Những ngày qua, Ấn Độ rơi vào cơn khủng hoảng do dịch COVID-19 bùng phát quá mạnh mẽ. Số người chết ngày càng tăng cao đến mức các lò hỏa táng cạn kiệt nguồn nhiên liệu đốt cháy. Giới chức trách ở Thủ đô New Delhi đang hỏa táng hàng loạt thi thể nạn nhân COVID-19. Số lượng thi thể tăng đột biến tới mức chính quyền phải yêu cầu chặt cây trong công viên để phục vụ các lò thiêu.
Hình ảnh cận cảnh trong lò thiêu đã khiến thế giới cảm thấy thực sự sợ hãi. Nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao người dân Ấn Độ lại chọn hỏa táng sau khi kết thúc cuộc đời?
Theo quan niệm của người Hindu, cái chết là sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Họ tin rằng, sau khi qua đời, thi hài người quá cố sẽ được tắm rửa, hỏa thiêu và rắc tro cốt xuống sông Hằng. Việc làm này được cho là sẽ giúp họ được nữ thần Ganga đưa đến miền đất cực lạc.
Việc hỏa thiêu đối với các tín đồ Hindu vô cùng quan trọng với nhiều điều đặc biệt. Trong đó, người ta dựng hơn 80 ghat (những bậc thang dẫn xuống bờ sông) ở dọc sông Hằng. Cuối cùng, thân nhân sẽ đi vòng quanh vĩnh biệt người quá cố lần cuối rồi châm lửa. Ba tiếng sau khi hoàn thành lễ hỏa thiêu, phần tro cốt sẽ được rải xuống sông Hằng. Theo đó, nghi lễ hỏa táng người quá cố kết thúc.
Đó là nghi lễ đầy đủ lúc thời điểm bình thường, còn giờ đây khi dịch COVID-19 bùng phát thì việc làm này, hoàn toàn khó khăn. Tuy nhiên, người Hindu cũng tin rằng linh hồn vẫn gắn liền với cơ thể sau khi một người qua đời và bằng cách hỏa táng thi thể, linh hồn mới có thể được giải thoát. Và người ta vẫn chọn cách hỏa táng khi chết.
Hiện tại, Ấn Độ ghi nhận thêm 319.435 ca nhiễm và 2.764 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 17.625.735 và 197.880. Vì tình hình các bệnh viện quá tải nên người dân Ấn Độ giờ đây phải đứng giữa sự lựa chọn đau đớn nhất: Rút ống thở người già, nhường oxy cho người trẻ.
Trước tình hình hiện tại của Ấn Độ, một loạt các quốc gia đã quyết định viện trợ y tế cho nước này. Cụ thể, Tổng thống Mỹ - Joe Biden sẽ viện trợ vắc-xin. Ngoài ra, Washington cũng dự kiến gửi phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm nhanh và máy thở cho New Delhi. Không chỉ Mỹ, Pháp sẽ gửi thiết bị thở oxy, trong khi Anh thông báo đang chuyển 600 hệ thống y tế gồm máy thở và máy tạo oxy cho Ấn Độ.
Ngoài ra, ông Tedros - Tổng giám đốc WHO cho biết cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã gửi "hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động và vật tư phòng thí nghiệm" tới Ấn Độ. WHO cũng đã điều hơn 2.600 chuyên gia từ các chương trình khác nhau, gồm cả bệnh bại liệt và lao, làm việc với cơ quan y tế Ấn Độ để giúp đối phó đại dịch.
Theo Đỗ Quyên (Giadinh.net.vn)