Đau xót hình ảnh cô gái bạch tạng bị chặt tay để làm thuốc phù thủy

09/05/2015 07:41:40

Một cô gái trẻ bị bạch tạng đã phải chịu đựng nỗi đau “không thể diễn tả nổi” khi bị 5 người đàn ông tấn công và chặt đứt cánh tay của cô bằng dao rựa vì họ tin rằng làn da bạch tạng của cô sẽ mang lại sự giàu có và may mắn, theo Daily Mail.

Một cô gái trẻ bị bạch tạng đã phải chịu đựng nỗi đau “không thể diễn tả nổi” khi bị 5 người đàn ông tấn công và chặt đứt cánh tay của cô bằng dao rựa vì họ tin rằng làn da bạch tạng của cô sẽ mang lại sự giàu có và may mắn, theo Daily Mail.

Kulwa bị chặt cánh tay khi 15 tuổi. (Nguồn: Daily Mail)

 
Kulwa Lusana mới chỉ là một thiếu niên 15 tuổi khi vụ tấn công xảy ra tại nhà của cô ở phía tây bắc Tanzania. Năm kẻ tấn công sau đó đã gói cánh tay của cô vào một chiếc áo khoác và biến mất trong đêm tối.
 
Kulwa là một trong hàng ngàn nạn nhân của tệ nạn buôn bán bộ phận cơ thể người bạch tạng. Những kẻ tự xưng là phù thủy sử dụng những bộ phận này để điều chế thuốc cho những người giàu có và quyền thế.
 
Thậm chí trường hợp của Kulwa vẫn còn là may mắn: không phải nạn nhân nào của những cuộc tấn công tương tự cũng có thể sống sót. Trong vòng 6 tháng vừa qua, đã có 15 người bạch tạng hoặc bị thương hoặc thiệt mạng, trong đó nhiều trẻ em bạch tạng đã bị bắt cóc.
 
Người bạch tạng là một món hàng béo bở cho những kẻ sẵn sàng hành hung và giết người: giá của một cơ thể bạch tạng nguyên vẹn có thể lên tới 50.000 bảng Anh, còn chân hoặc tay có thể có giá vài ngàn bảng. Đây là những con số kếch sù đối với những kẻ côn đồ đã cùng đường.
 
Không những thế, tỷ lệ kết án của những kẻ đã bị bắt vẫn đang ở mức rất thấp, có nghĩa là đối với những kẻ hành hung, rủi ro khi thực hiện tội ác kinh khủng này là không nhiều.
 
Kulwa bị tấn công vào năm 2011, khi cô đang nằm ngủ trong nhà kho đồng hời cũng là phòng ngủ của cô. Người chị em sinh đôi của cô cùng với toàn thể gia đình thì nghỉ ngơi an toàn trong một căn nhà gạch khóa kín cửa cách đó không xa.
 
“Tôi mới chỉ 15 tuổi khi sự việc xảy ra,” cô chia sẻ với UNICEF. “Năm người đột nhập vào phòng ngủ của tôi. Họ nhìn thấy tôi và chặt đứt cánh tay tôi. Tôi không thể diễn tả nổi nỗi đau đớn ấy.”
 
Trong thời gian hồi phục ở bệnh viện, Kulwa đã tiết lộ thêm nhiều chi tiết khác cho tổ chức từ thiện Under the Same Sun (UTSS) một thời gian ngắn sau vụ tấn công.
 
“Tôi đã cố gắng giấu đi phần cánh tay còn lại của tôi bằng cách ấn tay xuống chăn,” cô cho biết. “Tôi đã van xin họ đừng cướp đi cánh tay của tôi và đã kêu cứu.”
 
“Tôi gọi cha tôi. Rồi tôi cảm thấy hai nhát chém nữa vào vai trái và sau đó là trên đầu khi đang cố chạy trốn. Chúng đã bỏ chạy khi tôi cố gắng chạy về phía nhà của cha tôi.”
 
Cánh tay của Kulwa, giống như tay chân của nhiều người bạch tạng khác, sau đó sẽ được đưa tới chỗ một phù thủy. Chưa hề có bằng chứng về việc những phù thủy này bán thuốc cho ai, chưa từng có ai bị truy tố vì mua thuốc của họ, nhưng nhiều người nói rằng người mua sẵn sàng trả một khoản tiền lớn để mua loại thuốc này.
 
Kulwa không ngần ngại trả lời khi được hỏi rằng những kẻ đã cướp cánh tay cô nên bị xử lý như thế nào. “Nếu chúng bị bắt, chúng nên bị xử tử theo cách mà chúng đã giết hại chúng tôi.” 
 
Sự phân biệt đối xử mà Kulwa phải đối mặt đã bắt đầu từ rất lâu trước khi những kẻ lạ mặt đột nhập vào nhà cô, nơi cô sống cùng với cha mẹ và các anh chị em.
 
Nhiều người tin rằng người bạch tạng là những “con ma,” có thể đem tới vận rủi. Người bạch tạng vì thế thường bị đối xử như một công dân thứ cấp bởi chính người thân trong gia đình họ.
 
“Cha tôi không cho tôi đi học vì sợ tôi sẽ bị cháy nắng và ngất,” Kulwa giải thích trong đoạn băng. Sự quan tâm này dần trở nên đáng lo ngại hơn. “Vì thế tôi ở nhà, giúp làm việc nhà, như nấu ăn, rửa bát, giặt giũ. Khi các anh chị em tới trường, tôi nấu bữa sáng và chuẩn bị đồng phục cho họ. Đó là vị trí của tôi trong gia đình.”
 
Việc Kulwa phải ngủ trong nhà kho trong khi người chị em gái sinh đôi không bị bạch tạng của cô lại được ngủ trong nhà là một biểu hiện cho thấy sự phân biệt đối xử của cha cô.
 
Kulwa giờ đã 19 tuổi, và cuộc sống của cô đã thay đổi. Sau khi mất đi cánh tay, Kulwa được đưa tới một nhà an toàn do UTSS quản lý. UTSS là tổ chức từ thiện với mục đích bảo vệ người bạch tạng ở Tanzania và thay đổi quan niệm liên quan tới màu da của họ.
 
Nhờ có UTSS, Kulwa bắt đầu được đi học, và được học nghề may. “Tôi cũng đã học cách đan áo len,” cô cho biết. “Tôi làm được tất cả những điều này chỉ với một cánh tay.”
 
Kulwa hy vọng có thể tự kinh doanh hàng đan len, và nụ cười trên gương mặt cô đã cho thấy niềm tự hào về những kỹ năng mà cô đã học được.
 

Một vết thương khác mà những kẻ độc ác đã gây ra cho Kulwa. (Nguồn: Daily Mail)

 
Vicky Ntema, thuộc tổ chức UTSS, cho biết rằng để đạt được mục tiêu của mình, Kulwa còn phải vượt qua một vài trở ngại.
 
“Cô ấy sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nếu có được một cánh tay giả có thể hoạt động, và cô ấy sẽ cần có máy đan và máy khâu chuyên nghiệp để bắt đầu kinh doanh hoặc làm việc cùng với một phụ nữ khác.”
 
Kulwa đã an toàn, nhưng vẫn còn rất nhiều người bạch tạng khác đang gặp nguy hiểm. Hơn nữa, tháng 10 tới sẽ có một cuộc bầu cử tại Tanzania – điều này có nghĩa là những người bạch tạng lại một lần nữa phải đối diện với nguy hiểm.
 
Những cuộc bầu cử là khoảng thời gian rất nguy hiểm đối với người bạch tạng, vì một số người sẽ tìm tới các thầy phù thủy để có được lợi thế so với đối thủ của họ.
 
Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ cũng đang bắt đầu vào cuộc. Cảnh sát tại Malawi đã được lệnh nổ súng với bất kỳ ai bị bắt gặp đang tấn công người bạch tạng. Trong khi đó, Thủ tướng Tanzania đã cho phép người dân xử tử bất kỳ ai có mang theo bộ phận cơ thể người bạch tạng.
 
Tại Burundi, những thanh thiếu niên bạch tạng từ khắp Đông Phi đang được sắp xếp cư trú tại những khu nhà đặc biệt được quân đội bảo vệ trong nỗ lực ngăn chặn những kẻ tấn công.
 
Birgithe Lund Henriksen, người đứng đầu cơ quan bảo vệ trẻ em thuộc UNICEF Tanzania hiện đang làm việc với chính phủ, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác, cũng ủng hộ những trung tâm tương tự dành cho tre em bạch tạng “nơi các em có thể sinh sống và tới trường.”
 
“Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu cho các em, những người thường bị tách khỏi gia đình và cộng đồng của mình,” bà nói thêm.
 
“Trong ngắn hạn, với rủi ro như hiện nay, điều quan trọng nhất là phải giữ cho các em được an toàn, nhưng trong dài hạn, UNICEF đang cố gắng củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em ở Tanzania từ cấp chính phủ cho tới cấp cộng đồng.”
 
Còn đối với Kulwa, hiện đang sinh sống an toàn nhờ có UTSS, chỉ còn một điều vẫn khiến cô suy nghĩ: kể từ vụ tấn công, cô vẫn chưa được gặp mặt bất kỳ ai trong gia đình mình.
 
“Nếu tôi có thể được gặp lại mẹ, tôi sẽ rất hạnh phúc,” cô chia sẻ. “Tôi rất nhớ bà ấy. Thực ra, tôi nhớ cả gia đình mình”.
 
Theo My Nguyễn (Vietnamplus.vn)