Mặc dù các sự kiện hàng đầu của Trung Quốc như Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay kỳ họp Lưỡng hội (gồm các hội nghị của Nhân đại Toàn quốc và Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc) đều được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, nhưng khách sạn Kinh Tây mang bầu không khí bí ẩn mới là nơi đưa ra các quyết định hậu trường thực sự.
Tọa lạc tại số 1 đường Dương Phòng Điếm, quận Hải Điện, Bắc Kinh, khách sạn Kinh Tây do Tổng bộ chỉ huy Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trực tiếp quản lý. Đây là khách sạn nội bộ quy mô lớn duy nhất ở Trung Quốc không mở cửa kinh doanh với thế giới bên ngoài.
Trong giai đoạn "điên cuồng nhất" của Cách mạng Văn hóa (1966-76), khách sạn Kinh Tây trở thành nơi ẩn náu của một số lượng lớn cán bộ lão thành để tránh bị bức hại. Sau Cách mạng Văn hóa, khách sạn Kinh Tây thường xuyên tổ chức các cuộc họp quan trọng của đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc, đã trở thành "nơi khai sinh" của một loạt các quyết sách lớn.
Khách sạn bí ẩn hàng đầu trung quốc
Từ Quảng trường Thiên An Môn đi về phía Tây dọc theo Đại lộ Trường An đến chỗ giao cắt giữa đường Dương Phòng Điếm và đường Phục Hưng, nhìn thấy Bảo tàng Quân đội và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV ở bên kia đường, sau đó tìm biển hiệu "Số 1 đường Dương Phòng Điếm", mọi người sẽ tìm thấy khách sạn Kinh Tây.
Khách sạn Kinh Tây chỉ có số nhà và không có biển tên. Nơi này có tên đầy đủ là "Cục quản lý khách sạn Kinh Tây thuộc Bộ bảo lãnh quản lý của Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc", là một đơn vị cấp sư đoàn.
Trong những năm gần đây, Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, Đại lễ đường Nhân dân và các địa điểm tổ chức hội nghị quan trọng khác của đảng và nhà nước Trung Quốc đã mở cửa cho công chúng tham quan, nhưng khách sạn Kinh Tây thì vẫn chưa được mở cửa cho thế giới bên ngoài. Vì vậy, ấn tượng hình thành trong lòng công chúng có thể gói gọn trong hai chữ: Bí ẩn.
Thẻ công tác và thẻ báo chí đều vô dụng
Trong thời gian diễn ra kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc, khách sạn Kinh Tây cũng giống như những địa điểm khác có liên quan đến sự kiện, ở cổng luôn có cảnh sát vũ trang canh gác với đầy đủ trang bị thiết bị kiểm tra an ninh. Các phóng viên phải xuất trình thẻ phỏng vấn hội nghị và kiểm tra an ninh xong mới được vào. Nếu muốn phỏng vấn đại biểu hoặc tham dự sâu hơn vào sự kiện thì phải hẹn.
Ngoài Hội nghị toàn thể của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ và kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc, khách sạn Kinh Tây cũng tổ chức các cuộc họp khác. Việc kiểm tra an ninh tại các cuộc họp này cũng nghiêm ngặt không kém.
Có một chốt bảo vệ và phòng tiếp tân ở cổng phía tây trong khuôn viên khách sạn, lính canh kiểm tra từng người và phương tiện ra vào khách sạn. Trên tường phòng thông tin liên lạc của khách sạn có dán "Quy trình và quy định tiếp đón khách lưu trú" nêu rõ: "Chỉ những giấy tờ hợp lệ như thông báo hội nghị, giấy mời… do ban tổ chức hội nghị cấp mới có thể sử dụng để vào cửa". Vì vậy, nếu không nhận được thư mời, bạn sẽ bị cấm vào; và chứng minh thư, thẻ công tác, thẻ báo chí… của bạn cũng không có tác dụng.
Vì được kiểm tra an ninh nghiêm ngặt nên khách sạn Kinh Tây được mệnh danh là "khách sạn khó vào nhất Bắc Kinh".
Bí mật chưa bao giờ bị rò rỉ
Vì kiểm tra an ninh nghiêm ngặt nên khách sạn Kinh Tây còn được mệnh danh là khách sạn "an toàn nhất". Công tác quản lý và an ninh ở mức độ ngang với Đại lễ đường Nhân dân, nhà khách Điếu Ngư Đài, và Trung Nam Hải - biểu tượng quốc gia của Trung Quốc, nơi đặt trụ sở của Quốc vụ viện, Ban Bí thư trung ương ĐCSTQ, và Văn phòng Trung ương ĐCSTQ.
Một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng, vào năm 2001, khách sạn Kinh Tây đã trải qua một cuộc đại tu, cơ sở vật chất phục vụ hội nghị các cấp đã hoàn thiện hơn. Ngoài thiết bị kiểm tra an ninh ở lối vào hội trường, mỗi phòng họp còn được trang bị hàng loạt phương tiện bảo mật đặc biệt, đảm bảo rằng nội dung hội nghị sẽ không bao giờ bị lọt ra ngoài.
Vào năm 2004 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập khách sạn Kinh Tây, khách sạn đã đưa ra thông tin chính thức: khách sạn Kinh Tây do quân đội quản lý, là địa điểm tổ chức các hội nghị quan trọng của đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của khách sạn luôn tỉnh táo về chính trị, tuân thủ đúng đường lối, kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, làm tốt công tác bảo đảm phục vụ các hội nghị lớn với tác phong, kỷ luật của quân nhân.
Mỗi năm tổ chức ít nhất 200 hội nghị
Ngoài Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ và kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc, các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với tấm gương điển hình tiên tiến và rất nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức tại khách sạn Kinh Tây.
Vì có nhiều hội nghị và hoạt động, khách sạn Kinh Tây là một trong những khách sạn nhộn nhịp nhất, và được mệnh danh là "Quán quân của các hội trường". Theo thống kê của truyền thông, Kinh Tây mỗi năm tổ chức ít nhất 200 hội nghị, và hầu như ngày nào cũng có hội nghị.
Thông tin chính thức do khách sạn Kinh Tây công bố cho thấy, trong 40 năm kể từ khi thành lập từ năm 1964 đến năm 2004, nơi đây đã tổ chức thành công 44 sự kiện trong khuôn khổ Đại hội ĐCSTQ, hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ và 29 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.
Tiêu chuẩn phục vụ rất cao
Kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa, khách sạn Kinh Tây đã là một trong những địa điểm tổ chức hội nghị tiêu chuẩn cao nhất ở nước này. Các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc nhiều lần tổ chức hội nghị tại khách sạn Kinh Tây.
Hôi nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 11 - có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của Trung Quốc - đã được tổ chức tại khách sạn Kinh Tây.
Trương Lệ Hoa – nhân viên phục vụ Bộ phận Hội nghị của khách sạn Kinh Tây – trong một cuộc phỏng vấn cho biết, cốc của các lãnh đạo được đánh số từ 1 đến 44, được viết bằng sơn đỏ trên đáy cốc.
"Tôi nhớ rõ ràng rằng cốc của Đặng Tiểu Bình là cốc số 12, Diệp Kiếm Anh là chiếc cốc số 3, và Lý Tiên Niệm là chiếc cốc số 13... Mặc dù chúng tôi đã thuộc lòng những con số, nhưng đêm trước khi diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 11, mười mấy người phục vụ chúng tôi vẫn ngồi lại với nhau để nhẩm lại một lần. Những chiếc cốc hồi đó đều làm bằng sứ trắng, không có hoa văn, trông rất đơn giản".
Trương Lệ Hoa kể lại rằng, Đặng Tiểu Bình rất thích uống nước trong thời gian hội nghị. Vào thời điểm đó, trong hội nghị kéo dài 2 tiếng, quy định mỗi 20 phút lại rót nước một lần. Trương Lệ Hoa tinh ý phát hiện ra mỗi lần đến rót nước đều thấy cốc của Đặng Tiểu Bình rất vơi. "Ông ấy nói nhiều nên cũng uống nhiều nước hơn".
Hiện nay, những chiếc cốc uống nước và ghế mà Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo khác sử dụng trong hội nghị vào thời điểm đó vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, trên tường phòng họp vẫn treo dòng chữ "Tự lực gánh sinh, gian khổ phấn đấu".
Nơi chứng kiến những sự kiện lớn của Trung Quốc
Theo Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, những cuộc họp được tổ chức tại khách sạn Kinh Tây chủ yếu mang lại ảnh hưởng ở hai mặt: Một là thay đổi số phận một số nhân vật, hai là thay đổi số phận của quốc gia.
Khi Cách mạng Văn hóa mới bắt đầu vào năm 1967, hàng loạt quan chức cấp cao của các quân khu và các tỉnh thành lớn như Hứa Thế Hữu, Tần Cơ Vĩ, Trần Tái Đạo, Diệp Phi,... đã "trú ẩn" tại khách sạn Kinh Tây. Sau nhiều lần trở thành mục tiêu đả kích, cơ sở này mới được Quân ủy trung ương Trung Quốc quy hoạch thành "đơn vị được bảo vệ" - ngang hàng với Trung Nam Hải, Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh và Điếu Ngư Đài.
Tại Kinh Tây, những nguyên soái khai quốc của Trung Quốc như Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn đã quyết định đối đầu với Tiểu tổ Cải cách Văn hóa trung ương Trung Quốc nhằm bảo vệ các tướng lĩnh PLA trong Cách mạng Văn hóa.
Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc với việc "Nhóm 4 tên" (gồm Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn) bị hạ bệ, vào năm 1979, Hội nghị Công tác thẩm phán Vụ án tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và Giang Thanh đã được tổ chức tại khách sạn Kinh Tây.
Gần đây hơn, tại các Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ 6, 7 khóa 16 của ĐCSTQ, quyết định khai trừ khỏi đảng đã được đưa ra với cựu Bí thư thành ủy Thượng Hải, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Trần Lương Vũ và cựu Phó Bí thư tỉnh Sơn Đông Đỗ Thế Thành.
Hội nghị trung ương 7 khóa 17 của ĐCSTQ diễn ra ở khách sạn Kinh Tây trong thời gian 1-4/11/2012, kết thúc chỉ bốn ngày trước Đại hội toàn quốc khóa 18 của đảng (8-14/11/2012), khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc. Tại Hội nghị trung ương này, trung ương Trung Quốc đã khai trừ đảng đối với cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh, Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai và cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân.
Theo Hữu Hiển (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)