Sau thông tin Mỹ lên kế hoạch đưa các máy bay B-52 về trạng thái sẵn sàng chiến đấu hạt nhân chưa từng có kể từ sau Chiến tranh lạnh, các chuyên gia lo ngại động thái này có thể làm tăng nguy cơ của một cuộc xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, thông tin này đã bị Mỹ bác bỏ.
B-52 Stratofortress lần đầu tiên bay vào năm 1952 và kết thúc giai đoạn sản xuất vào năm 1962, vì vậy 76 chiếc máy bay B-52H trong không quân Mỹ gần như lớn tuổi hơn bất cứ phi công nào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho rằng Mỹ không theo kịp các quốc gia khác khi vẫn còn lái những chiếc B-52 quá cũ. "Chúng cũ đến mức cha bạn, ông bạn có thể đã từng lái chúng", ông nhận xét.
Dù vậy theo National Interest, Không quân Mỹ vẫn sử dụng những chiếc B-52 này vì chúng có nhiều ưu điểm vượt trội.
B-52 có thể mang theo rất nhiều bom và tên lửa, hơn nữa có thể mang chúng đi một quãng đường rất xa, khoảng 14.162 km trước khi cần nạp thêm nhiên liệu. Ngoài ra, khung máy bay cũng còn nhiều khoảng trống để nâng cấp, vì vậy, có thể nói B-52 giống như một kho bom và tên lửa đường dài.
Một trong những vũ khí lợi hại B-52 có thể mang theo là tên lửa hành trình AGM-86, loại tên lửa có thể dùng cả đầu đạn thường lẫn hạt nhân và đánh bại gần như mọi hệ thống phòng không. Phạm vi hoạt động cũng giúp B-52 có thể bay lòng vòng trên không trong thời gian dài để chờ yêu cầu hoặc hỗ trợ từ các căn cứ dưới mặt đất.
Bên cạnh đó, khả năng bay xa hàng giờ liên tục của B-52 rất thuận tiện cho việc tuần tra và can thiệp trên các vùng biển rộng lớn. B-52 có thể không có cảm biến tương tự các máy bay tuần tra chuyên dụng do hải quân điều hành, nhưng một số đã được trang bị hệ thống nhắm mục tiêu Litening và radar tìm kiếm Dragon’s Eye có thể phát hiện và xác định các tàu.
Một số B-52 cũng được nâng cấp để chở thêm 8 tên lửa AGM-184 Harpoon diệt hạm. Vì vậy, B-52 có thể đóng một vai trò hữu ích trong trường hợp xảy ra xung đột hàng hải.
Ngoài ra, B-52 còn hữu ích trong những thời điểm cần phô trương sức mạnh quân sự. Dù có nhiều nguy cơ khi dùng máy bay để triển khai vũ khí hạt nhân so với tên lửa phóng từ tàu ngầm hoặc ống dưới lòng đất, nhưng đem máy bay đến vùng khủng hoảng có thể truyền tải thông điệp đe dọa rõ ràng hơn rất nhiều.
Bên cạnh B-52, Không quân Mỹ còn có những máy bay ném bom hiện đại khác như B-1 Lancer hoặc B-2 Spirit. Tuy nhiên B-1B Lancer vẫn chưa đủ tàng hình trong môi trường phòng không hiện nay và quá chậm để tránh bị đánh chặn, trong khi đó, B-2 Spirit mới chỉ có số lượng hạn chế và chi phí vận hành gần gấp đôi chi phí của B-52.
Theo Phương Anh (VTC.vn)