Địa ngục của phụ nữ Triều Tiên trốn chạy sang Trung Quốc

14/07/2017 10:23:00

Đặt chân sang Trung Quốc, phụ nữ Triều Tiên lập tức bị bán làm vợ cho các gia đình nghèo hoặc bị ép đóng phim khiêu dâm.

Đặt chân sang Trung Quốc, phụ nữ Triều Tiên lập tức bị bán làm vợ cho các gia đình nghèo hoặc bị ép đóng phim khiêu dâm.

Nông dân Triều Tiên làm ruộng. Phía bên kia là điểm khởi đầu từ phía đông của Vạn Lý Trường Thành thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nạn đói xảy ra ở Triều Tiên suốt những năm 1990 tạo ra làn sóng di cư khỏi quốc gia này. Hiện không rõ có bao nhiêu người chạy sang Trung Quốc. Có khoảng 30.000 người đã đào tẩu sang một nước thứ ba như Hàn Quốc, theo Sylvia Yu, phóng viên báo SCMP.

Tuy nhiên, đối với những phụ nữ Triều Tiên sang Trung Quốc tị nạn, họ trở thành nạn nhân của bọn buôn người ngay khi đặt chân sang biên giới. Phụ nữ Triều Tiên thường bị bán làm vợ cho các gia đình nghèo Trung Quốc hay bị cưỡng ép đi đóng phim, chụp ảnh khiêu dâm trực tuyến cho các trang web phục vụ đàn ông Hàn Quốc.

Dan Chung, chuyên gia của Crossing Borders (CB) - một tổ chức phi chính phủ (NGO) hỗ trợ phụ nữ Triều Tiên và trẻ em là nạn nhân của nạn buôn người, cho biết họ không đủ nguồn lực để giúp đỡ những trẻ em sinh ra trong các cuộc hôn nhân cưỡng bức với bố là người Trung Quốc, còn mẹ là người Triều Tiên. Nhiều trẻ không có quốc tịch nên không được đi học, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã cấp thẻ căn cước cho một số trẻ tị nạn Triều Tiên năm 2009.

"Các em đều sinh ra trong cảnh nghèo đói", Chung nói. "Đa số lớn lên trong cảnh bị mẹ bỏ rơi, hoặc mẹ đột nhiên biến mất hay bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ và không bao giờ biết tin về mẹ nữa".

Một bé gái trong trung tâm của CB kể rằng mẹ dặn em không được nói cho cảnh sát biết bà trốn trong cái hố dưới lòng đất. Tuy nhiên, khi cảnh sát tới tìm mẹ, em chỉ vào cái hố và mẹ bị đưa đi, bé không bao giờ còn nhìn thấy mẹ nữa.

Vấn đề này càng nổi bật khi cuối tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ buôn người cao nhất thế giới, xếp cùng nhóm với Sudan, Iran và Triều Tiên.

Tim Peters, người điều hành tổ chức phi chính phủ Helping Hands Korea có trụ sở tại Hàn Quốc nhận xét "việc hạ xếp hạng của Trung Quốc rất xứng đáng".

"Luật pháp hầu như không có tác dụng ở ba tỉnh đông bắc Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên, nơi nạn buôn bán phụ nữ Triều Tiên rất phổ biến. Hàng trăm nghìn phụ nữ bị đưa sang biên giới mắc kẹt tại các khu đèn đỏ hoặc bị đem bán cho các gia đình Trung Quốc".

Phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ lo ngại về tình trạng cưỡng ép lao động, ăn xin và mại dâm ở Trung Quốc. Cưỡng ép lao động thường liên quan tới người di cư Triều Tiên sang Trung Quốc làm việc và toàn bộ tiền lương được gửi thẳng về chính phủ Triều Tiên.

dia-nguc-cua-phu-nu-trieu-tien-tron-chay-sang-trung-quoc-1

Một nữ binh sĩ Triều Tiên nhìn qua hàng rào ngăn biên giới Triều Tiên với thành phố Hà Khẩu, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: News.

Trong những năm qua, một mạng lưới bí mật đã giải cứu những công dân Triều Tiên chạy tới Trung Quốc bằng cách đưa họ an toàn qua "hệ thống đường sắt ngầm" dài hơn 4.800 km sang một nước thứ ba như Hàn Quốc và được nhận làm công dân.

Một số phụ nữ bị buôn sang Trung Quốc luôn sống trong cảnh sợ hãi cực độ và chán ghét chồng. Nhiều người thậm chí còn bị bán đi bán lại nhiều lần sau khi vượt sông Đồ Môn sang Trung Quốc.

Su-jin là một trong số đó. Cô bị một kẻ dụ dỗ sẽ tìm được công việc và cuộc sống tốt đẹp hơn. Su-jin bị bán với giá 150 USD cho người chồng đầu tiên.

Park Ji-huyn là một người trốn khỏi Triều Tiên khi nạn đói xảy ra năm 1990, hiện sống ở Anh. Cô là điều phối viên của chương trình Liên minh Nhân quyền châu Âu về Triều Tiên. Park cho biết nếu đàn ông Trung Quốc bỏ tiền mua phụ nữ Triều Tiên mà thấy họ bị "hư hại" hay "vô dụng", các "ông chồng" Trung Quốc sẽ lập tức bán lại "vợ" như một món hàng cho người khác.

Hơn ai hết, Park hiểu rõ điều này bởi cô từng bị bán cho một nông dân Trung Quốc với giá 5.000 tệ (800 USD) ngay khi đặt chân sang bên kia biên giới và trốn thoát sau 6 năm.

thay-anh-set-bai-phu-nu-trieu-tien

Park Ji-huyn từng bị bán cho một ông chồng Trung Quốc năm 1998. Ảnh: Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Vấn đề không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Một vài nhân viên của các tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ nạn nhân của bọn buôn người ước tính có khoảng 100.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc ở Nga, lương trả trực tiếp cho chính phủ Bình Nhưỡng.

"Giống đa số lao động Triều Tiên làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, tiền lương của công nhân được thanh toán cho một giám sát viên hoặc cán bộ của chính phủ Triều Tiên. Những người này sẽ gửi thẳng tiền về nước", một nhân viên có tên Peters cho biết.

Theo Chỉ số Nô lệ Toàn cầu - báo cáo thường niên về tình trạng nô lệ ở các quốc gia trên thế giới, ước tính lao động Triều Tiên ở nước ngoài kiếm được 2,3 tỷ USD cho chính phủ, trong khi đồng lương mỗi tháng của một người lao động là 120 - 150 USD. Họ "bị ép làm việc 20 giờ một ngày, hầu như không có ngày nghỉ".

Steve Kim là người sáng lập tổ chức 318 Partners có trụ sở tại Mỹ. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ người tị nạn Triều Tiên. Kim cho biết ông đã gặp gỡ nhiều người Triều Tiên bị cưỡng ép lao động trong các nhà hàng, nông trại hay nhà máy, bị chủ doanh nghiệp Trung Quốc bóc lột và đe dọa trục xuất. Một vài người phản ứng khi không được trả lương và lập tức bị bỏ tù.

Năm 2006, một nhóm nhỏ những người theo đạo Thiên Chúa hay đi lễ nhà thờ bắt đầu gia nhập cuộc chiến chống buôn bán người ở Trung Quốc. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận bởi phụ nữ hành nghề mại dâm thường bị khinh miệt và không được chào đón trong nhà thờ.

Ai Jin, một trong những người khởi xướng, cho biết cô từng tham gia giải cứu nạn nhân của bọn buôn người.

"Trước đây, tôi không muốn bắt tay với người hành nghề mại dâm. Tôi cho rằng người họ chỗ nào cũng bẩn. Bây giờ tôi đã thay đổi, coi họ như người thân trong nhà", Ai Jin nói.

Một số nhóm người theo đạo và không theo đạo bắt đầu giải cứu phụ nữ và trẻ gái khỏi bọn buôn người ở các khu vực biên giới Trung Quốc như tỉnh Vân Nam và Hà Nam, cũng như miền bắc nước này.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của họ là phải hoạt động bí mật, với hy vọng không bị chính quyền bắt được và cấm đoán. Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với sự trả thù của những băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Ông Dan Chung cho biết hồi tháng 1, vài người đã bị bắt vì tội truyền giáo, trong khi họ chỉ đơn giản là cố vấn tinh thần cho những người Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc.

"Đây là hồi chuông cảnh báo chúng tôi", ông Chung nói.

Theo Sylvia Yu, tình trạng buôn bán người không chỉ xảy ra ở khu vực biên giới Trung - Triều, mà còn diễn ra nhiều năm qua ở vùng giáp ranh các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Myanmar.

Xem thêm: Nạn buôn bán cô dâu Việt sang Trung Quốc lên báo Mỹ

Mất cân bằng giới tính dẫn tới thừa hàng triệu đàn ông, cùng với việc phụ nữ nông thôn Trung Quốc di cư ra thành thị tìm việc và lấy chồng, là nguyên nhân chính của nạn buôn bán cô dâu.

Chính phủ Trung Quốc cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp chống nạn buôn người nhưng theo Yu, chính quyền vẫn cần tăng cường hành động và bất kỳ nỗ lực nào của các tổ chức phi chính phủ hay dân thường nhằm giải cứu nạn nhân đều phải được tôn trọng.

Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)

Nổi bật