Theo Bloomberg, các thành phố ở tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc đã ngừng các tuyến tàu hỏa, xe buýt, đóng cửa trường học và cách ly hàng chục nghìn người khi các ổ dịch Covid-19 mới xuất hiện.
Hôm nay, chính quyền thành phố Thư Lan ở tỉnh Cát Lâm đã tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh.
Các khu dân cư với các trường hợp được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ bị phong tỏa, chỉ có một người trong mỗi gia đình được phép ra ngoài để mua nhu yếu phẩm trong 2 giờ đồng hồ mỗi 2 ngày.
Từ ngày 10/5, chính quyền Thư Lan đã quyết định cấm các phương tiện giao thông công cộng rời khỏi thị trấn. Cuối tuần qua, Bí thư thành ủy Thư Lan Lý Bằng Phi cùng 5 quan chức khác đã bị cách chức sau khi địa phương này xuất hiện ổ dịch Covid-19, với 16 ca mắc bệnh được xác nhận.
Từ ngày 13/5, chính quyền thành phố Cát Lâm (tỉnh Cát Lâm) cũng đã tạm ngưng mọi dịch vụ xe buýt và chỉ cho phép người dân rời thành phố nếu xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố quyết định đóng cửa lập tức mọi rạp chiếu phim, phòng tập gym, quán cà phê internet và các địa điểm giải trí trong nhà. Các tiệm thuốc phải báo cáo về tất cả thuốc hạ sốt và kháng virus được bán ra.
Chính quyền thành phố cũng đóng cửa các trường học, đóng cửa một phần biên giới và giới hạn đi lại tại một số tuyến giao thông do lo ngại làn sóng Covid-19 thứ 2. Thành phố Cát Lâm thuộc tỉnh cùng tên Cát Lâm - tỉnh có biên giới giáp với Nga và CHDCND Triều Tiên.
Thành phố Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang cũng thực hiện phong tỏa một phần từ cuối tháng 4 sau khi phát hiện 52 ca mắc Covid-19 "ngoại nhập". Thành phố Tuy Phân Hà của tỉnh này cũng bị phong tỏa sau khi ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, chủ yếu là những người trở về từ Nga.
Những lệnh hạn chế nghiêm ngặt này khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng vì vốn nghĩ rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua. "Người dân cảm thấy cần thận trọng thêm một lần nữa".
"Trẻ em chơi ngoài đường lại phải đeo khẩu trang và các nhân viên y tế lại phải đi làm trong bộ đồ bảo hộ. Cảm giác bực bội nhất là bạn không biết khi nào những thứ này mới kết thúc" - Fan Pai, một nhân viên của công ty thương mại ở Thẩm Dương, Liêu Ninh, nơi cũng rơi vào tình cảnh phong tỏa tương tự, cho biết.
Duy Anh (Nguoiduatin.vn)