Đây là lý do tại sao mãi không thể giải cứu tàu hàng kẹt tại kênh đào Suez dù gây thiệt hại tới 400 triệu USD mỗi giờ

29/03/2021 06:35:00

Vì quá trình giải cứu con tàu này không khác gì việc bạn phải dịch chuyển một tòa nhà chọc trời vậy.

Thế giới hiện nay đang dồn sự chú ý về phía bên kia đại dương, về phía có kênh đào Suez. Bởi lẽ, tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới đang bị tắc nghẽn, bởi con tàu hàng Ever Given của hãng Evergreen Marine.

Con tàu bị mắc cạn rồi xoay ngang, chặn đứng con kênh đào cực kỳ quan trọng của thế giới từ ngày 23/3. Đến nay, dù công tác cứu hộ vẫn đang được triển khai, nhưng mỗi giờ trôi qua nền kinh tế thế giới phải chịu thiệt hại tới 400 triệu USD - tương đương hơn 9200 tỉ đồng tiền Việt.

Nhưng thiệt hại nhiều như thế, tại sao không sớm giải quyết vụ mắc kẹt này? Lý do vì sao câu chuyện này lại khó khăn đến như thế?

Vì nó quá lớn

Đó là câu trả lời của Geoffrey Widdison - kỹ sư hóa có kinh nghiệm hơn 15 năm trong nghề, là một chuyên gia giải đáp trên diễn đàn Quora.

Theo Widdison, con tàu Ever Given đơn giản là quá to. Nếu là một chiếc bè mắc cạn, bạn có thể đẩy nó ra một cách dễ dàng chỉ bằng tay không. Nếu là một con tàu đánh cá, bạn sẽ cần một con tàu lớn hơn, với động cơ mạnh hơn để cứu nó. Nhưng Ever Given, nó là một siêu tàu hàng với kích cỡ khổng lồ.

Đây là lý do tại sao mãi không thể giải cứu tàu hàng kẹt tại kênh đào Suez dù gây thiệt hại tới 400 triệu USD mỗi giờ

Có thể thấy kích cỡ khổng lồ của con tàu qua bức ảnh trên. Đứng cạnh nó là một chiếc máy xúc, thứ vốn đã rất to lớn so với cơ thể người. Vậy mà đứng cạnh con tàu này, trông nó y như một món đồ chơi vậy. 

Đây là lý do tại sao mãi không thể giải cứu tàu hàng kẹt tại kênh đào Suez dù gây thiệt hại tới 400 triệu USD mỗi giờ - 1

Được biết, siêu tàu hàng Ever Given có khối lượng lên tới 220.000 tấn, chưa tính đến 20.000 container nó chuyên chở. Bản thân con tàu có kích cỡ tương đương với tòa nhà Empire State của Mỹ, còn chiều dài phải ngang ngửa tòa Landmark 81 của Việt Nam. Khi được chất đầy container, trọng lượng của nó thậm chí còn vượt một tòa nhà chọc trời.

Vậy với một "tòa nhà" mắc cạn như thế này, chúng ta phải làm gì? Muốn giải cứu nó, chúng ta sẽ cần rất nhiều công cụ đặc biệt, và việc chuyển chúng tới nơi, lắp đặt, triển khai... phải cần thời gian. Và trong trường hợp các công cụ ấy không có tác dụng, mọi chuyện sẽ còn phức tạp hơn thế rất nhiều.

Widdison nhận định, việc dịch chuyển một thứ có kích cỡ lớn như vậy là cực kỳ khó khăn. Nếu may mắn, những con tàu hút bùn và động cơ của chính con tàu có thể tự cứu nó. Nhưng nếu không may, một kế hoạch chi tiết và kỹ lưỡng hơn là cần thiết. Nhìn chung, thời gian 1 tuần mà công ty sở hữu Ever Given đưa ra, theo Widdison đánh giá, dường như là lạc quan quá mức rồi.

Theo J.D (Pháp luật & Bạn đọc)