Đều sở hữu hệ thống y tế hàng đầu thế giới, vì sao Đức có tỷ lệ tử vong thấp hơn Italy hàng chục lần trong dịch Covid-19?

25/03/2020 09:38:28

Là hai quốc gia châu Âu thịnh vượng với hệ thống y tế hàng đầu thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong giữa Italy và Đức lại đang chênh nhau đến khoảng 20 lần.

Cập nhật đến rạng sáng ngày 25/3 (giờ Việt Nam), Italy và Đức là hai ổ dịch lớn nhất và lớn thứ ba châu Âu. Italy hiện có 69.176 người nhiễm Covid-19, bao gồm 6.820 người thiệt mạng, tỷ lệ tử vong lên tới 9,86%. Trong khi đó, Đức ghi nhận 31.991 người nhiễm bệnh nhưng chỉ 149 nạn nhân qua đời, tỷ lệ tử vong 0,47%.

Đều sở hữu hệ thống y tế hàng đầu thế giới, vì sao Đức có tỷ lệ tử vong thấp hơn Italy hàng chục lần trong dịch Covid-19?
Các nhân viên y tế vận chuyển người bệnh tại tâm dịch Lombardy của Italy

Là hai quốc gia châu Âu thịnh vượng với hệ thống y tế hàng đầu thế giới, cũng đều có dân số già và ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 rất cao; nhưng tại sao tỷ lệ tử vong giữa Italy và Đức lại chênh lệch đến vậy?

Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở Italy gấp gần 21 lần Đức, tính đến thời điểm hiện tại. Bởi vì các chuyên gia dịch tễ học nhận định, các tỷ lệ này sẽ còn thay đổi cùng với diễn biến khó lường của dịch Covid-19. Mặt khác, các chuyên gia cũng đưa ra một số kiến giải về tỷ lệ tử vong thấp ở Đức.

1. Do cách thức thống kê

Theo SCMP, nhiều chuyên gia Đức cho rằng việc rà soát người nhiễm Covid-19 đã được thực hiện rất sớm ở nước này và hiện có khả năng xét nghiệm tới 12.000 mẫu/ngày. Điều này giúp phát hiện nhanh những người bệnh có triệu chứng nhẹ, dễ phục hồi, từ đó kéo tỷ lệ tử vong giảm xuống.

Hơn nữa, một số người cao tuổi tử vong ở Đức không nhất thiết phải khám nghiệm tử thi để xem có dương tính với virus hay không. Trong khi đó, Italy tiến hành kiểm tra tất cả các nạn nhân qua đời.

2. Xét nghiệm rộng rãi ngay từ khi dịch có dấu hiệu bùng phát

Christian Drosten - giám đốc viện virus học tại Bệnh viện Charite ở Berlin - cho biết: "Chúng tôi đã sớm phát hiện mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh và đi trước một bước. Đó là nhờ các phòng thí nghiệm phân bổ rộng rãi trên khắp nước Đức. Vì vậy, có thể lý giải việc người Đức có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn nhiều quốc gia khác".

Giám đốc Drosten nói thêm, các phòng thí nghiệm đã bắt đầu làm xét nghiệm virus corona trên diện rộng vào tháng 1, khi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện rải rác. Ngoài ra, cơ quan y tế còn nhanh chóng phân phối nguồn nhân lực, vật lực đến cho các phòng thí nghiệm.

"Nhiều quốc gia khác đã mất hết 1 tháng hoặc hơn khi không làm như vậy" - ông Drosten nói, chỉ ra một số nước đã cho xét nghiệm tập trung ở các phòng thí nghiệm "độc quyền".

Đều sở hữu hệ thống y tế hàng đầu thế giới, vì sao Đức có tỷ lệ tử vong thấp hơn Italy hàng chục lần trong dịch Covid-19? - 1
Phòng nghiên cứu ở thành phố Tübingen, Đức (Ảnh: Reuters)

Karl Lauterbach - bác sĩ kiêm nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội - nói rằng hệ thống quản lý khủng hoảng ở Đức đã phản ứng nhanh nhạy cho đến hiện tại. "Chúng tôi đã bắt đầu xét nghiệm khá nhanh so với các quốc gia khác, kể cả Italy. Điều đó giúp chúng tôi có cái nhìn bao quát ngay từ đầu, tạo ra nền tảng mấu chốt để kiểm soát dịch".

3. Hệ thống y tế mạnh

Các chuyên gia Đức cũng không ngần ngại thừa nhận họ có những lợi thế để đối đầu trước dịch bệnh, dù là quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu.

Là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, hệ thống y tế của Đức vững mạnh và có nguồn quỹ ổn định từ chính phủ. Ngoài ra, phúc lợi xã hội rất được xem trọng, người lao động có thể nghỉ ốm 17 lần/năm mà không sợ mất việc.

Đức còn được xem là quốc gia có mật độ bệnh viện dày đặc nhất thế giới - 1.900 bệnh viện cho 82 triệu dân. Hàng năm, nguồn quỹ để duy trì hệ thống này được xem là "xa xỉ", tuy nhiên nó đã biến thành phước lành giữa thời dịch bệnh.

Đều sở hữu hệ thống y tế hàng đầu thế giới, vì sao Đức có tỷ lệ tử vong thấp hơn Italy hàng chục lần trong dịch Covid-19? - 2
Caption

Đức đầu tư nhiều ngân sách vào hệ thống bệnh viện (Ảnh minh họa: Sky News)

Một lợi thế vô cùng quan trọng của nước Đức trong cuộc chiến với "giặc" Covid-19, đó là có tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) trên đầu người vào mức cao nhất châu Âu. Cứ 100.000 người Đức thì sẽ có 29 giường ICU. Tỷ lệ này ở Italy là 13, ở Pháp là 12, ở Tây Ban Nha là 10 và ở Anh chỉ có 7.

4. Đức có thời gian chuẩn bị và đã dốc sức chuẩn bị

Xuất hiện trước toàn dân trên sóng truyền hình vào thứ Tư tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi: "Chúng ta có hệ thống y tế thuộc hàng tốt nhất thế giới. Nhưng dịch bệnh này đã cho thấy chúng ta dễ tổn thương và cần dựa vào nhau như thế nào". Suốt thời gian qua, nhà lãnh đạo Đức cho thấy bà bình tĩnh nhưng không chủ quan trước dịch bệnh.

Nhìn vào thực tế ở Italy vào đầu tháng 2, chính phủ Đức đã cảnh giác cao độ. Họ cho thực hiện toàn bộ các bài xét nghiệm quan trọng và dần "siết vòng kim cô". Ban đầu là hạn chế, sau đó cấm hẳn các hoạt động tụ tập đông người. Nhìn chung, lệnh kiểm soát được người dân tương đối chấp thuận và tôn trọng ở Đức.

"Chúng tôi đã có hệ thống cảnh báo mạnh mẽ và bắt tay chuẩn bị kĩ càng" - bác sĩ đầu ngành Christoph Specht cho biết. "Trên cả nước, các bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng".

Tuy vậy ông vẫn còn nhiều lo ngại: "Một hệ thống y tế có tốt đến đâu vẫn có nguy cơ sụp đổ nếu người dân đồng loạt nhiễm bệnh. Chúng tôi có nhiều giường ICU hơn Italy và một số quốc gia khác. Nhưng chúng tôi chỉ hi vọng là mình có ĐỦ. Chúng tôi hi vọng tất cả mọi người không đồng thời nhiễm virus cùng một lúc".

Dù nói vậy, nhưng với tình trạng thiếu giường điều trị, thiếu máy thở từ châu Âu đến Mỹ... có thể thấy việc cung cấp dồi dào phòng ICU chắc chắn là nền tảng cốt lõi giúp bệnh nhân tăng thêm cơ hội sống sót.

Đều sở hữu hệ thống y tế hàng đầu thế giới, vì sao Đức có tỷ lệ tử vong thấp hơn Italy hàng chục lần trong dịch Covid-19? - 3
Khung cảnh vắng lặng ở Berlin (Ảnh: Getty)

Ngoài ra, xã hội và người dân Đức được biết đến với tính cách quy củ. Người cao tuổi ở Đức, đối tượng dễ tổn thương nhất trước virus, lại không phải chịu số phận bi kịch như các quốc gia khác trong dịch Covid-19.

Nhiều ý kiến cho rằng giai đoạn lịch sử Thế chiến thứ hai đã để lại cho tầng lớp tóc bạc ở Đức một bản năng cảnh giác cao độ. "Người cao tuổi ở Đức biết cách sinh tồn ngay cả trong hoàn cảnh thiếu thốn nhất. Họ cũng biết cách phục hồi và tránh xa khỏi nguy hiểm" - theo chia sẻ của Martin Floeter, một thợ điện 55 tuổi đang chăm sóc cho bố mẹ già ở Berlin.

Theo Jayden (Báo Dân Sinh)

 

Nổi bật