Shahid Sandhu, 34 tuổi, người Pakistan, có bằng tốt nghiệp loại Giỏi Đại học thương mại, sở hữu công việc không tồi trong một ngân hàng ở thủ đô Islamabab. Nhưng mức lương không như ý cùng khát vọng kiếm thật nhiều tiền để giúp cha mẹ – những người nông dân nghèo khó vùng Punjab – đã đưa chân Sandhu vào một “thỏa thuận ma quỷ”, mở ra chuỗi ngày tột cùng bi kịch tại Hong Kong.
Mùa hè 2014, một người mai mối đã tiếp cận Sandhu, gợi ý về việc kết hôn với một người phụ nữ Pakistan gốc Hong Kong. Người mai mối mô tả rất nhiều về gia đình giàu có của “đối tác” về triển vọng giàu sang nếu Sandhu chấp nhận thỏa thuận kết hôn. Sandhu đồng ý. Các thủ tục kết hôn giữa Sandhu và “cô dâu” được thực hiện tại Pakistan và vài tháng sau anh chính thức được vợ bảo lãnh tới Hong Kong bằng Visa phụ thuộc.
Không có cuộc hôn nhân hạnh phúc! Viễn cảnh về một cuộc sống thịnh vượng tại Hong Kong hoa lệ cũng nhanh chóng tan biến như bọt xà phòng. Hộ chiếu của Sandhu bị gia đình bên vợ khóa lại, tất cả các giấy tờ tùy thân của anh bị tịch thu. Sandhu sau đó bị ép buộc phải làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày tại một công trường xây dựng trong 6 ngày mỗi tuần. Chưa hết, ngày nghỉ hàng tuần và mọi buổi tối, Sandhu phải “sắm vai” oshin làm tất cả các việc nhà.
Sandhu ban đầu đã phản kháng mạnh mẽ. Nhưng đòn thù từ các thành viên trong gia đình bên vợ đã buộc anh phải im lặng và chấp nhận “vị trí” của mình. Vị trí của một người chồng- nô lệ.
Tiền Sandhu kiếm được, toàn bộ rơi vào tay gia đình bên vợ, gồm cô dâu, hai người anh trai cùng cha và mẹ họ. Sandhu cũng chỉ được ăn đồ thừa từ họ, thường xuyên bị chửi mắng nếu làm việc không đúng ý gia đình vợ, bị đánh đập, thậm chí dọa giết. Anh bị kiểm soát toàn diện!
Sandhu biết những gì gia đình vợ đã và đang làm với anh, những năm tháng dài khủng khiếp mà anh phải chịu đựng là hoàn toàn phạm pháp. Nhưng sự lạm dụng bất tận về cả thể xác và tinh thần từ gia đình vợ đã phá hủy mọi ý định phản kháng của Sandhu. Anh sống trong sợ hãi, áp lực và quan trọng nhất chính là nỗi xấu hổ khiến Sandhu không trình báo hoàn cảnh của mình với chính quyền địa phương.
Câu chuyện của Sandhu nghe có vẻ như là thứ gì đó của một thời đài xưa cũ nhưng quả thật nó đang xảy ra ngay trong những ngày này, tại một trong những nơi phồn hoa độ hội bậc nhất Thế Giới: Hong Kong. Và Sandhu không phải ngoại lệ duy nhất.
Các tổ chức phi chính phủ, những nhà Hoạt động Xã hội thuộc Cộng đồng Nam Á khẳng định Sandhu chỉ là một trong hàng chục trường hợp bị lừa tới Hong Kong và trở thành nô lệ cho gia đình cô dâu, trong các cuộc hôn nhân sắp đặt xuyên biên giới.
Đối tượng “được chọn” là những người đàn ông Nam Á dễ bị tổn thương và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Họ thường được kẻ dẫn mối hứa hẹn về cuộc sống sung túc tại Hong Kong và số tiền có thể có được để trợ giúp gia đình ở nhà nếu chấp nhận cuộc hôn nhân.
Nhưng khi đã đặt chân tới Hong Kong và bị kiểm soát bởi gia đình vợ, họ bị cô lập, lạm dụng, bị đánh đập, kết hợp cùng nỗi sợ hãi bị trả thù và cảm giác xấu hổ nhục nhã sâu sắc, tất cả đã ngăn cản họ trình báo với chính quyền địa phương về hoàn cảnh “địa ngục” của mình.
Văn hóa – Tôn giáo Pakistan nói riêng và khu vực Nam Á nói chung có định kiến khủng khiếp với những người đàn ông ở vào hoàn cảnh “nô lệ” như Sandhu. Vì thế, nếu Sandhu thừa nhận anh bị đối xử như nô lệ, anh sẽ bị coi là kẻ hèn nhát, vô dụng và không còn đất để sống khi trở về quê nhà nếu bị trục xuất khỏi Hong Kong. Đấy là lý do tại sao Sandhu, một người đàn ông trưởng thành, có học thức luôn loại bỏ phương án báo với cảnh sát.
Thế kẹt của Sandhu cũng chính là tình cảnh của những người chồng - nô lệ gốc Nam Á tại Hong Kong. Richard Aziz Butt, một chuyên gia tư vấn nhập cư cho biết ông đã làm việc với hơn 100 người đàn ông Nam Á, thường có gốc gác Pakistan, Bangladesh hay các khu vực nghèo ở Ấn Độ, tới Hong Kong qua các cuộc hôn nhân môi giới kể từ năm 1997 và ít nhất 25% trong số này bị lừa để rồi trở thành “người chồng nô lệ”.
Nurul Qoiriah, người đứng đầu văn phòng Hồng Kông của Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc, cho biết: Những kẻ buôn người (ở đây là gia đình bên vợ và tổ chức môi giới hôn nhân mafia) có thể sử dụng nhiều biện pháp (cưỡng chế và kiểm soát) để ngăn nạn nhân báo cáo hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, bao gồm cả việc dọa giết, trả thù người thân của nạn nhân, cùng những khoản bồi hoàn khủng khiếp nếu người chồng nô lệ dám báo với cảnh sát.
Cho đến thời điểm hiện tại, Cục Di trú Hồng Kông không có hồ sơ chính thức về việc khai thác và buôn bán vợ hoặc chồng di cư qua những cuộc hôn nhân xuyên biên giới. Sandy Wong, Chủ tịch Ủy ban Chống buôn người của Liên đoàn Luật sư Hồng Kông, cho biết Hồng Kông không có luật cụ thể về hôn nhân cưỡng ép hoặc hôn nhân nô lệ. Theo Wong “Hong Kong phải ngay lập tức thắt chặt và cập nhật các chế tài cụ thể để đối phó với những hình thức buôn người trá hình thông qua hôn nhân môi giới”.
Bên cạnh những thay đổi về luật pháp, các nhà vận động cũng đã đề xuất nhiều biện pháp giúp đỡ các chú rể nô lệ ở Hồng Kông. Theo Richard Aziz Butt, một đường dây nóng chuyên tiếp nhận các cuộc gọi từ người Nam Á nhập cư tại Hong Kong đã đi vào hoạt động từ đầu 2018, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn tâm lý am hiểu về Văn hóa-Tôn giáo Nam Á, tù đó giúp bảo vệ nạn nhân và gia đình họ khỏi sự trả thù.
Một đề xuất khác yêu cầu mọi cặp vợ chồng đã (hoặc sắp) kết hôn với đối tác là người nước ngoài bắt buộc phải trải qua một giai đoạn tư vấn pháp lý để từ đó Cục chống buôn bán người bất hợp pháp sẽ có hồ sơ lưu trữ đồng thời giúp “chú rể hoặc cô dâu ngoại quốc” hiểu rõ về hoàn cảnh của mình tại Hong Kong.
Nhưng trên hết và cần thiết hơn cả, là sự thay đổi trong cách nhìn nhận của xã hội đối với những người đàn ông như Sandhu. Rốt cuộc, đối với đa số những “người chồng nô lệ”, chính nỗi sợ ô nhục, tổn hại danh dự mang đậm màu sắc văn hóa – Tôn giáo Nam Á mới là nguyên nhân số 1 ngăn cản họ phơi bày với Thế giới về hoản cảnh của mình.
Để bảo vệ danh dự gia đình, những người như Sandhu thà chấp nhận làm một người chồng nô lệ, chịu sự đọa đầy về thể xác và tinh thần nơi xứ người, hơn là tìm cho mình sự giải thoát khỏi “địa ngục trần gian”, từ cộng đồng và cảnh sát…
TẦM HOAN (SHTT)