương Cuba tái khẳng định “tầm nhìn cởi mở hơn” của La Habana đối với đầu tư nước ngoài.

Ông nhận định đây là một nhân tố năng động và thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển nhiều lĩnh vực.

Nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài, Quốc hội Cuba năm ngoái đã thông qua đạo luật nhằm đảm bảo và khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài bỏ vốn vào “hòn đảo tự do”, đặc biệt là vào Đặc khu phát triển Mariel.

Nằm tại phía tây thủ đô La Habana và sở hữu hải cảng nước sâu duy nhất của Cuba cho tới nay, Mariel được dự tính là đầu tàu thúc đẩy đầu tư và thương mại chính của đảo quốc này trong 20-25 năm tới và hiện tại đã có khoảng 200 công ty từ hơn 30 quốc gia có ý định đầu tư vào đây.

Cuộc đua ai nhanh chân hơn

Ngấm ngầm chạy đua từ sau sự kiện Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ ngoại giao 17/12/2014, cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Cuba trong vòng hơn 50 năm qua, giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul ngày 11/4, mới được coi là phát súng cho cuộc đua của các nước lớn đến cái đích là quốc đảo Caribean.

Chỉ 2 tuần sau đó, Nhật Bản đã cử một đoàn doanh nhân do Ngoại trưởng Fumio Kishida dẫn đầu sang thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Dù nội dung các cuộc hội đàm không được đề cập chi tiết nhưng việc lãnh tụ Cuba Fidel Castro trong lần xuất hiện hiếm hoi, bất ngờ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, đã khiến báo chí thế giới “sững sờ” và đồn thổi về một mối quan hệ vượt Thái Bình Dương Nhật Bản – Cuba trong tương lai.
 

Chủ tịch Cuba gặp Thủ tướng Nga Metvedev (ảnh: Sputnik)


Tuần qua, nhân sự kiện Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Phát xít 9/5, Chủ tịch Cuba Raul là nguyên thủ đầu tiên đặt chân tới Moscow và có cuộc gặp với Tổng thống và Thủ tướng Nga. Đương nhiên, việc củng cố quan hệ song phương, cũng như các dự án thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa 2 nước là những nội dung chủ đạo trong cuộc gặp dù ngắn ngủi vẫn được đánh giá là “thành công mỹ mãn” này.

Tiếp đó, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã được phía Italy đón tiếp với những nghi lễ trọng thể nhất. Thủ tướng Italy Mateo Renzi phát biểu: “Giờ đây chúng tôi đã có thể bắt tay nhau và điều này cho thấy thế giới đang thay đổi. Trong dòng chảy của lịch sử, chúng tôi muốn cùng với nhau trở thành những người tiên phong trong một trang mới và chúng tôi tin tưởng rằng cùng với nhau, sẽ làm được nhiều điều”.

Đáp lại, Chủ tịch Raul Castro đánh giá rằng quan hệ song phương Cuba-Italy là “hoàn hảo”. Điều này cho thấy, một tương lai đầy hứa hẹn cho Rome và La Habana đang được mở ra sau nhiều thập kỷ tranh cãi.

Và chuyến thăm Cuba của Tổng thống Pháp ở thời điểm này, có thể coi là một chuyến thăm lịch sử bởi lẽ ông Hollande sẽ là Tổng thống Pháp đương nhiệm đầu tiên đến Cuba. Ông Hollande cũng là nhà lãnh đạo phương Tây cấp cao đầu tiên đặt chân đến Cuba kể từ sau khi Mỹ và Cuba thông báo tiến trình bình thường hóa quan hệ cách đây vài tháng.

Tất cả những cuộc gặp cấp cao này diễn ra liên tiếp trong vài tuần lễ qua đã cho thấy sức hút khó cưỡng của Cuba đối với phương Tây, nhất là những nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, cuộc đua giành thị phần ở vùng đất quyến rũ này sẽ không hề dễ dàng. Ai nhanh chân hơn, kiên nhẫn và khéo léo hơn sẽ là người đắc lợi.
 
>> Tổng thống Pháp có chuyến thăm lịch sử sang Cuba
 
Theo Ngân Giang (VOV.vn)

Nổi bật