Khi Trung Quốc quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài bất thường, những lo ngại về dịch Covid-19 đang gây ra những trở ngại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này.
Quy định mới quy trách nhiệm cho các chủ doanh nghiệp nếu để nhân công nhiễm bệnh tại nơi làm việc. Trước khi các doanh nghiệp có thể mở cửa vào sáng thứ Hai, chính quyền thành phố Trung Sơn, nơi công ty của Zhang đặt trụ sở, đã yêu cầu họ chuẩn bị đủ vật tư y tế, bao gồm thuốc khử trùng và khẩu trang, cũng như đảm bảo không gian làm việc an toàn cho nhân viên của họ, trước khi được phép hoạt động.
Nhưng khẩu trang và các sản phẩm khử trùng đang trong tình trạng khan hiếm và khó mua với số lượng lớn. Cho rằng việc kinh doanh của Zhang, có thể không thể mở cửa trở lại nếu không có những mặt hàng thiết yếu này, 15 nhân viên của ông phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu.
Tuy nhiên, cơn đau đầu của Zhang có thể biến mất, khi các nhà chức trách thông báo rằng các quy định làm việc đã được nới lỏng hơn, cho phép ông nhanh chóng quay trở lại sản xuất.
Trước tình hình hiện tại, Zhang đang đẩy nhanh tối độ sản xuất, mặc dù có một số vấn đề không chắc chắn về việc các nhà cung cấp của anh liệu cũng sẽ được phép bắt đầu làm việc lại hay không.
Zhang cũng có những lo lắng khác. Mạng lưới hậu cần bị tê liệt đã dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu thô và với nhiều thành phố trên cả nước đang phong tỏa giao thông khiến doanh nghiệp của Zhang không tồn tại lâu do nguồn nguyên liệu dự trữ là không đủ.
“Ngay cả khi có tìm thấy một nhà cung cấp khác, điều này cũng vô dụng vì mạng lưới hậu cần đã bị gián đoạn”, ông Zhang nói.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Trong một cuộc khảo sát với 1.079 công ty trong nước được công bố vào thứ Bảy trên ứng dụng xã hội WeChat, các nhà nghiên cứu từ các trường đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi dịch bệnh. Và hơn 80% các công ty nhỏ cho biết họ dự kiến doanh thu trong năm nay sẽ sụt giảm đi rất nhiều so với năm trước.
Trong khi các doanh nghiệp nhà nước phần lớn đã hoạt động trở lại, thì những quy định địa phương về việc mở cửa sản xuất trở lại đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp không chắc chắn về các bước tiếp theo của mình. Các doanh nghiệp dựa vào phần lớn lao động nước ngoài vẫn đang gặp khó khăn để tái khởi động dây chuyền sản xuất.
Một số thành phố và làng mạc đã áp dụng cái gọi là các biện pháp kiểm dịch cứng rắn nhằm mục đích ngăn chặn virus corona, từ việc phong tỏa các địa điểm công cộng và dựng rào chắn để cấm gần như tất cả cư dân rời khỏi nhà của họ. Những chính sách này có thể ảnh hưởng tới việc đi làm trở lại của người lao động trên cả nước.
Shen Chaowen, người sở hữu một công ty sản xuất đồ gia dụng ở Liêm Giang, một thành phố khác ở Quảng Đông, không biết khi nào mới có thể tái sản xuất. Anh đã yêu cầu 130 nhân viên của mình ở lại quê nhà cho đến khi có thông báo mới và lo lắng tình hình hiện tại vẫn còn hết sức phức tạp và khó lường.
“Tốt hơn hết là chúng tôi có thể mở cửa trở lại vào cuối tháng này, nếu không chúng tôi sẽ không đủ khả năng chi trả cho các chi phí nguyên vật liệu và thuê mặt bằng”, Shen chỉ ra.
Công ty của Shen được coi là “ngôi sao đang lên” ở Liêm Giang, với các sản phẩm được xuất khẩu đến tận Brazil. Nhưng công việc kinh doanh của anh đã bị gián đoạn hoàn toàn bởi dịch bệnh và chỉ có thể giao hàng trở lại vào tháng 3. Shen cũng đang đàm phán với các nhân viên của mình, hầu hết trong số họ vẫn ở nhà, để giảm lương trong tháng này.
“Thật là khó để không lo lắng”, Shen nói. “Nhưng lo lắng cũng chẳng giúp ích gì. Tất cả những gì tôi có thể làm là chờ đợi và bình tĩnh thương lượng với chính quyền”.
Đối với các công ty tư nhân Trung Quốc, việc khan hiếm dòng tiền là mối lo ngại thường trực và dịch Covid-19 chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề này. Theo một cuộc khảo sát được công bố vào thứ hai bởi Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh, hơn 40% các công ty tư nhân không có đủ nguồn tiền để tồn tại trong vòng 3 tháng nếu không thu được lợi nhuận. Cuộc khảo sát cho thấy, mặt khác, hơn một nửa số doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc có thể tồn tại trong vòng hơn một năm mà không cần tới sự trợ giúp của các ngân hàng.
Để giảm bớt khủng hoảng tiền mặt cho các doanh nghiệp, chính quyền Liêm Giang cho phép hoãn các khoản thuế và các khoản đóng góp khác cho đến khi có thông báo mới, ngoài ra ngân hàng sẽ gia hạn thời gian trả nợ cho các công ty. “Tất nhiên điều này giúp ích rất nhiều, Shen nói. “Khi bạn không thể tiếp tục kinh doanh, bạn lấy đâu ra tiền để trả các hóa đơn?”.
Các nhà cung cấp nguyên liệu thô cũng hy vọng công ty của Shen sẽ sớm mở cửa. “Các nhà cung cấp nguyên liệu đều trông mong vào chúng tôi. Khi chúng tôi bắt đầu, họ mới có thể bắt đầu”, anh nói.
Trung Quốc là nhà tiêu dùng và sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu thế giới, và các công ty vừa và nhỏ như của Zhang và Shen đều thúc đẩy cho lĩnh vực này. Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, hậu quả lớn của dịch Covid-19 tại Trung Quốc bao gồm thiếu hụt lao động hay nguyên liệu thô, hạn chế đi lại và hậu cần, nhu cầu tiêu dùng giảm đều sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia cũng lo lắng về tác động tiềm tàng của dịch bệnh đối với nền kinh tế Trung Quốc, vì tính kết nối mang lại rủi ro vốn có cho chuỗi cung ứng.
“Các doanh nghiệp đều ở trong cùng một con thuyền, ông Huang Shaoqing, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Giao thông Thượng Hải, nhận định. “Nếu sản xuất không được nối lại càng sớm càng tốt, thì ở cấp độ kinh tế vĩ mô, cú sốc bên ngoài có thể mang lại sự sụt giảm đáng kể trong tổng sản lượng năm nay”.
Dấu hiệu cảnh báo về những rủi ro dài hạn đã bắt đầu xuất hiện. Vào đầu tháng 2, Hyundai đã đóng cửa tất cả các nhà máy sản xuất ô tô tại Hàn Quốc do thiếu phụ tùng từ các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc. Nhà sản xuất ô tô chỉ mới bắt đầu mở lại các nhà máy, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các lô hàng từ Đông Nam Á.
Phó giáo sư Hu Xiaohui tại Đại học Tài chính và Kinh tế Chiết Giang cho biết tình trạng gián đoạn có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc. “Các công ty quốc tế lớn có thể đến những nơi khác như Đông Nam Á để hỗ trợ chuỗi cung ứng của họ, bỏ lại các công ty sản xuất vừa và nhỏ ở Trung Quốc vốn nằm ở gần cuối của chuỗi giá trị toàn cầu nay càng có ít cơ hội để sống sót”, ông Hu nói.
Những lo ngại trên đã buộc chính phủ Trung Quốc phải hành động để giúp các công ty trong nước duy trì hoạt động. Hạn chế về giao thông vận tải đã được nới lỏng ở một số thành phố và được miễn hoàn toàn ở phía đông tỉnh Giang Tây, nơi những người trở về từ các khu vực ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus corona không còn phải kiểm dịch bắt buộc.
Trong khi đó, tỉnh Quý Châu đang sắp xếp các phương tiện để giúp mọi người trở về thành phố nơi họ sinh sống và làm việc.
Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin rằng “đại gia” thanh toán di động Alipay đã phát triển một hệ thống theo dõi sức khỏe được mã hóa màu để đảm bảo những người trở về khu vực thành thị có thể an tâm làm việc: Màu xanh lá cây có nghĩa là “khỏe mạnh”, màu vàng có nghĩa là “rủi ro thấp” (cách ly một tuần) và màu đỏ có nghĩa là “rủi ro cao” (cách ly hai tuần). Dịch vụ này đang được sử dụng trên khắp Chiết Giang sau một thử nghiệm tại thủ phủ Hàng Châu của tỉnh này và có thể sớm được mở rộng trên toàn quốc.
Phó giáo sư Huang tin rằng những động thái như vậy có thể trở nên hữu ích trong việc giúp các doanh nghiệp vận hành trở lại.
“Cuộc chiến chống lại Covid-19 đã trở thành một trong những cuộc cải cách chính trị”, ông Huang nói, đề cập đến một số chính quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn cực đoan. “Bây giờ chúng ta đều biết các công ty vừa và nhỏ đang chịu áp lực rất lớn để tồn tại, các quan chức ở những nơi này nên lưu tâm”.
Theo Bắc Hiệp (Ngaynay.vn)