Sự cố chìm tàu ngầm chưa từng được công bố?
Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân mới nhất của Trung Quốc đã bị chìm hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay, trong một sự cố được nhiều chuyên gia Mỹ đánh giá là bước lùi đáng kể đối với một trong những chương trình vũ khí ưu tiên của Bắc Kinh - báo cáo độc quyền của Wall Street Journal (WSJ) ngày 26/9 dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết.
Theo đó, vụ việc xảy ra tại một xưởng đóng tàu gần Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng lực lượng hải quân, bao gồm cả đội tàu ngầm hạt nhân. Thông tin về sự cố chưa từng được công bố và Washington chưa thể xác định liệu tàu ngầm có chứa nhiên liệu hạt nhân vào thời điểm bị chìm hay không.
Tàu lớp Zhou, con tàu được cho là vừa gặp sự cố, là chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc, với thiết kế đuôi hình chữ X đặc trưng nhằm giúp tàu linh hoạt hơn.
Do Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) sản xuất, con tàu từng được trông thấy tại một bến tàu trên sông Dương Tử hồi cuối tháng 5 khi nó đang trải qua giai đoạn trang bị cuối cùng trước khi ra khơi, WSJ cho biết.
Hình ảnh vệ tinh của hiện trường cho thấy nhiều cần cẩu nổi lớn đã xuất hiện vào đầu tháng 6 để làm công tác trục vớt sau vụ chìm tàu.
"Sự cố chìm tàu đối với một tàu hạt nhân mới, được sản xuất tại một xưởng đóng tàu mới sẽ làm chậm kế hoạch mở rộng đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc", Brent Sadler, học giả cấp cao tại Quỹ Heritage (Mỹ), đồng thời là sĩ quan tàu ngầm hạt nhân đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ nhận định, "Điều này rất đáng chú ý".
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy có gì đó không ổn xảy ra tại xưởng tàu gần Vũ Hán xuất hiện hồi mùa hè, khi Thomas Shugart, cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ và là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (CNAS) đăng loạt bài trên mạng xã hội về hoạt động bất thường của các cần cẩu nổi trong hình ảnh ghi nhận từ vệ tinh thương mại.
Shugart phỏng đoán rằng có thể đã xảy ra một sự cố liên quan đến một loại tàu ngầm mới, nhưng vào thời điểm đó ông không biết rằng nó được trang bị năng lượng hạt nhân.
Mặc dù tàu ngầm đã được trục vớt, nhưng có lẽ phải mất nhiều tháng thì nó mới có thể được đưa ra biển. "Con tàu sẽ bị ngập nước hoàn toàn", Shugart cho biết, "Bạn phải làm sạch toàn bộ hệ thống điện tử. Có thể phải thay thế các động cơ điện. Rất nhiều việc phải làm".
Giới chức Mỹ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các quan chức Trung Quốc đã lấy mẫu nước hoặc môi trường xung quanh để kiểm tra phóng xạ. Họ cũng không rõ vụ việc có gây thương vong hay không. Shugart cho rằng rủi ro rò rỉ hạt nhân có lẽ thấp vì tàu ngầm chưa ra khơi và lò phản ứng của nó có lẽ không hoạt động ở công suất cao.
Mỹ cũng từng gặp phải những trở ngại tương tự. Vào năm 1969, tàu ngầm hạt nhân USS Guitarro đã bị chìm sau một loạt sai lầm của công nhân đóng tàu khi đang được neo đậu tại một xưởng tàu ở California. Tàu không được đưa vào sử dụng chính thức cho đến 32 tháng sau vụ việc.
Hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs hồi tháng 6 cho thấy các cần cẩu nổi tại xưởng đóng tàu Vũ Xương ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Planet Labs
Công nghệ biển sâu vốn là lợi thế của Mỹ, nhưng Trung Quốc đang nỗ lực mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách.
Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hóa sản xuất tàu ngầm hạt nhân. Hoạt động sản xuất vốn tập trung tại thành phố Hồ Lô Đảo (Liêu Ninh) ở phía Đông Bắc nước này nhưng Trung Quốc hiện đang dịch chuyển công tác đóng tàu ngầm tấn công hạt nhân sang xưởng đóng tàu Vũ Xương gần thành phố Vũ Hán.
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc hồi năm ngoái, tính đến cuối năm 2022, Bắc Kinh có 48 tàu ngầm tấn công diesel và 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Báo cáo này cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc trong việc phát triển tàu ngầm tấn công mới, tàu mặt nước và máy bay hải quân là để đối phó với nỗ lực của Mỹ cùng các đối tác trong trường hợp xung đột xảy ra liên quan tới đảo Đài Loan (Trung Quốc) cũng như đạt được "ưu thế hàng hải" trong khu vực chuỗi đảo đầu tiên trên Thái Bình Dương.
Pacing Challenge là khái niệm được Mỹ phát triển trong bối cảnh chiến lược quốc phòng của nước này, đặc biệt liên quan tới Trung Quốc. Khái niệm này nhằm chỉ một đối tượng gây nguy cơ lâu dài tới tầm ảnh hưởng và quyền lực của nước Mỹ.
Lầu Năm Góc coi Trung Quốc là "thách thức theo nhịp" (pacing challenge) chủ chốt lâu dài, và các quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng áp lực chính trị và quân sự đối với vấn đề đảo Đài Loan, nơi Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời và bất khả xâm phạm của mình.
Về phần mình, Trung Quốc cho biết, mục tiêu của nước này khi xây dựng quân đội ở đẳng cấp thế giới là nhằm răn đe và bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài. Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không lập tức đáp lại yêu cầu bình luận của WSJ.
Theo Thi Anh (Nguoiduatin.vn)