Xếp hàng vào bệnh viện rồi lại xếp hàng để được chôn cất
Số người tử vong do Covid-19 tại Indonesia tăng vọt khiến lực lượng xử lý thi thể cũng bị “quá tải”. Các nạn nhân Covid-19 không chỉ ở trong các phòng điều trị của bệnh viện, mà còn trong các phòng chờ cấp cứu và cả tại các nhà riêng.
Ông Wirawan, tình nguyện viên đội xử lý thi thể Covid-19 ở Jakarta không ít lần gặp các trường hợp tử vong trong khi cách ly tại nhà, trong đó có những trường hợp không xác định được thời điểm tử vong của nạn nhân.
Những tháng trước, đội của ông Wirawan thường nhận được yêu cầu xử lý 2-3 thi thể mỗi ngày. Nhưng bây giờ nhóm này có thể lập một danh sách lên đến 24 thi thể trong một ngày. Số người tử vong tăng cao trong khi lực lượng xử lí có hạn khiến nhiều nạn nhân cũng phải “xếp hàng” vài ngày mới tới lượt truy điệu và làm các thủ tục an táng. Ám ảnh hơn là các thành viên đội phải chia nhau rà soát các bệnh viện nơi xử lí thi thể nạn nhân Covid-19 trước khi chôn cất nhưng cũng không còn chỗ.
Tương tự như vậy, tại thành phố Yogyakarta vào đầu tháng 7, hàng chục thi thể Covid-19 xếp hàng dài trong phòng pháp y bệnh viện Đa khoa trung ương Dr Sardjito để chờ đến lượt được xử lý, trong khi vẫn còn những thi thể khác đang xếp hàng trong phòng cấp cứu. Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 ở Yogyakarta đã phải thành lập đội “lưu thông thi hài” để xử lý các nạn nhân Covid-19.
Sau khi thi thể được xử lý, các nạn nhân lại phải xếp hàng thêm một lần nữa để được chôn cất. Ông Feby Komaladewi ở thành phố Cimahi, Tây Java cho biết gia đình ông đã phải xếp hàng hơn 12 giờ đồng hồ mới đến lượt chôn cất cho thân nhân do số lượng nhân viên hạn chế. Trong khi đó, phong tục tập quán của người dân Indonesia, nhất là người đạo Hồi, việc chôn cất phải được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ.
Giờ đây nạn nhân Covid-19 ở Indonesia vào bệnh viện đã khó mà ngay cả đường “xuống mồ” cũng khó khăn hơn.
Tỷ lệ tử vong cao phản ánh mức độ nghiêm trọng của đại dịch
Báo của trang LaporCovid Indonesia cho biết, từ đầu tháng 6 đến ngày 9/7 có 369 trường hợp tử vong bên ngoài cơ sở y tế do 2 nguyên nhân chủ yếu là không thể nhập viện do cơ sở y tế đã chật kín và tử vong quá nhanh trước khi tìm cách điều trị.
Theo bà Siti Nadia Tarmizi, phát ngôn viên Bộ Y tế Indonesia, hệ thống chăm sóc sức khỏe luôn phải gồng mình trước số ca bệnh tăng đột biến gần đây. Nhiều bệnh viện đã phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân hoặc phải lựa chọn cứu những bệnh nhân có khả năng sống sót cao hơn do lượng oxy cạn kiệt. Bà Siti Nadia Tarmizi kêu gọi người dân chỉ được phép tự cách ly khi có triệu chứng nhẹ và trung bình. Nếu bệnh tình bắt đầu nặng hơn phải đến bệnh viện, cho dù phải xếp hàng dài chờ đợi.
Nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith Australia, Dicky Budiman cho biết, hiện tượng tử vong cao bên ngoài các cơ sở y tế "phản ánh mức độ nghiêm trọng của đại dịch và việc Indonesia không kiểm soát được đại dịch". Số bệnh nhân tử vong tại nhà khi tự cách ly cho thấy việc truy vết, xét nghiệm và điều trị chưa được thực hiện tốt. Ông lưu ý đỉnh điểm làn sóng Covid-19 thứ hai này sẽ rơi vào cuối tháng 7.
Chính sách giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp của chính phủ chỉ có hiệu quả nếu được thực hiện với ý thức tốt của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng cường truy vết, xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng cũng rất quan trọng.
Ông Budiman nhấn mạnh, 80-85% những người bị mắc Covid-19 ở Indonesia đang tự cách ly tại nhà của họ. Do đó Indonesia phải tăng cường các chương trình thăm khám tại nhà, nếu không, tỷ lệ tử vong trong các ngôi nhà sẽ ngày một cao. Indonesia sẽ sớm trở thành Ấn Độ thứ hai./.
Theo Hương Trà (Vov.vn)