Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), mới đây tại huyện Toại Xuyên, tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, chính quyền đã mời 30 cô gái chưa lập gia đình đến tham dự một hội thảo để bàn về việc có hay không nên xóa bỏ một số phong tục đám cưới đã cũ trong đó có việc nhà trai phải trả một khoản tiền cho nhà gái trước khi được đến rước dâu.
Trong buổi hội thảo này, các cô gái đã đồng loạt ký vào một cam kết phản đối mức giá cô dâu đắt đỏ. Khi tin tức về sự kiện này được đăng tải trên trang web của chính quyền địa phương hồi cuối tháng 1, nó đã thu hút sự chú ý của gần 100 triệu người dân đại lục.
Cụ thể, bản tin phát về sự kiện này có đoạn: “Sáng 30/1, Đảng ủy và chính quyền thị trấn đã tổ chức một diễn đàn dành cho những phụ nữ trẻ chưa lập gia đình, trong đó thảo luận quan điểm về giá cô dâu đang tăng cao và việc thay đổi phong tục.”
Bài báo tiếp tục: “Những cô gái đã ký một cam kết tập thể phản đối tình trạng giá cô dâu tăng cao đồng thời ủng hộ việc thay đổi phong tục, hướng dẫn những người trẻ tuổi trong các lĩnh vực khác nhau trở thành những người ủng hộ lối sống văn minh mới.”
Cùng ngày, tài khoản Douyin chính thức của chính quyền huyện Toại Xuyên cũng đã phát một đoạn video ca ngợi cách tiếp cận của thị trấn: “Đây là một cách hữu hiệu để chống lại việc giá cô dâu ngày một tăng cao, việc can thiệp trước để đảm bảo hiệu quả.”
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng đã đặt câu hỏi về cách tiếp cận của chính quyền địa phương.
Một ý kiến cho rằng, vấn đề giá cô dâu tăng cao là do phong tục nhiều hơn là vấn đề về người phụ nữ: “Đàn ông đã ký cam kết gì? Giá cô dâu cao có phải do phụ nữ quyết định được ư?”
Thế hệ trẻ ở Trung Quốc đang phải chịu ngày càng nhiều áp lực mỗi khi tính đến chuyện kết hôn. Ngoài các chi phí như tiền cưới, nhà ở và tiền nuôi dạy con cái, một số vùng tại Trung Quốc vẫn còn tồn tại phong tục lâu đời là nhà trai phải trả một khoản tiền cho nhà gái được gọi là “giá cô dâu”.
Trong nhiều trường hợp ngày nay, tiền “cô dâu” sẽ được trả lại cho cặp vợ chồng ngay sau đám cưới, tuy nhiên phong tục này vẫn chưa hoàn toàn bị loại bỏ.
Phong tục này càng nổi tiếng hơn ở Giang Tây, khi mức giá “cô dâu” được coi là đắt đỏ nhất so với cả nước.
Hồi tháng 1 năm nay, câu chuyện về một cô gái ở tỉnh này đòi “giá làm dâu” là 18,88 triệu nhân dân tệ (65,8 tỷ đồng) đã gây ra tranh luận dữ dội trên mạng xã hội.
Dù người đăng bài sau đó thừa nhận câu chuyện chỉ là hư cấu, nhưng điều này vẫn khiến cánh mày râu lo lắng vì yêu cầu về “giá cô dâu” từ khoảng 200.000 nhân dân tệ (700 triệu đồng) vẫn là mức giá phổ biến ở Giang Tây.
Trong cuộc thảo luận trên Weibo, nhiều người cho rằng Chính phủ Trung Quốc nên làm tốt hơn việc bảo vệ những người trẻ tuổi, chẳng hạn như việc giảm phân biệt về giới tại nơi làm việc.
“Tại sao không tổ chức một cuộc họp để các công ty ký cam kết không phân biệt đối xử với phụ nữ trẻ đã kết hôn?” một người đặt câu hỏi.
Một người khác lại cảm thấy cách làm của chính quyền địa phương là không hợp với xu thế hiện đại như ngày nay: “Đây là năm 2023 rồi, đâu phải là năm 2023 trước Công Nguyên đâu.”
QT (Nguoiduatin.vn)