Vào những năm 1980, trưởng thôn Thượng Lĩnh của thị trấn Hội Hưng thuộc địa cấp thị Tam Môn Hiệp thuộc tỉnh hà Nam, Trung Quốc đã quyết định thực hiện một cuộc cải cách đời sống của người dân. Ông đã tập hợp toàn bộ dân trong thôn và tổ chức một cuộc bình chọn ra những hộ dân nghèo nhất sẽ được chia đất để xây nhà.
Thôn đã dành ra một phần đất bỏ hoang đã lâu cho 168 hộ gia đình cất nhà trên đó. Thế nhưng, ngay khi đào móng xây nhà, người dân đã phát hiện bùn trên mảnh đất này rất kỳ lạ. Đào được một lúc, họ tìm thấy một lăng mộ cổ. Sau một hồi bàn bạc, họ tin rằng ngôi mộ cổ sẽ mang lại cơ hội làm giàu nhanh chóng. Họ quyết định xây tường thật cao để che mắt người ngoài.
Ban ngày họ vẫn ra đồng làm việc như thường lệ nhưng ban đêm họ lại tranh thủ đào bới các ngôi mộ. Những món cổ vật họ tìm thấy đều bị đem đi bán với giá ngất trời. Chỉ sau một đêm, nhiều hộ dân đã trở thành triệu phú của thôn. Thời gian đầu, các hộ dân nọ vẫn đào trộm mộ trong âm thầm nhưng việc họ nhanh chóng phất lên đã không thể che giấu.
Một đồn mười, mười đồn chăm, chả mấy chốc, các gia đình trong thôn đều gia nhập vào băng nhóm trộm mộ. Nhiều cổ vật liên tục được tìm thấy và bán ra trên thị trường. Sự xuất hiện của nhiều món cổ vật quý giá từ thôn Thượng Lĩnh đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia khảo cổ. Họ đã bắt tay cùng cảnh sát tham gia điều tra về lai lịch của những món đồ cổ đó.
Sau khi kiểm định kỹ càng, họ phát hiện ra rằng những di vật văn hóa đó có niên đại từ cách đây 3.000 năm. Chúng đều là cổ vật của Quắc Quốc, một quốc gia chư hầu của nhà Chu. Dưới sự điều tra của cảnh sát, toàn bộ dân thôn Thượng Lĩnh đã bị bắt gọn. Trong lần trộm mộ này, cảnh sát đã thu được 216 đồng tiền cổ và một số đồ sứ và ngọc bích.
Sau đó, một nhóm khảo cổ đã được cử đến thôn để tìm kiếm, tổng cộng họ đã khai quật được 230 ngôi mộ cổ của Quắc Quốc cùng rất nhiều cổ vật quý giá. Đặc biệt, trong quần thể mộ này, họ còn tìm được một thanh kiếm lưỡi đồng cán ngọc có giá trị tương đương với thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn. Những món đồ cổ này đã cung cấp nhiều dữ liệu lịch sử quan trọng cho giới khảo cổ về triều đại Tây Chu.
Những người dân thôn Thượng Lĩnh cũng đã nhận kết quả đích đáng cho những hành động sai lầm họ đã làm. Tất cả họ đều phải chịu hình phạt "bóc lịch" trong tù, 2 kẻ cầm đầu bị định tội nặng nhất là tử hình. Hiện nay, các món cổ vật đều được được thu hồi kịp thời.
Theo Nguyệt Phạm